Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 03:07 GMT+7

Kiểm soát dịch bệnh, tăng cường kết nối để phục hồi kinh tế

Biên phòng - Thời điểm hiện tại, song hành với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 thì việc chuẩn bị các kịch bản để phục hồi kinh tế là hết sức cần thiết. Thay vì “đóng băng” để chống dịch, Việt Nam bắt đầu triển khai các giải pháp phát triển kinh tế sau đại dịch theo chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn và hiệu quả trên cơ sở kiểm soát tốt rủi ro dịch bệnh, độ bao phủ vaccine được mở rộng.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) diễn ra thông suốt trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Vi Toàn

Biến thách thức thành cơ hội

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ tư từ tháng 4-2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tác động tiêu cực của dịch bệnh đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị chệch ra khỏi quỹ đạo tăng trưởng, hiện đang ở mức thấp hơn đáng kể so với dự báo và nếu không được khắc phục sớm sẽ còn bị hạ xuống thấp hơn.

Tại hội thảo khoa học về phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương vừa được tổ chức, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác vẫn còn chống dịch Covid-19; không có một quốc gia nào an toàn trên thế giới này mà các quốc gia khác vẫn còn chống dịch Covid-19. Từ cách tiếp cận này, chúng ta phải thích ứng. Đây là cơ hội không chỉ là thách thức; đưa sự thay đổi quản lý từ không Covid-19 sang quản lý rủi ro, thích ứng. Biến thách thức thành cơ hội để phấn đấu vươn lên, vượt qua như nâng cao cải cách thể chế, cơ hội để chuyển đổi số hóa, cơ hội để xanh hóa nền kinh tế...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, muốn phục hồi kinh tế thì phải kiểm soát được dịch bệnh. Biện pháp kiểm soát dịch bệnh là phải thực hiện 5K, bao phủ vaccine, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, đặc biệt là nâng cao ý thức của người dân và áp dụng các biện pháp khác có thể.

Cùng với việc kiểm soát dịch bệnh phải giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn, đảm bảo thu chi, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp hiệu quả; khôi phục doanh nghiệp, tăng tổng cung, tổng cầu, khôi phục thị trường lao động... Theo Thủ tướng, để khôi phục doanh nghiệp, cần tập trung khôi phục thị trường lao động; giảm chi phí đầu vào; đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. “Chính phủ và địa phương phải bàn với doanh nghiệp các biện pháp để phục hồi kinh tế, với nguyên tắc, lợi ích thì hài hòa, còn rủi ro thì chia sẻ” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh

Dịch bệnh đã làm đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do thiếu hụt lao động, đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistics; đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp. Do vậy, cần đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng xuất khẩu đến thị trường quốc tế, đưa hàng hóa và nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, phục hồi các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng... Ngoài ra, giảm các rủi ro về y tế, bảo đảm an toàn cho người dân để từng bước mở cửa theo tinh thần “mở đến đâu chắc đến đó”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trước mắt, các địa phương cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp. Đó là, ưu tiên cân đối ngân sách địa phương đối ứng với ngân sách Trung ương dành cho các gói hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường áp dụng công nghệ số để nâng cao tính minh bạch, tránh hỗ trợ trùng lắp, cắt giảm chi phí giao dịch.

Để khắc phục những đứt gãy cho nền kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp cho rằng, cần giảm các rủi ro về y tế theo chiến lược vaccine, 5K, công nghệ và các giải pháp phòng, chống dịch khác.

Đồng thời, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Xây dựng năng lực truy vết, xác lập những vùng xanh để mở lại các hoạt động có kiểm soát. Nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả. Bảo đảm lưu thông, di chuyển thông suốt, an toàn, tránh tạo ra sự chia cắt giữa các địa phương, các vùng, miền, giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Đưa người lao động trở lại và bổ sung lực lượng lao động thiếu hụt cho các doanh nghiệp. Kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh chuyển đổi số...

Điều cần lưu ý là các chính sách cần được xây dựng, thực thi nhất quán, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Bởi thực tế, trong làn sóng dịch lần thứ 4, mỗi địa phương thực hiện các chính sách kiểm soát dịch khác nhau dẫn đến lưu thông bị ách tắc, làm tăng chi phí sản xuất... gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp,

Góp ý cho các chính sách phục hồi kinh tế, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam đề xuất, Chính phủ sớm nhanh chóng soạn thảo tiêu chí quản lý phòng dịch để doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh. Thực tế, thời gian vừa qua, tiêu chí và các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và địa phương có sự khác biệt, không đồng nhất.

Bên cạnh đó, các quy định về phòng dịch chỉ được thông báo trước 1-2 ngày mà lại không được chuẩn hóa. Điều đó khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức nhân sự cũng như kế hoạch sản xuất. Ông Choi Joo Ho cho rằng, để ban hành chính sách phòng dịch an toàn, chính quyền địa phương cần thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đảm bảo thời gian ban hành chính sách mới đến khi áp dụng là khoảng 1 tuần hoặc tối thiểu 3 - 4 ngày.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ sớm có kịch bản tổng thể thống nhất trong cả nước, đặc biệt là xây dựng Bộ tiêu chí an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO