Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 11:27 GMT+7

Kon H’rinh - nơi hội tụ văn hóa dân tộc Xơ Đăng ở Đắk Lắk

Biên phòng - Những năm qua, cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh, xã Ea H’đinh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk luôn chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ được những bộ chiêng quý cùng đội cồng chiêng các thế hệ từ già đến trẻ, người chỉnh chiêng giỏi và lễ hội truyền thống vẫn được tổ chức hàng năm.

Đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh cùng nhau tổ chức Lễ mừng lúa mới. Ảnh: Đức Trí

Lễ hội mừng lúa mới của người Xơ Đăng

Mừng lúa mới là ngày lễ lớn nhất trong năm của bà con Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh được diễn ra vào ngày Tết Dương lịch. Lễ hội không chỉ là dịp để bà con trong buôn nhìn lại thành quả của một năm lao động sản xuất, mà còn mang tính tâm linh, là một sợi dây gắn kết mọi người trong cộng đồng người Xơ Đăng, lời nhắc nhở đến các thế hệ trẻ trong buôn trách nhiệm duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Đây cũng là dịp để đàn ông thể hiện tài nghệ tạo dáng cây nêu, đánh chiêng. Phụ nữ nấu cơm lam, các món ăn truyền thống và diện những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, cùng nhau tham gia nghi lễ, thưởng thức rượu cần, ăn cơm mới.

Già A Nít kể: “Do chiến tranh loạn lạc, năm 1972, một số hộ đồng bào Xơ Đăng ở huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum di cư sang xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Từ Ea Yiêng, năm 1988, một số hộ dân lại tìm đến vùng đất khác lập làng mới, đặt tên buôn Kon H’rinh và dựng nhà rông truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hóa. Năm 2002, ngôi nhà rông truyền thống với vẻ đẹp đặc trưng văn hóa Xơ Đăng duy nhất của làng bị cháy rụi trong một trận hỏa hoạn. Tất cả sinh hoạt văn hóa, lễ hội của làng phải chuyển về nhà văn hóa cộng đồng”.

Không còn nhà rông, nhưng từ năm 1994 đến nay, đồng bào Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh vẫn duy trì tổ chức cúng mừng lúa mới và trở thành lễ hội chung của tất cả bà con trong buôn. Lễ hội ngày càng thu hút đông đảo bà con các dân tộc các buôn làng gần xa và du khách đến chung vui, bởi ý nghĩa tốt đẹp gắn kết cộng đồng, cầu cho năm mới sức khỏe, mùa màng bội thu, buôn làng no ấm.

Xã Ea H’đinh có 8 thôn, buôn, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%, chủ yếu là đồng bào Ê Đê. Riêng buôn Kon H’rinh tập trung 98% đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Trưởng buôn Kon H’rinh A Voan chia sẻ: “Toàn buôn có hơn 300 hộ dân với hơn 2.000 khẩu. Bà con chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng việc bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông luôn được bà con chú trọng”.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ cơ sở hạ tầng như làm nhà ở, trường học, đường, điện, nhà sinh hoạt cộng đồng…, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có những thay đổi rõ rệt. Kinh tế của người dân được nâng lên, bà con chăm lo giữ gìn, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Tiết mục múa của các cô gái trẻ dân tộc Xơ Đăng ở buôn Kon H’rinh. Ảnh: Đức Trí

Hiện nay, buôn Kon H’rinh còn giữ gìn nhiều đặc trưng văn hóa truyền thống như tổ chức lễ hội truyền thống mừng lúa mới, thành lập đội chiêng, đội múa dân gian, duy trì việc dạy chiêng cho thanh thiếu nhi.

Nghệ nhân A Blôh (sinh năm 1958), một người chỉnh chiêng giỏi chia sẻ: “Văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất phong phú. Nhiều năm qua, người dân trong buôn luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng. Bản thân tôi duy trì chỉnh chiêng với mong muốn truyền đạt lại cho thế hệ con cháu trong buôn nâng cao ý thức trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, ngoài việc thường xuyên tổ chức các lễ hội để giao lưu, bảo tồn văn hóa, bà con trong buôn còn lập ra nhiều lớp truyền dạy cho thanh thiếu niên như truyền dạy đánh cồng chiêng, múa chiêu, múa xoang, hát dân ca, chế tác nhạc cụ, đan, dệt…”

Ông Y Mang, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Cư M’gar cho biết: “Đến nay, buôn vẫn còn 4 bộ chiêng, trong đó có một bộ chiêng, trống nguyên vẹn phục vụ trong các dịp lễ hội, đi lưu diễn gồm 16 chiếc cả chiêng và trống. Trong buôn Kon H’rinh hiện vẫn còn 50 người biết đánh chiêng, trong đó, có hơn 30 người trẻ, 10 người dệt thổ cẩm, đội múa hơn 10 người và 1 nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi. Vì thế, đội cồng chiêng của buôn Kon H’rinh thường xuyên được các cấp, ngành chọn tham gia các hội thi, sân chơi lớn ngoài huyện. Trong các chương trình giao lưu, hội thi trong và ngoài tỉnh như Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa…, đoàn nghệ nhân của buôn được nhận nhiều giải thưởng, giấy khen, bằng khen, huy chương vàng, bạc các loại”.

Đức Trí

Bình luận

ZALO