Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 07:23 GMT+7

Khúc ca người lính Biên phòng trên dải đất biên cương La Lay

Biên phòng - Đến với La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), người ta có thể thấy được kết quả của việc niềm tin được đặt đúng chỗ, khát vọng cống hiến của người lính Biên phòng được thổi bùng lên thành ngọn lửa nhiệt huyết. Dẫu có những hi sinh khó nói hết thành lời, nhưng những người lính Biên phòng vẫn nỗ lực không ngừng để có được sự đổi thay cho vùng đất biên cương ngày hôm nay!

Gia đình hạnh phúc của Thượng úy Nguyễn Thành Quang và chị Mai Thị Thùy Nhung. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đã có những hy sinh...

Trên suốt hành trình từ thành phố Đông Hà lên cửa khẩu quốc tế La Lay, những “câu chuyện ngày xưa” được mọi người thay phiên nhau kể lại để thấy rõ hơn sự thay đổi của biên giới. Đối với Đại tá Nguyễn Thành Phú (nguyên Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay), thì: “Ngày ấy, đường đi chỉ là những lối mòn, vì lý tưởng của tuổi trẻ mà vượt núi, băng rừng lên biên giới. Khi ấy, chúng tôi không thể nghĩ một ngày nào đó lại có đường xe ô tô thênh thang thế này”.

Còn đối với Trung tá Ngô Quang Thuyên, Trung tá Hồ Lê Luận (nguyên Chính trị viên) thì cuộc sống của người dân ngày được cải thiện là mục tiêu lớn của đơn vị vì dân trí được nâng cao, đời sống của bà con có ấm no thì biên cương mới vững mạnh. Và những câu chuyện được chứng kiến sau đó khiến chúng tôi hiểu rằng, để có được sự đổi thay ấy là hi sinh của người lính Biên phòng.

Thượng tá Phan Thanh Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay dễ gây thiện cảm với người đối diện bởi lối nói chuyện khiêm nhường. Thượng tá Phan Thanh Hoàng có hơn 10 năm công tác tại La Lay, trải qua các cương vị khác nhau và anh đã kịp ghi nhiều dấu ấn ở dải đất biên cương này. Còn nhớ, ngày 22/4/2008, nhằm trốn tránh sự truy đuổi của lực lượng Biên phòng, đối tượng vận chuyển trái phép thuốc nổ đã manh động khiến Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay Phan Thanh Hoàng vỡ xương mỏm chày (kết quả giám định thương tật bị thương tổn 31% sức khỏe). Thế nhưng, điều đáng nói là sau này, anh không vì thế mà vắng mặt trong các “trận đánh” với tội phạm.

Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, anh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị liên tục phát hiện các vụ việc đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong cải cách thủ tục hành chính để buôn lậu, trà trộn hàng cấm vào hàng hóa qua cửa khẩu.

Trong số những vị khách đến thăm Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, có cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Chị là vợ của liệt sĩ Lê Thanh Đức (cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay). Câu chuyện của chị khiến người đối diện không nén được xúc động. Chị Thu bảo rằng, anh và chị cùng sinh ra và lớn lên ở thôn Trung Nghĩa 6, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới. Năm 1993, đám cưới xong, chị làm giáo viên ở quê nhà, anh nhận công tác tại Quảng Trị. Khi ấy, đường sá xa xôi, số lần anh về thăm gia đình đếm trên đầu ngón tay. Đó là một trong những nguyên nhân khiến anh và chị lấy nhau 6 năm mới sinh con đầu lòng.

Mỗi lần anh về phép, chị lại đạp xe xuống biển Nhật Lệ mua cá về phơi khô để khi anh quay trở lại đơn vị sẽ mang cho bà con. Nhận quà, bà con ai cũng xúc động và mong muốn bộ đội Đức một ngày nào đó sẽ đưa vợ con lên La Lay chơi. Thế nhưng, dự định ấy chưa thực hiện được thì anh đã ra đi mãi mãi. 8 năm kể từ ngày anh mất, chị mới lần đầu đặt chân tới đơn vị của chồng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/2019). Lần này, trở lại La Lay, chị muốn thông báo tin vui, con gái đầu của anh chị là Lê Anh Thư đã nhập ngũ để nối nghiệp cha.

... Làm nên mùa Xuân biên cương

Ngày 3/3 đã trôi qua, nhưng đối với bà con Pa Cô, Vân Kiều ở xã biên giới A Ngo, A Bung thì dư âm Ngày hội Biên phòng toàn dân - ngày hội đoàn kết quân dân vẫn còn đó. Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, những ngày vừa qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tổ chức cho người dân các trò chơi dân gian và tặng nhu yếu phẩm cho bà con. Thực ra, không chỉ có ngày 3/3 mà bất cứ khi nào có điều kiện, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đều quan tâm, hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Khi thì trao tặng nhu yếu phẩm, lúc lại dê giống, làm nhà và đặc biệt hơn cả là những chiếc giếng khoan đã giúp bà con không còn phải dùng nước suối. Những việc làm này đã giúp cuộc sống của người dân có bước chuyển mình đáng kể.

Cô gái Hồ Thị Nghin sang thăm những người cha nuôi Biên phòng Việt Nam tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Câu chuyện càng trở nên vui hơn khi Thượng tá Nguyễn Xuân Linh giới thiệu với chúng một vị khách đặc biệt. Thực ra, gọi là khách cũng không hẳn đúng. Đó là Hồ Thị Nghin đến từ bản La Lay A Sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào), là học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu theo Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng". Câu chuyện bắt đầu từ gần 10 năm trước, khi cô bé Nghin phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Biết hoàn cảnh của cô gái nhỏ, những người lính Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã hỗ trợ để Nghin trở lại trường học.

Trong số những món quà mang đến cho Nghin có chiếc xe đạp để em đỡ vất vả hơn khi đến trường. Chiếc xe đạp của những người lính Biên phòng không chỉ giúp Hồ Thị Nghin đến trường theo đuổi giấc mơ con chữ, mà giúp em đi xa vượt ra cả lãnh thổ Lào. Tháng 1/2023, Hồ Thị Nghin được đến Thủ đô Hà Nội vì bài viết “Chiếc xe đạp của bố nuôi Biên phòng” được Ban tổ chức Cuộc thi “Kỷ vật kể chuyện” trao giải Ba. Từng suýt phải bỏ học vì gia cảnh nghèo khó, giờ đây, Hồ Thị Nghin đã chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12 và cùng với những người cha nuôi tính chuyện tương lai.

Từ mảnh đất biên cương này, Thượng úy Nguyễn Thành Quang (nhân viên Đội Trinh sát) nên duyên vợ chồng với y sĩ Mai Thị Thùy Nhung (Trạm Y tế xã A Ngo). Thượng úy Nguyễn Thành Quang nói vui rằng, gia đình nhỏ nhưng 3 hộ khẩu khi con cái phải gửi ông bà ngoại ở thành phố Đông Hà. Cuối tháng 3 này, chị Nhung hết thời gian nghỉ chế độ thai sản. Hỏi, anh chị dự định thế nào, Thượng úy Nguyễn Thành Quang cho biết: “Vợ chồng tôi đã thuê nhà ở xã Tà Rụt để đưa cháu thứ 2 lên ở cùng. Sẽ cố gắng nhờ ông bà nội hoặc ngoại lên trông giúp 1 tháng, sau đó tôi nghỉ phép 1 tháng để hỗ trợ vợ chăm con. Biết là còn khó khăn nhưng gia đình được ở gần nhau sẽ khiến chúng tôi yên tâm công tác và gắn bó với nơi này hơn”.

Những lời tâm sự mộc mạc, chân thành khiến ai nấy cay cay sống mũi dù rằng câu chuyện về tình yêu, gia đình của người lính Biên phòng như một nốt nhạc vui trong bản tình ca mùa Xuân biên cương La Lay.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO