Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 07:01 GMT+7

Kích cầu, bình ổn giá

Biên phòng - Những ngày này, hàng hóa khắp các vùng miền cấp tập đổ về các chợ đầu mối. Không khí tết “tràn” vào chợ, siêu thị...Từ các nhà sản xuất, nhà phân phối, các chuyến xe lớn, nhỏ nối đuôi nhau đưa hàng Tết tỏa đi khắp các đô thị, vùng nông thôn, miền núi.

Lượng hàng hóa lưu thông trong tháng cao điểm phục vụ Tết tăng nhiều so với ngày thường. Ảnh: TTXVN

Ngành công thương ước tính, trong tháng cao điểm phục vụ Tết Giáp Thìn, lượng hàng hóa lưu thông tăng từ 80% so với ngày thường. Để kích cầu tiêu dùng tháng giáp Tết, ngoài những giải pháp kích thích nhu cầu mua sắm, việc bình ổn giá thị trường rất quan trọng.

Nắm bắt được xu hướng này, các đơn vị bán lẻ không chỉ tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá sâu với đa dạng mặt hàng, kết hợp sự kiện lễ hội tết, phiên chợ tết...đem đến cơ hội mua sắm tiện lợi cho người tiêu dùng mà còn tăng thêm những dịch vụ đi liền với sản phẩm mang tính gắn kết. Sức mua tại một số siêu thị, trung tâm thương mại tăng đáng kể, lượng khách mua sắm Tết đang tăng dần.

Các nền tảng thương mại trực tuyến cũng rộn ràng tăng lượt tương tác và thường xuyên chia sẻ những thông tin hữu ích, rất nhiều hàng thiết yếu đang giảm giá để phục vụ nhu cầu mua sắm cao điểm vào mùa Tết. Trong đó, có nhiều mặt hàng giảm giá sâu, kèm dịch vụ giao hàng tận cửa nhà.

Theo các chuyên gia, dự báo cung, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới và trong nước có nhiều yếu tố biến động khó lường sẽ khiến giá cả tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình chính trị, kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Đồng thời, Bộ Tài chính tham mưu kịp thời cho Chính phủ ban hành các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát; nhất là đối với một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng tư liệu sản xuất quan trọng có giá biến động lớn.

Nhiều địa phương đã lên kế hoạch chương trình bình ổn thị trường “khung” không điều chỉnh giá từ quí III năm trước; chỉ đạo các ngành tài chính, công thương, quản lý thị trường giám sát chặt chẽ giá cả tại các chợ lẻ, chợ truyền thống; tránh tình trạng “nhảy giá”, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp luôn đồng hành, chia sẻ giá bán tốt nhất đến người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá. Các kênh phân phối hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá ưu đãi, phục vụ người dân dịp Tết.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tiêu dùng tại Việt Nam ảm đạm, các giải pháp khuyến mãi giảm giá, bình ổn giá, đa dạng kênh bán hàng... của doanh nghiệp để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp đã có tác động nhất định, nhưng chưa đủ sức đẩy tổng cầu của nền kinh tế đi lên. Giải pháp quan trọng nhất để tăng trưởng tiêu dùng nội địa, kích thích người dân tiêu tiền là làm sao để giá thành hàng hóa giảm.

Để kích thích tổng cầu cả năm 2024, Chính phủ cần triển khai các chính sách đồng loạt, mạnh mẽ, dứt khoát để kéo giảm chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các hoạt động chi tiêu của Chính phủ, xúc tiến, quảng bá sản phẩm làm cho thị trường sinh động lên. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, người dân có việc làm và thu nhập ổn định thì chi tiêu sẽ tăng.

Xuân đang đến rất gần, sức mua nhích dần, từng bước khởi sắc, hứa hẹn một mùa Tết Giáp Thìn ấm áp, tươi vui.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO