Biên phòng - Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21/10 đến ngày 30/11/2024, chia làm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần nâng cao năng lực quản trị quốc gia, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Quốc hội bầu đồng chí Lương Cường giữ chức Chủ tịch nước
Tại phiên khai mạc sáng 21/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có phát biểu khai mạc kỳ họp; lãnh đạo Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025... Đồng thời, Quốc hội cũng nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Chiều 21/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Với 440/440 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch nước Lương Cường đã tuyên thệ nhậm chức theo quy định. "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Lương Cường, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó"- Chủ tịch nước tuyên thệ.
Phát biểu sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Lương Cường bày tỏ xúc động, vinh dự và ý thức rất rõ về trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân khi được Quốc hội tin tưởng, tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước; trân trọng cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tin cậy giới thiệu đảm nhiệm trọng trách cao cả này.
Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp, giám sát tối cao. “Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm” - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, như: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên... Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 13 dự án luật, như: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi)...
Ngay trong tuần làm việc đầu tiên của đợt 1, chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, có 12 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; hành vi bị nghiêm cấm; các biện pháp bảo vệ và bảo vệ thông tin trong phòng, chống mua bán người; mua bán bào thai; cưỡng bức lao động; quyền và trách nhiệm cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố, tố cáo hành vi vi phạm; đối tượng và chế độ hỗ trợ cho nạn nhân về tâm lý, học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ phiên dịch; tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu, nạn nhân từ nước ngoài trở về...
Trong phiên thảo luận ở hội trường chiều 23/10, Quốc hội thảo về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Tại phiên thảo luận, đã có 26 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; bảo đảm lợi ích tốt nhất; đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; áp dụng hình phạt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân; quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch; việc trợ giúp của người làm công tác xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng...
Còn trong ngày 24/10, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.
Trong ngày 25/10, buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; sau đó, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; sau đó, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
PV (tổng hợp)