Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 06:10 GMT+7

Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm bẩn nhập lậu trên tuyến biên giới Quảng Ninh

Biên phòng - Trong khi câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước còn nhiều vấn đề bức bối, việc phòng chống các loại thực phẩm bẩn vẫn dẫm chân tại chỗ thì gia cầm nhập lậu cùng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, hoa quả… không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc, đặc biệt là trên tuyến biên giới Quảng Ninh vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Dư luận cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ nhằm chặn đứng loại hàng nguy hiểm này ngay từ biên giới, cửa khẩu, nhất là khi Tết đến, xuân về.

5bfj_18b
Một lô hàng hoa quả nhập lậu từ Trung Quốc chuẩn bị được tiêu hủy.  Ảnh: P.M.Hưng

"Phong phú" thực phẩm bẩn

Một thời gian khá dài kể từ sau Tết Nguyên đán 2015, gà có xuất xứ Trung Quốc tưởng như không còn cơ hội nhập lậu qua biên giới Việt-Trung, bởi thị trường trong nước tẩy chay do lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cũng như dịch cúm gia cầm. Nhưng từ đầu năm 2016 trở lại đây, gà lậu có xuất xứ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là loại "quá đát" (gà thải loại) lại ồ ạt "đổ bộ" qua đường mòn, lối mở biên giới vào nước ta, nhiều nhất là trên tuyến biên giới Đông Bắc. Mới đây nhất, ngày 24-11-2016, tại huyện Hải Hà, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện trên 1 tấn gà lậu được vận chuyển trên xe tải của một đối tượng trú tại thành phố Móng Cái.

Tại cơ quan chức năng, đối tượng này khai nhận vận chuyển thuê số gà trên từ Móng Cái vào nội địa, trong lúc "hành quân" qua địa bàn huyện Hải Hà thì bị công an bắt giữ. Trước đó, vào cuối tháng 7-2016, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng thành phố Cẩm Phả tiêu hủy hơn 1 tấn gà nhập lậu đã chết, bốc mùi hôi thối. Lượng tang vật này được tịch thu từ vụ việc vận chuyển gà lậu phát hiện tại địa bàn phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả. Đó chỉ là hai trong rất nhiều vụ nhập lậu gà "quá đát" nói riêng, gia cầm chưa được kiểm dịch nói chung từ Trung Quốc vào Việt Nam qua tuyến biên giới Quảng Ninh thời gian qua.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, trước Tết Nguyên đán năm ngoái, do có phương án ngăn chặn, đón bắt rất "mạnh tay" nên "dòng chảy" gia cầm lậu trên tuyến biên giới Quảng Ninh tuy vẫn còn tồn tại nhưng với số lượng không nhiều. Từ khoảng tháng 2-2016 đến nay, tình trạng gia cầm nhập lậu tái diễn trên khu vực biên giới của tỉnh rất nghiêm trọng, đặc biệt là thành phố Móng Cái với con số được ghi nhận là 96.900 con và 22.900kg gia cầm, sản phẩm từ gia cầm.

Một vấn đề mới nảy sinh là bọn buôn lậu đã chuyển hướng nhập gia cầm lậu từ địa bàn ngoài khu vực biên giới (do các "cửu vạn" chuyên vận chuyển gia cầm qua biên giới tập kết về) với số lượng lớn rồi lén lút sử dụng xe có biển số ngoại tỉnh vận chuyển qua địa bàn nhằm trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng địa phương. Thủ đoạn của chúng là thường nhằm vào đêm khuya, cung đường vắng vẻ cách xa trung tâm để lén lút vận chuyển gia cầm nhập lậu. Vụ vận chuyển 500kg thịt gà sống nhập lậu bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả phát hiện tại khu vực đường tránh Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả vào trung tuần tháng 7-2016 là một ví dụ điển hình.

Không chỉ có gia cầm, tại khu vực biên giới Quảng Ninh, tình trạng buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc cũng diễn ra phức tạp. Có thể nêu vài con số để thấy được "độ nóng" của vấn nạn này: Chỉ trong vòng 1 tháng, từ ngày 15-6 đến 15-7-2016, đã có 29.700 sản phẩm thực phẩm gồm nước đóng chai, bánh kẹo, thạch; hơn 15 tấn hoa quả tươi, 11,4 tấn thực phẩm đông lạnh nhập lậu bị phát hiện, xử lý.

Ngày 7-9, lực lượng Quản lý thị trường Quảng Ninh phát hiện và bắt giữ một vụ vận chuyển hơn 2 tấn chân gà đông lạnh nhập lậu đã bốc mùi hôi thối ở phường Hải Yên, thành phố Móng Cái. Gần đây nhất, ngày 5-12-2016, tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, 1,8 tấn cam không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ biên giới vào nội địa tiêu thụ cũng đã bị cơ quan chức năng địa phương phát hiện, thu giữ.

Đặc biệt, trước đó, tháng 5 đến tháng 6-2016, BĐBP Quảng Ninh đã khám phá 2 vụ vận chuyển thực phẩm "bẩn" gây xôn xao dư luận, thu giữ tang vật gồm 600kg bột trà sữa trân châu nhập lậu (với thành phần bao gồm bột mỳ, kem béo và các loại bột màu) và hơn 420kg thịt động vật đã bốc mùi hôi thối không rõ nguồn gốc.

Cần có những đợt "tấn công" quyết liệt

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh thẳng thắn cho rằng, việc chống thực phẩm bẩn nhập lậu qua biên giới Quảng Ninh là rất khó, do đặc thù của tuyến này có nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu tiểu mạch, các chợ, khu kinh doanh sát đường biên. Để ngăn chặn những mặt hàng nguy hiểm này nhập lậu qua biên giới cần có biện pháp song hành là "cấm cửa" chúng ở phía trong nội địa. Hiện nay, việc tổ chức tiêu hủy thực phẩm bẩn nhập lậu tại các "điểm nóng" trên tuyến biên giới Quảng Ninh đã được các cơ quan chức năng làm quyết liệt rất nhiều so với trước đây.

Đơn cử như gà lậu, còn nhớ, cách đây chưa lâu, để thành lập được hội đồng tiêu hủy tang vật là gà lậu rất khó khăn, nhưng nay mọi việc đã khẩn trương hơn, gà lậu mới bắt được trong đêm thì ngay sáng hôm sau đã có thể hoàn tất thủ tục để tiến hành tiêu hủy. Đặc biệt, việc tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo VSATTP đã có những cải tiến, thay vì phải đốt, chôn thủ công như trước đây, các địa phương đã tiêu hủy bằng biện pháp cho vào lò đốt, vừa an toàn cho người thực hiện nhiệm vụ, vừa đỡ ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, việc ngăn chặn, tiêu hủy thực phẩm bẩn nhập lậu không phải là chuyện dễ dàng và đang bộc lộ rõ những khó khăn mới.

Hiện nay, tại các điểm nóng như các huyện Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên hay các phường Hải Hòa, Hải Sơn và Bắc Sơn (thành phố Móng Cái), "độ nóng" của hoạt động mua bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu qua biên giới luôn ở mức cao. Tại đây, khi hàng tập kết đủ "cơ số" ở những địa điểm kín đáo, có lệnh "xuất kích" của chủ buôn lậu là được vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ. Thời điểm "xuất kích" được bố trí hết sức bất ngờ, sau khi "chim lợn" đã trinh sát các hoạt động của lực lượng chống buôn lậu thấy an toàn. Tuy các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp, tổ chức tuần tra, kiểm soát, nhưng bọn buôn lậu có nhiều thủ đoạn, lợi dụng các đường mòn, lối mở để vận chuyển và thay đổi liên tục về thời gian, địa điểm, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu.

Tuyến biên giới Quảng Ninh được xác định là địa bàn trọng điểm về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong đó có các mặt hàng tươi sống phục vụ nhu cầu ăn uống nhưng chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo VSATTP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thường xuyên có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ngay tại khu vực biên giới.

Về phần mình, đứng trước tình hình thực phẩm mất VSATTP nhập lậu có diễn biến phức tạp, các lực lượng có chức năng chống buôn lậu tại tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chủ động phối hợp phòng chống vấn nạn này, trong đó, đặc biệt chú trọng việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các địa điểm nhạy cảm trên biên giới, cửa khẩu, kết hợp kiểm tra chặt chẽ các cửa hàng, các chợ kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu chứa chấp, tập kết thực phẩm mất VSATTP nhập lậu.

Trên thực tế, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng chống buôn lậu tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm một số vụ đã có tác dụng giáo dục, răn đe và làm giảm bớt hoạt động liều lĩnh, trắng trợn của các đối tượng buôn lậu. Tuy nhiên, trong thời gian cuối năm, khi thị trường hàng hóa sôi động, nhu cầu tiêu thụ tăng, cũng là dịp cho các mặt hàng này tìm cách xâm nhập.

Vì thế, các lực lượng chức năng địa phương đã xác định cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân nói không với buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm soát thị trường, bảo đảm VSATTP và tăng cường lực lượng, phương tiện kiểm soát chặt chẽ, tấn công mạnh hơn nữa vào hoạt động buôn lậu nói chung, mua bán, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc nói riêng.

Phan Mạnh Hưng

Bình luận

ZALO