Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 12:54 GMT+7

Làm sống lại những giá trị văn hóa tinh túy thời kỳ Phục hưng

Biên phòng - Bắt đầu từ đầu tháng 6 tới, trung tâm quyền lực của châu Âu sẽ rực rỡ với Lễ hội Phục hưng tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Hàng loạt sự kiện giới thiệu di sản và lịch sử châu Âu trong thời kỳ Phục hưng được diễn ra, tạo ra sức hấp dẫn rất lớn cho du khách.

Đoàn rước trong Lễ hội Ommegang gây ấn tượng mạnh mẽ, làm sống lại nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: RTBF

Thời kỳ Phục hưng luôn được xem là thời kỳ thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử Brussels. Trong thời kỳ này, Hoàng đế La Mã Charles V thống trị một đế chế “mặt trời không bao giờ lặn”, cai trị phần lớn châu Âu. Người có quyền lực lớn nhất trong chính trị “lục địa già” đã lựa chọn Brussels làm thủ đô của đế chế La Mã, từ đó hội tụ những tinh túy bậc nhất thế giới thời kỳ đó về mảnh đất này, bao gồm cả văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, đặt nền móng cho việc xây dựng một châu Âu thống nhất, nơi chứng kiến Brussels trở thành thủ đô của 500 triệu người ở châu Âu.

Lễ hội Phục hưng nổi tiếng và độc đáo tại Brussels diễn ra hàng năm, với hàng loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống kéo dài trong 3 tuần trên khắp thủ đô. Du khách và người dân sở tại có dịp được sống lại trong thế kỷ 15 - 16, thời kỳ đặc biệt huy hoàng trong lịch sử Brussels.

Lễ hội Phục hưng Brussels được tổ chức nhằm tôn vinh di sản và lịch sử của thành phố trong thời kỳ Phục hưng thịnh vượng nhất này. Tham gia lễ hội, du khách có cơ hội trải nghiệm ẩm thực, các triển lãm, hội thảo, hội nghị, dạ tiệc cổ trang, các chuyến tham quan có hướng dẫn viên... Tất cả những hoạt động trong dịp lễ hội đều hướng tới việc nêu bật vai trò quan trọng của Brussels vào thời điểm mà hầu hết châu Âu là một phần của đế chế dưới quyền Hoàng đế La Mã Charles V.

Tiếp nối Lễ hội Phục hưng Brussels là Lễ hội Ommegang - được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2019. Lễ hội này vừa là một phần của nghi thức tôn giáo, vừa tái hiện chuyến thăm Brussels vào năm 1549 của Hoàng đế Charles V và hoàng tử kế vị Philip II.

Lễ rước với sự tham gia của đoàn diễu hành lên tới hơn 1.400 người mặc những trang phục cổ được may công phu, bao gồm các nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật, lực lượng kỵ binh, quân đội, đoàn người cầm cờ khổ lớn nhiều màu sắc... Đoàn diễu hành được tổ chức với quy mô hoành tráng, thực hiện các nghi thức diễu hành trong khoảng 2 giờ trên nhiều tuyến đường của Thủ đô Brussels để đến Quảng trường lớn Grand Place. Tại đây, đoàn diễu hành sẽ thực hiện nghi lễ ném những lá cờ khổ lớn nhiều mầu sắc lên không trung, tạo ra cảnh tượng đầy cảm hứng.

Đoàn rước Ommegang gây ấn tượng mạnh mẽ, làm sống động nhiều yếu tố trong văn hóa dân gian của nước Bỉ, tạo ra không gian mê hoặc với bầu không khí kỳ diệu và là cơ hội hiếm có để mọi người có thể đắm chìm vào trải nghiệm sống trong bối cảnh thời Phục hưng.

Các sự kiện “vệ tinh” của Lễ hội Ommegang nổi bật như: Cuộc thi bắn nỏ được tổ chức trước Nhà thờ Đức Mẹ Sablon; Ngày Gia đình được tổ chức tại Cung điện Coudenberg, nơi trẻ em sẽ được mời khám phá các lối đi ngầm của Brussels chứa đựng các di tích từ quá khứ danh giá của thành phố; Bảo tàng thành phố Brussels chào đón du khách mặc trang phục hóa trang;...

Một điểm đến đặc biệt tại Brussels trong dịp này là Bảo tàng Hoàng gia Bỉ. Vào cuối thời Trung cổ, Brussels thuộc về Công tước xứ Burgundy giàu có và quyền lực. Thời điểm này đã xuất hiện một “kho báu” gây chấn động, là một bộ sưu tập kiệt tác nghệ thuật. Đến nay, phần lớn các kiệt tác vẫn tồn tại sau sự tàn phá của thời gian và lịch sử. Hiện, lượng lớn tác phẩm nghệ thuật bất hủ này được bảo quản tại Bảo tàng Hoàng gia Bỉ.

Được biết, dịp diễn ra Lễ hội Phục hưng và Lễ hội Ommegang là thời điểm khách du lịch đến Brussels nhiều nhất. Khi tham gia chuỗi các hoạt động truyền thống, du khách sẽ hiểu hơn giá trị văn hóa tinh hoa tại thủ đô của Bỉ.

Các lễ hội tại Brussels trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng và quyến rũ của Thủ đô Brussels. Lễ hội không chỉ tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là dịp để người dân địa phương hiểu hơn về nguồn gốc của mình, kết nối và duy trì sức sống mãnh liệt của những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO