Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:24 GMT+7

Ký ức lão ngư đi bám biển Trường Sa

Biên phòng - "Đây là đảo Len Đao, Gạc Ma, Trường Sa Lớn..." - lão ngư dân Ngô Văn Chức, sinh năm 1942 chỉ vào tấm hải đồ cũ nhàu đã lưu giữ 30 năm. Ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, những ngư dân kỳ cựu đều chỉ tôi tới gặp lão ngư dân Ngô Văn Chức, vì ông là người nhiều kinh nghiệm, có thể nhìn sao trên trời, ước lượng cự ly, tọa độ trên hải đồ giấy để ra bám biển Trường Sa từ năm 1994.

Lão ngư dân Ngô Văn Chức kể chuyện đi Trường Sa bằng hải đồ giấy. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân cừ khôi

Lão ngư dân Ngô Văn Chức mở phần mềm theo dõi tàu cá trên smartphone, ấn vào các tab để hiện ra thông số con tàu BTh 96777 TS đang ở tọa độ thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Ông Chức đối chiếu tọa độ của con tàu hiện tại là 9 độ 59 phút 20,8131 giây N - 114 độ 35 phút 56,424 giây E và đối chiếu với tấm hải đồ cũ sờn. Ông phân tích rằng, con tàu này đang thả neo, không di chuyển, vì các ngư dân đi bạn phải nghỉ dưỡng sức để chiều tối lại tổ chức thả lưới đánh cá.

Ông Chức kể, người dân ở đảo Phú Quý phần lớn có nguồn gốc từ các làng biển ở tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam ra đảo định cư từ mấy trăm năm nay, chắc chắn họ đều là những gia đình đi biển rất giỏi nên mới đến được hòn đảo Phú Quý xa xôi, từng có tên là Cù lao Khoai Xứ. Vậy rồi, tới đời con cháu thường nghe nói tới quần đảo Trường Sa có vô số sản vật quý hiếm, giống như kho báu trên đại dương. Ông Chức tính toán, tàu lớn nhất ở đảo chỉ dài 16m, công suất máy 45 mã lực (tàu đánh cá đi Trường Sa hiện nay dài khoảng 25m), máy tàu cũ, vì vậy, muốn ra Trường Sa thì phải hùn hạp, nâng đỡ nhau mà đi. Tính toán thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào việc, mọi chuyện không hề dễ dàng, vì còn phải đề phòng trên biển xuất hiện tố lốc. Các ngư dân lúc đó đã đề cập về việc ngư dân ở Quảng Ngãi đã ra quần đảo Hoàng Sa từ năm 1984, trong khi ngư dân ở đảo Phú Quý vẫn chưa mạnh dạn ra Trường Sa.

Các ngư dân và ông Chức tính toán, ra Trường Sa chỉ làm nghề lặn bắt hải sâm, sau đó muối mặn, vì công nghệ hải sản ướp đá ở ngoài đảo xa bờ chưa phổ biến. Hải sâm bán ra thu được nhiều tiền hơn cá, mực, vì vậy, sẽ càng khuyến khích các ngư dân đi bạn chấp nhận những chuyến biển dài ngày ở vùng biển hiểm trở.

Liên kết sống còn

Năm 1988, người dân cả nước sôi sục vì sự kiện Gạc Ma, ông Chức và các ngư dân đi bạn đã tính toán ra Trường Sa vào một ngày nào đó. Quần đảo Trường Sa càng nhiều nguy nan thì ông Chức và anh em càng nung nấu ý định sẽ đưa thuyền ra đánh bắt, bám đảo. Tháng 3/1994, 4 chiếc tàu bắt đầu xuất hành chuyến đầu tiên mở biển ra Trường Sa theo hướng kim la bàn và căn cứ vào tấm hải đồ giấy. Vì không có máy định vị nên những ngư dân đi biển giỏi nhất như ông Chức được ngư dân tin tưởng, giao cho việc quyết định hướng đi.

Công nghệ đóng tàu thời đó còn lạc hậu, hầm chứa đá không thể giữ lạnh được lâu, bên cạnh đó là đá lạnh trên đảo cũng khan hiếm, vì vậy, ông Chức và các ngư dân tính chuyện ra đảo mưu sinh bằng nghề lượm hải sâm và bắt ốc nón, muối mặn. Hiện nay, giá hải sâm trắng và hải sâm đỏ khoảng 1,4 triệu đồng/kg, là loại hải sản có giá đắt đỏ nhất và phải lặn xuống biển sâu để săn tìm. Còn vào thời điểm cách đây 30 năm, ông Chức và các ngư dân mở biển ra Trường Sa chỉ đi “nhặt hải sâm”.

Ông Ngô Văn Chức từng cho tàu ra đánh bắt, tới đảo Đá Đông A từ thập niên 1990. Ảnh: Văn Chương

Đêm đầu tiên của chặng đường hành trình ra đảo, khi mặt trời đang ngả dần về phía Tây, cả đoàn thuyền dừng lại giữa biển. Tiếng người ồn ào như vỡ chợ, vì mỗi chiếc chở theo từ 10-12 ngư dân. Mọi người neo buộc tàu vào nhau để ban đêm khỏi bị trôi dạt. Vì đêm xuống, dòng hải lưu đang chảy mạnh và nếu tàu nào dạt đi thì lúc ngủ dậy sẽ không thể nào tìm ra nhau.

Đêm giữa biển khơi trên đường ra Trường Sa, ông Chức nói về việc mình có 3 người con trai, con trai lớn đang đi cùng, nếu đánh cá ở vùng biển đảo Phú Quý mãi thì tới lúc thủy hải sản cũng cạn, trong khi tới đời con, đời cháu thì phải theo gương tổ tiên, phải mở biển tìm ra các đảo xa bờ. Câu chuyện của ông cách đây 30 năm chỉ là dự báo, nhưng đã hoàn toàn đúng với hoàn cảnh hiện tại. Bởi vì hiện nay, con trai của ông đều trở thành thuyền trưởng giỏi, cầm lái điều khiển tàu đưa ngư dân Phú Quý ngày đêm xuôi ngược khắp các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa.

Kể về những năm tháng ra Trường Sa, ông Chức bật mí con số khiến các ngư dân ngày nay nghe cũng nổi da gà: “có phiên kiếm được chừng 5.000 con hải sâm loại lớn” (nếu số lượng hải sâm đó mang ra bán với thời giá bây giờ, thu nhập của ngư dân đi bạn khoảng 600 triệu đồng/người). Chỉ sau 2 năm đi Trường Sa, nhiều ngư dân đi bạn đã có vốn đóng tàu mới, đưa con cháu đổ về ngư trường này.

Nối nghiệp Trường Sa

Bà con hàng xóm ở gần nhà ông Chức cho biết, hồi xưa, chiếc thuyền này làm biển có tiếng, tới đời con vẫn tiếp tục đánh bắt thành công. Các ngư dân từng đi trên tàu cá của gia đình ông Chức hiện nay thu nhập mỗi phiên lên tới vài chục triệu đồng, mỗi năm đi biển chỉ 7 tháng, tổng thu nhập lên tới 200 triệu đồng. Ở đảo Phú Quý đang phát triển ngành du lịch, dịch vụ, vì vậy, khoảng thời gian không đi Trường Sa, các ngư dân đi bạn có thể đi thuyền nhỏ để đánh bắt quanh đảo, bán cá, tôm, mực, ốc cho du khách để kiếm thêm thu nhập.

Cậu con trai của ông Chức là Ngô Văn Thương bị bệnh nên giã từ nghiệp biển sớm, bán tàu cá và làm nghề trong đất liền; còn 2 người con trai là Ngô Văn Lắm, Ngô Văn Thưởng sở hữu 2 tàu đánh cá, ở Trường Sa nhiều hơn trong đất liền. Mỗi khi đi biển về, những cậu con trai đều kể với cha về hòn đảo được cha chạm tay vào tới mức mòn cả hải đồ giấy, đó là bãi đá Ba Đầu, đảo Cô Lin, Gạc Ma, Sinh Tồn... Ông Chức kể: “Năm 2017, tôi được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỷ niệm chương "Vì chủ quyền an ninh biên giới", cả đời mình phấn đấu nên con nối nghiệp vẫn tiếp tục bám giữ quần đảo Trường Sa”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO