Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:12 GMT+7

Kinh nghiệm thu hồi vũ khí và vật liệu nổ ở BĐBP Thanh Hóa

Biên phòng - Thanh Hóa có đường biên giới đất liền dài 192km, thuộc 5 huyện, 16 xã biên giới, địa bàn có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Mường... sinh sống. Thói quen săn bắn từ bao đời nay đã ăn sâu trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở đây. Vì thế, việc sử dụng súng tự chế săn bắn thú rừng của bà con diễn ra khá phổ biến và xảy ra nhiều vụ việc thương tâm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực biên giới. Trước thực trạng đó, BĐBP Thanh Hóa xây dựng Kế hoạch số 2467, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Kết quả sau 1 năm triển khai thực hiện đã có gần 3 nghìn người dân tự giác giao nộp súng tự chế cho BĐBP.

ac7u_18b
Cụ Vi Văn Khàn (người đội mũ) luôn tích cực tuyên truyền, vận động con cháu và dân bản tự nguyện giao nộp súng tự chế cho BĐBP.  Ảnh: Viết Hà

Đại tá Lê Ngọc Long, Chỉ huy trưởng BĐBP Thanh Hóa cho biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn biên giới của tỉnh đã xảy ra 10 vụ, 12 đối tượng liên quan đến việc sử dụng súng săn tự chế, làm 3 người chết, nhiều người bị thương. Các vụ tai nạn chết người do sử dụng súng săn tự chế không chỉ gây ra đau thương, mất mát cho người thân, mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Ngoài ra, việc sử dụng súng tự chế săn bắt thú rừng còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hệ sinh thái, xóa sổ nhiều loại động vật quý hiếm mà chúng ta đang bảo tồn.

Chúng tôi đến bản Cá Giáng, xã Trung Lý, Mường Lát gặp Giàng A Vảng, người suốt 5 năm nay chưa hề nguôi ngoai nỗi đau, khi sử dụng súng săn bất cẩn bắn chết người bạn thân Giàng A Vàng. "Sự việc đáng tiếc xảy ra cách đây 5 năm, nhưng đến nay đêm nào tôi cũng giật mình khi nghĩ về ngày oan nghiệt đó. Hôm đó là ngày 14-7-2011, khi anh Giàng A Vàng đang đặt bẫy gà rừng trong một lùm cây, nghe tiếng gáy của con gà mồi của Vàng, tôi tưởng là gà rừng liền giương súng hướng lùm cây siết cò. Ngay sau tiếng nổ, là tiếng thất thanh kêu cứu của người bạn mà tôi xem như anh em ruột và rồi anh ấy chết lịm trên tay tôi!" - Giàng A Vảng hai hàng nước mắt trào ra khi nhớ lại ký ức buồn.

Năm 2015, ông Vi Văn Yếng (trú tại bản Xim, xã Quang Chiểu, Mường Lát), trong lúc đi săn do mải mê đuổi theo con mồi, không may trượt chân ngã xuống hố, súng văng ra và nòng súng hướng về Yếng rồi cướp cò. Nhưng rất may viên đạn chỉ làm Yếng bị thương ở vùng bụng, phải điều trị mất 15 ngày tại Bệnh viện huyện Mường Lát. Cũng trong năm 2015, anh Lang Văn Panh (bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) do bất cẩn khi cất súng, suýt nữa hai vợ chồng anh mất mạng. Chị Lang Thị Xuyến, vợ Panh kể: "Sau khi đi săn về, anh ấy vào nhà cất súng. Trong lúc trở ra, bước chân của anh đã làm sàn nhà rung chuyển, cây súng để chênh vênh trên xà nhà rơi xuống, cướp cò. Hậu quả, cả hai vợ chồng bị hàng chục mảnh đạn chì găm vào chân, phải đi bệnh viện cấp cứu, phải bán hết trâu bò để chữa trị trong thời gian dài".

Trước những hậu quả và thực trạng nhức nhối của việc tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí tự chế trên các địa bàn biên giới, ngày 20-11-2015, BĐBP Thanh Hóa triển khai Kế hoạch số 2467, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho đồn BP và chính quyền địa phương. Với nhiều cách làm sáng tạo, các đơn vị BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, kiên trì vận động nhân dân giao nộp 2.905 khẩu súng và nòng súng các loại, 24 bộ phận cò, 368 hạt nổ, 72kg tiền chất thuốc nổ, 53 kíp mìn, gần 50 kg bi sắt và đạn chì cùng nhiều công cụ hỗ trợ khác.

r9jh_18a
 Người dân đến giao nộp vũ khí tự chế tại Đồn BP Quang Chiểu. Ảnh: Viết Hà  

Ông Vi Văn Khàn (65 tuổi, bản Xim, xã Quang Chiểu, Mường Lát) là điển hình trong việc vận động con cháu trong gia đình, dòng họ giao nộp vũ khí tự chế. Sau khi Đồn BP Quang Chiểu triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, súng tự chế, ông là người gương mẫu giao nộp trước, sau đó vận động họ hàng và người dân xung quanh thực hiện. Đặc biệt, ông có sáng kiến tiến hành họp họ phân tích tác hại của việc sử dụng vũ khí tự chế trái phép và kêu gọi con cháu giao nộp vũ khí tự chế.

Ngay sau buổi họp, trong họ đã có 25 người có súng tự chế tình nguyện đến Đồn BP Quang Chiểu giao nộp. "Cây súng tự chế đối với bà con các dân tộc là một vật thiêng liêng, bởi nó đã đi vào tập tục, nét văn hóa ăn sâu trong cộng đồng. Khi lên nương, đi vào rừng có cây súng trên vai, chúng tôi tự tin hơn nhiều, do đó việc rời bỏ nó hết sức khó khăn. Thực tế, trong thời gian gần đây, việc sử dụng súng tự chế đã gây ra nhiều vụ việc đau lòng, nhiều người phải chịu cảnh tù tội. Vì thế, tôi đã gương mẫu đi đầu để cho con cháu noi theo" - ông Vi Văn Khàn chia sẻ.

Có thể nói, sau gần 1 năm triển khai Kế hoạch 2467 với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa BĐBP với các lực lượng chức năng, được già làng, trưởng bản và người có uy tín ủng hộ nên việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã mang lại hiệu quả cao. Theo Đại tá Lê Ngọc Long: "Thói quen sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, xem súng là đồ gia bảo nên vẫn còn không ít người dân cố tình cất giấu, không giao nộp vũ khí tự chế cho lực lượng chức năng. Để các địa bàn khu vực biên giới của tỉnh đảm bảo an toàn tuyệt đối, không còn vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát, lập danh sách các gia đình chưa muốn giao nộp vũ khí để tuyên truyền, vận động thuyết phục, kết hợp răn đe giáo dục, kiên quyết xử lý các trường hợp cất giấu và lén lút sử dụng vũ khí trái phép, kịp thời ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra, xây dựng biên giới ngày một bình yên".

Viết Hà

Bình luận

ZALO