Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:25 GMT+7

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật

Biên phòng - Ngày 20/5, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại tòa nhà Quốc hội. Diễn ra từ ngày 20/5 đến sáng 28/6, kỳ họp lần này sẽ xem xét, thảo luận và thông qua nhiều quyết sách quan trọng của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận toàn thể tại hội trường ngày 24/5. Ảnh: Phạm Kiên

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết của Quốc hội về: Thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tại kỳ họp này, Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến 11 dự án Luật và cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. Tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023". Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước). Xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len. Xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV....

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (nếu đủ điều kiện sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7); về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; về Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065...

Trong tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã tiến hành thủ tục bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội được bầu làm Chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an giữ chức Chủ tịch nước. Quốc hội cũng tiến hành thủ tục phê chuẩn Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh đối với đồng chí Trần Thanh Mẫn; tiến hành thủ tục miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm.

Quốc hội tiến hành nghe tờ trình và thảo luận về một số dự án luật; nghe Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước); Báo cáo thẩm tra về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ, tại hội trường, các ý kiến cơ bản tán thành với bố cục, nội dung của dự thảo Luật Đường bộ và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; phân loại đường bộ theo cấp quản lý, chức năng phục vụ; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; hành lang đường bộ và đất sử dụng cho an toàn đường bộ; tốc độ thiết kế, tốc độ khai thác và khoảng cách giữa các xe; dịch vụ bến xe, trạm dừng nghỉ; đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ; thẩm tra, thẩm định an toàn giao thông đường bộ; thanh tra đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm... Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát về sự thống nhất trong hệ thống pháp luật giữa các quy định của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính khả thi.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, các đại biểu thảo luận tập trung về các nội dung: phạm vi sửa đổi Luật; tài sản đấu giá; các hành vi bị nghiêm cấm; Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên; quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; tiêu chí lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá đăng ký tham gia đấu giá; trình tự, thủ tục đấu giá; việc bổ nhiệm và miễn nhiệm giám đốc trung tâm đấu giá; việc lưu trữ hồ sơ đấu giá; đấu giá trực tuyến; chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; hủy kết quả đấu giá tài sản và hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá...

Thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đánh giá cao trong thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã rất quan tâm đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản, tín dụng, kinh doanh vàng; chính sách hỗ trợ học sinh phổ thông ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; chính sách khoanh nuôi, bảo vệ rừng; chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2021-2025; giải pháp đối với tình trạnh lừa đảo trực tuyến; việc ban hành quy chuẩn trong đánh giá tác động môi trường đối với các vùng nuôi trồng thủy sản; việc đền bù, hỗ trợ trong hành lang an toàn của các công trình điện gió; giải pháp khắc phục những bất cập trong tạm ứng mua thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế sau dịch bệnh Covid-19; chính sách đối với hộ nghèo; tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể; những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, tái định cư của một số dự án...

Các ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy định về phương pháp, phạm vi giám sát của Quốc hội, HĐND trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; cần ban hành nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận về kiến nghị của cử tri tại kỳ họp, nghị quyết hướng dẫn về công tác dân nguyện của Quốc hội, HĐND; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; rà soát những kiến nghị của cử tri đã được nêu ra nhiều lần nhưng chưa được giải quyết; các bộ, ngành cần nâng cao chất lượng, tiến độ trả lời các kiến nghị của cử tri.

Trong quá trình Quốc hội thảo luận, Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO