Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 01:52 GMT+7

Kỳ vọng 3 động lực tăng trưởng kinh tế 2024

Biên phòng - Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5%. Đây là mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và khó lường. Tuy nhiên, nhiều tổ chức nghiên cứu kinh tế uy tín trong và ngoài nước nhận định, mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn rất khó khăn, khi mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra. Nhưng mức tăng trưởng này vẫn gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Nhiều tín hiệu tích cực được các chuyên gia ghi nhận như: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; vốn FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2020, trong đó vốn đăng ký đạt 28,85 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 20,25 tỷ USD; xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022; thu ngân sách nhà nước vượt 6% dự toán cả năm; hệ số tín nhiệm quốc gia và vị thế quốc tế tiếp tục được cải thiện...

Chính vì vậy, các tổ chức tài chính đều đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, GDP sẽ tăng khoảng 6%; HSBC dự báo là 6,3%; VinaCapital cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong 2024.

Các chuyên gia cho rằng, khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ duy trì được động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị cũng như dòng vốn FDI và các gói hỗ trợ kinh tế phục hồi được thực hiện từ năm 2022 sẽ phát huy được hiệu quả vào năm 2024.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Trong Dự thảo Nghị quyết 01/NQ-CP, chủ đề điều hành năm 2024, Chính phủ xác định phương châm phát triển bứt phá, tận dụng được các cơ hội thông qua các thành quả của hoạt động chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là hoạt động đối ngoại và 3 động lực cho tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Đầu tư công và đầu tư nước ngoài hiện đang được đẩy nhanh. Cụ thể, trong năm 2024, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ chính thức được thi công, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc Việt Nam ký kết hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản, là động lực thúc đẩy thêm dòng vốn FDI mới vào Việt Nam ở các lĩnh vực công nghệ cao, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Xuất khẩu dần dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ những tháng cuối năm 2023 khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bắt đầu phát huy được ưu điểm. Nhờ vào một số ưu đãi về thuế khi xuất khẩu, nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam có thể dễ dàng tìm kiếm các đối tác xuất khẩu mới. Động lực từ tiêu dùng cũng tiệm cận mức tăng trưởng 2 con số với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng. Điều này được cộng hưởng thêm bởi chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm 2024, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Rõ ràng, những thành tựu trong năm 2023 tạo niềm tin, khí thế và động lực để kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024. Đặc biệt, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần tạo đà phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO