Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 27/06/2024 01:50 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024):

Kinh nghiệm tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió

Biên phòng - Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 được coi là “vùng biển bão tố”, vì thông thường một năm có từ 10-15 cơn bão, lốc xoáy đi qua đây hoặc hình thành ngay tại vùng biển này. Để ghi lại những tấm ảnh, thước phim, phỏng vấn nhân vật ở Trường Sa, nhà giàn DK1, ngoài am tường về nghiệp vụ và sức khỏe dẻo dai, phóng viên phải có “độ nhạy chuyên biệt” về tác nghiệp. Thế mới có thể cho “ra lò” những tấm ảnh “không đụng hàng” và những bài viết đặc sắc chứa chan cảm xúc. Nói cách khác là tác phẩm báo chí phải “viết, chụp từ niềm đam mê máu thịt với nghề”.

Phóng viên phỏng vấn nhân vật tại đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Mai Thắng

25 năm trong nghề làm báo, tôi luôn chiêm nghiệm một điều được coi là “dĩ bất biến” và “ứng vạn biến”. “Dĩ bất biến” có thể hiểu rằng: “Một tác phẩm báo chí xuất sắc, chắc chắn phải là tác phẩm thứ thiệt”. Nghĩa là tác phẩm ấy được tác giả viết, chụp ảnh, thâm nhập từ thực tế. Chỉ viết, chụp ở thực địa, hoàn cảnh thực sự mới “ra lò” được tác phẩm báo chí giàu hơi thở cuộc sống. Càng đến những nơi khó khăn, gian khổ, viết càng hay, ảnh chụp càng đẹp, càng chất lượng. Nói cách khác, tác phẩm “thứ thiệt” phải phải “có hồn” như “một câu chuyện kể” tròn trịa, có đầu có cuối. Một tác phẩm báo chí xuất sắc phải được độc giả đón nhận và “ghim” trong lòng họ, khiến họ phải xúc động, nhớ lâu, nhớ sâu.

“Ứng vạn biến” là tùy theo thực tế lúc tác nghiệp (địa hình, thời tiết) mà có những động tác tác nghiệp “đứng, ngồi, quỳ, nằm” khác nhau để “chộp” những khoảnh khắc khác nhau một cách sinh động và chân thực nhất. Chụp ánh mắt phải chú trọng đến “hồn” của mắt; chụp chân dung phải chú ý đến “thần thái”; nhân vật đang xúc động thì phải nhanh chóng “chộp” được “ánh mắt đỏ hoe”; nhân vật đang vui thì khẩn trương “chớp” được “nụ cười”. Tác nghiệp ở Trường Sa phải có “phông” biển, đảo; tác nghiệp ở nhà giàn DK1 phải có “phông” hình ảnh nhà giàn; viết về chiến sĩ Hải quân không thể thiếu màu áo yếm; viết về BĐBP không thể thiếu “màu áo xanh và quân hàm xanh”...

25 năm theo “nghiệp đam mê con chữ”, trong nhiều địa danh tôi đã đặt chân, Trường Sa, nhà giàn DK1 là những địa danh đặc biệt nhất. Nó không chỉ là mảnh đất thiêng liêng nhất của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, mà còn là “hiện thân” của chủ quyền quốc gia dân tộc, khẳng định và công bố với thế giới rằng: Trường Sa, Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam, 15 nhà giàn DK1 là “pháo đài canh chủ quyền quốc gia trên biển” trấn giữ vùng biển đặc quyền kinh tế của Tổ quốc. Trên những pháo đài ấy là nơi huấn luyện, học tập quân sự của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1; được bà con ngư dân gọi với cái tên thân thương “nhà tình nghĩa”, “nhà lô”, “nhà chòi”. Cán bộ, chiến sĩ DK1 được gọi là “bia chủ quyền sống trên biển”.

Tác nghiệp trên vùng biển, đảo của Tổ quốc để lại nhiều cảm xúc khó quên đối với những người làm báo. Ảnh: Mai Thắng

Phóng viên báo, đài đi Trường Sa, nhà giàn DK1 bao giờ cũng được ưu tiên xuống chuyến xuồng đầu tiên để tác nghiệp. Với tôi, lúc nào cũng được “đặc cách” xuống xuồng đầu tiên trong những chiếc xuồng rời tàu vào đảo. Bao giờ cũng thế, ngồi trên xuồng là anh em nhanh chóng đưa ống kính “chộp” ngay trọn vẹn con tàu với nhiều góc máy: Toàn cảnh, trung cản, cận cảnh. Xúc động nhất là lúc dâng hương, dâng hoa viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sa ở thị trấn Trường Sa và thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa đã hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Trong tiếng nhạc hồn tử sĩ, chen lẫn giữa khói nhang nghi ngút và tiếng nấc nghẹn ngào, nhiều phóng viên không kìm được cảm xúc nước mắt trào ra. Và trong khoảnh khắc đặt biệt ấy đã cho ra đời những bức ảnh đẹp nhất, hồn nhất, xúc động nhất...

Quần đảo Trường Sa có 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân. Mỗi đảo nhỏ nằm ở vị trí phòng thủ đặc biệt khác nhau và gắn với lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành. Vốn là sĩ quan nhà giàn DK1 và nhiều năm kinh nghiệm làm báo, khi đến Trường Sa, nhà giàn DK1, tôi luôn có “kế hoạch” trong đầu từ trước khi đặt chân đến đảo để chủ động “hòa” vào các chiến sĩ, lắng nghe tâm tư, chia sẻ của những người lính dành trọn tuổi thanh xuân và tình yêu cho biển, đảo quê hương. Đây chính là “nguồn tư liệu quý” làm nên “hồn cốt” của bài báo.

25 năm làm báo, tuy chưa gọi là “gạo cội” nhưng tôi cũng có ít nhiều về chuyện tác nghiệp ở nơi khó khăn gian khổ. Tác nghiệp ở Trường Sa là “tác nghiệp đặc biệt” với những lính đảo đặc biệt. Bởi thế, mỗi phóng viên phải “chụp, viết cho bằng được” những tác phẩm báo chí sinh động mang đậm hơi thở và nhựa sống Trường Sa. Phải truyền đi thông điệp rằng, Trường Sa, nhà giàn DK1 là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi xa xôi ấy, có những người con mang trong tim và dành trọn tình yêu cho biển, đảo quê hương.

Mai Thắng

Bình luận

ZALO