Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 05:54 GMT+7

Kiên trì xây dựng “phòng tuyến” của Đảng ở biên giới (bài 2)

Biên phòng - ...Lòng dân nao núng, phân tán, mọi phong trào hoạt động yếu, không tìm ra quần chúng để mở lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Mặc dù luôn có Quân đội đồng hành hỗ trợ nhiều mặt, song 2 năm đầu vẫn không phát triển được đảng viên mới nào

Bài 2: Dân ở trong quân

“Trong thời chiến hay thời bình, thông thường quân được bố trí ở trong dân, bộ đội ở trong nhà dân, doanh trại thì nằm trong vòng tay đùm bọc của thôn, xã. Những ngày đầu đi kinh tế mới vào vùng biên giới Ea Súp, dân lại được bố trí ở trong quân, mọi hoạt động đều do Quân đội quản lý, thậm chí một số trục đường có cả barie của bộ đội canh gác. Công tác xây dựng Đảng và duy trì đời sống sinh hoạt ở khu dân cư cũng vậy, mọi chế độ đều do Quân đội quản lý” - ông Hà Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk mở đầu câu chuyện khá thú vị.

Cuộc "hành quân" lịch sử

Xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, quê hương của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp Hà Văn Thanh là một trong 3 địa phương nằm trong vùng lòng hồ thủy lợi Cửa Đạt phải di dời vào khu vực biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Ông Hà Văn Thanh. Ảnh: Hải Luận

Nói về chuyện lạ trong vô vàn chuyện lạ ngày đến vùng đất mới Ea Súp, nguyên Bí thư Đảng ủy Hà Văn Thanh kể tường tận: “Năm 2004, toàn bộ xã Xuân Khao, từ người dân đến bộ khung cán bộ, cơ sở vật chất và cả con dấu của Đảng ủy, HĐND, UBND xã đều phải “chuyển hộ khẩu” vào Ea Súp. Riêng các loại con dấu mang đi chỉ sử dụng vào các loại giấy tờ, công văn gửi từ tỉnh Đắk Lắk về Thanh Hóa, có hiệu lực ở tỉnh Thanh Hóa. Cứ 3 tháng 1 lần, Chủ tịch UBND xã và kế toán về quê nhận lương cho toàn bộ cán bộ xã Xuân Khao cũ. Đến năm 2006, thành lập xã Ia Lốp, tỉnh Đắk Lắk chi trả lương”.

Tháng 5/2004, cuộc “hành quân” của 357 hộ dân xã Xuân Khao vào biên giới huyện Ea Súp bằng xe khách chở người, xe tải chở các loại vật dụng. Người dân đến nơi ở mới được phân ra 6 thôn: Đừng, Nhạp, Chiềng, Đóng, Lầu Nang, Đai Thôn. Tổng số có 30 đảng viên, thành lập 6 chi bộ thôn, coi như có hạt nhân lãnh đạo ngay. Mọi giấy tờ kết hôn, khai sinh... của người dân kinh tế mới phải chạy sang xã Ia Lốp (năm 2006 thành lập xã Ia Lốp mới, xã Ia Lốp cũ đổi thành xã Ia Jlơi) chứng thực. Mỗi hộ được cấp 1ha đất sản xuất và đất làm nhà.

“Sau một thời gian, Đảng ủy Binh đoàn 16 ra quyết định thành lập Đảng bộ khu dân cư kinh tế - quốc phòng Xuân Khao, trực thuộc Đảng bộ Binh đoàn 16. Đồng thời chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ có 7 người, do tôi làm Bí thư Đảng ủy. Ấn tượng nhất là ngày chúng tôi đại diện Đảng bộ khu dân cư kinh tế - quốc phòng Xuân Khao tham dự Đại hội Đảng bộ Binh đoàn 16 diễn ra tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Cả hội trường toàn quân phục, chỉ có 2 người là dân sự, đại diện cho người dân kinh tế mới. Tôi vinh dự được lên phát biểu ý kiến tại đại hội đã nói lên ý chí, nguyện vọng, lòng quyết tâm của người dân, cùng với Quân đội xây dựng “phòng tuyến” của Đảng nơi biên giới. Phải người ở trong cuộc mới thấm thía câu nói “dân ở trong quân”. Lúc đầu chưa có điện, bộ đội cấp dầu cho dân thắp sáng; mùa khô, bộ đội dùng xe bồn chở nước đi cấp cho dân ở các thôn” - ông Thanh tâm sự.

Gian nan “đãi cát tìm vàng”

Chúng tôi đặt vấn đề với các vị nguyên là lãnh đạo đầu tiên của xã Ia Rvê và Ia Lốp về công tác phát triển đảng viên ở vùng đất mới, gần như ai cũng lắc đầu, bởi khó khăn nhất vẫn là tìm nguồn trong quần chúng.

Ông Hà Văn Thanh chia sẻ: “Tâm lý bao trùm trong nhân dân đi kinh tế mới lúc bấy giờ là khá mơ hồ. Mọi người không biết còn bám trụ lại với Ea Súp được bao lâu, vì quá khắc nghiệt. Lòng dân nao núng, phân tán, mọi phong trào hoạt động yếu, không tìm ra quần chúng để mở lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Mặc dù luôn có Quân đội đồng hành hỗ trợ nhiều mặt, song 2 năm đầu vẫn không phát triển được đảng viên mới nào. Không có đủ nhân sự thì chưa thể thành lập được các chi bộ thôn mới”.

Mãi đến tháng 6/2006, 2 xã biên giới Ia Lốp và Ia Rvê chính thức được thành lập. Xã Ia Lốp đủ số lượng đảng viên thành lập Đảng bộ xã trực thuộc Huyện ủy Ea Súp, toàn xã chỉ có 6 chi bộ thôn/18 thôn, phải sinh hoạt ghép với các thôn chưa có chi bộ. Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Bí thư Huyện ủy Ea Súp lúc bấy giờ ra “tối hậu thư” với Đảng ủy xã Ia Lốp, trong nhiệm kỳ 5 năm tới phải phát triển đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ các thôn còn lại.

Diện tích đất ở xã Ia Lốp chưa có nước thủy lợi, mùa khô cằn cỗi. Ảnh: Hải Luận

Đại tá Đỗ Minh Hảo, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk nhớ lại: “Công tác Đảng ở khu dân cư dọc biên giới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đó là ngọn cờ lãnh đạo, tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân trong xây dựng cuộc sống mới. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo 2 đồn Biên phòng: Ea H’leo, Ia Rvê thành lập các tổ công tác địa bàn, cử cán bộ đảng viên có năng lực xuống ở ngay trong dân để cùng với lực lượng của 2 xã mới thành lập gây dựng phong trào, phát triển đảng viên mới”.

Đảng ủy xã Ia Lốp tập trung phát triển đảng viên ở các thôn có nhiều người dân quê tỉnh Bến Tre lên định cư. Có đợt, đích thân Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Thanh trực tiếp mang 10 bộ hồ sơ vào tận các địa phương vùng sông nước Nam Bộ để thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng.

“Đến năm 2008, chúng tôi chỉ kết nạp được 10 đảng viên mới và kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên cũng chỉ mới hoàn thành được 60% số thôn có chi bộ. “Tối hậu thư” mà đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy đưa ra cũng phải đến nửa nhiệm kỳ thứ hai, chúng tôi mới hoàn thành (18/18 thôn có chi bộ). Mặc dù không đạt được chỉ tiêu lãnh đạo cấp trên đề ra, nhưng đó vẫn là kỳ tích, bởi với ngần ấy thời gian đã có biết bao nhiêu trăn trở, nghĩ suy, nỗ lực của toàn Đảng bộ xã Ia Lốp. Từ 30 đảng viên ban đầu, sau hơn 10 năm, Đảng bộ xã Ia Lốp đã có 250 đảng viên, đến nay, con số này đã tăng lên 316 đảng viên... Có thể nói, từ vùng biên giới hoang vu, khắc nghiệt, không có hộ dân nào sinh sống, Ia Lốp đã có một đảng bộ vững mạnh, với 20 chi bộ trực thuộc. Tròn 2 thập kỷ kiên trì xây dựng “phòng tuyến” của Đảng nơi biên giới, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đề ra giải pháp phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh” - ông Hà Văn Thanh nói như đúc kết.

Trong khi xã Ia Lốp những ngày đầu đã có Đảng bộ khu dân cư kinh tế-quốc phòng Xuân Khao, trực thuộc Đảng bộ Binh đoàn 16 lãnh đạo, xã Ia Rvê mới thành lập, chỉ vỏn vẹn 17 đảng viên, không đủ số lượng để thành lập đảng bộ. Toàn xã có 14 thôn, ghép lại thành 4 chi bộ liên thôn.

Ông Cao Hoài Trung, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Rvê nhớ như in: “Vợ chồng tôi đã kết nạp Đảng ở Bến Tre, mình suy nghĩ đi kinh tế mới thì cứ tập trung làm kinh tế, đâu có nghĩ làm lãnh đạo. Gần đến ngày thành lập xã Ia Rvê, Huyện ủy Ea Súp gọi tôi lên giao nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND xã lâm thời, sau đó, HĐND xã mới bầu tôi làm chủ tịch chính thức. Có bộ khung chính quyền xã rồi, chúng tôi tập trung xuống các thôn để vận động, lựa chọn người có năng lực làm thôn trưởng. Đa số mọi người kiên quyết từ chối. Họ kiên quyết từ chối, tôi quyết liệt vận động, cứ thế dần dần rồi cũng có người chịu làm cán bộ thôn”.

Vừa tìm kiếm nhân sự cho khung chính quyền thôn, vừa phát hiện, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới để thành lập chi bộ thôn, sau thời gian “đãi cát tìm vàng”, cuối cùng, số lượng đảng viên cũng đã đáp ứng để ra mắt Đảng bộ xã Ia Rvê. Đến thời điểm hiện tại, Đảng bộ xã Ia Rvê có 257 đảng viên, với 20 chi bộ trực thuộc.

Bài 3: Đảng viên tiên phong làm kinh tế hộ

Hải Luận - Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO