Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 06:03 GMT+7

Kiên Giang giảm nghèo nhanh ở vùng đồng bào dân tộc Khmer

Biên phòng - Những năm qua, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Đặc biệt, nhiều hộ dân tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Danh Thái (bên trái) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, bệnh tật để có giải pháp giúp đỡ phù hợp. Ảnh: Phương Nghi

Chính sách đi vào cuộc sống

Ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Quao) có 390 hộ gia đình, trong đó, 78% người Khmer và một thời là ấp nghèo nhất xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách dân tộc..., hiện nay, ấp 6 đã không còn hộ nghèo, số hộ khá, hộ giàu đang tăng lên.

Để giúp người dân thoát nghèo, giảm nghèo nhanh, bền vững, ấp 6 tập trung thực hiện hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân, giúp vốn, hỗ trợ nhà, tư vấn, giới thiệu việc làm... Đồng thời, vận động người dân cải tạo vườn tạp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất. Ông Danh Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 6 nói: "Ấp có 26 đảng viên, trong đó, 10 đảng viên đi làm ăn xa, còn lại được phân công giúp đỡ 9 hộ là hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, bệnh tật, chưa tham gia bảo hiểm y tế, thiếu vốn... Đảng viên theo dõi có trách nhiệm báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để có giải pháp giúp đỡ phù hợp, khó chỗ nào “gỡ” chỗ đó cho những hộ mới thoát nghèo, cận nghèo sẽ được bảo lãnh vay tín chấp vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh để không phải tái nghèo, với dư nợ hiện nay lên đến hơn 2 tỷ đồng".

“Cuộc sống người dân ấp 6 bây giờ phát triển hơn trước rất nhiều, bê tông hóa đường giao thông nông thôn gần như phủ khắp từ sự đóng góp của người dân, 75% hộ trong ấp có mức sống khá giàu; 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế, 70% gia đình có con em học lên đại học, cao đẳng...” - ông Thái nói.

Hơn 5 năm trước, gia đình chị Danh Thị Bích Ngọc, ở ấp 6 thuộc diện hộ nghèo, sống trong căn chòi lá. Nhà có hai công ruộng, mỗi năm làm hai vụ lúa, nhưng phải nuôi ba đứa con, nên chẳng đủ ăn. Thấy vậy, Chi hội phụ nữ ấp 6 đề xuất xem xét hỗ trợ chị vay ưu đãi hơn 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi heo và phát triển nghề đan lát, được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi đất sang trồng lúa chất lượng cao... nên dần trả được nợ cũ và đầu tư mở rộng sản xuất, thoát nghèo.

Có thể nói, sự linh động trong việc lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước ở Kiên Giang đã phát huy hiệu quả. Nhiều hộ đã an tâm khi có chỗ ở ổn định, sử dụng tốt các nguồn vốn vay của Chính phủ hoặc tiết kiệm trong chi tiêu để vươn lên thoát nghèo. Chẳng hạn, hộ chị Thạch Thu An ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất), chồng làm nghề kéo cá thuê, vợ làm công nhân, nuôi hai con nhỏ. Nhiều năm qua, vợ chồng chị không đủ tiền để mua đất, cất nhà. Nhờ Nhà nước hỗ trợ đất, cất nhà Đại đoàn kết, nên anh chị đã có tiền tiết kiệm. Chị An nói: “Không phải lo chỗ ở nữa nên vợ chồng tôi tiết kiệm tiền để lo cho các con ăn học”.

Ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: "Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, dự án giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên, hộ nghèo giảm dần, bình quân mỗi năm giảm từ 2 - 3%".

Tiếp tục nhiều chính sách chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kiên Giang được Trung ương phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển trên 66,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 57,7 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng trên 8,6 tỷ đồng.

Anh nông dân Khmer Danh Sơn, ngụ tại ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa, huyện Gò Quao phấn khởi vì vụ trồng khoai lang trúng mùa được giá cho thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Nghi

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh, Kiên Giang đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 1,5 - 2%. Phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh...

Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: "Tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm các dân tộc sinh sống trên địa bàn bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc".

“Cùng với đó, tỉnh gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước kết hợp các nguồn lực xã hội khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là đường giao thông liên vùng kết nối với các vùng phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng” - ông Trung nhấn mạnh.

Những chuyển biến tích cực thời gian qua ở vùng có đông đồng bào DTTS ở Kiên Giang cho thấy những chính sách đầu tư đặc thù của Đảng, Nhà nước dành cho vùng có đông DTTS đã phát huy hiệu quả. Hy vọng rằng, các địa phương nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để các chính sách này đạt hiệu quả cao, giúp cho đời sống bà con DTTS ngày càng tốt hơn.

Phương Nghi

Bình luận

ZALO