Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 11:24 GMT+7

Lan tỏa câu chuyện về tình yêu thương xuyên biên giới của người lính quân hàm xanh

Biên phòng - Trong các tác phẩm dự thi Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh, phóng viên Điện ảnh - Truyền hình BĐBP đã xuất sắc đoạt giải A thể loại phát thanh - truyền hình với tác phẩm “Cha nuôi”. Tác phẩm đã phản ánh sinh động tình yêu thương đặc biệt của những người “cha nuôi” BĐBP Việt Nam dành cho “con nuôi” của đơn vị trên khu vực biên giới tiếp giáp nước bạn Lào. Qua đó, giúp truyền đi thông điệp về tình yêu thương xuyên biên giới của BĐBP trong thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, gắn kết thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Thiếu tá Phạm Ngọc Anh (thứ 2, từ phải sang) nhận giải A thể loại phát thanh - truyền hình của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với tác phẩm “Cha nuôi”. Ảnh: Ngọc Lâm

Chúng tôi may mắn có cơ hội cùng Thiếu tá Phạm Ngọc Anh rong ruổi nhiều chuyến công tác trên các tuyến biên giới, trải dài từ nơi cực Bắc Tổ quốc đến khúc ruột miền Trung thân yêu và tận mảnh đất cuối trời Nam của đất nước. Có lẽ, chính những chuyến đi dài ngày, được “cùng ăn, cùng ở” với đồng bào khu vực biên giới đã khiến cho Thiếu tá Phạm Ngọc Anh dành nhiều yêu thương đối với với con người và vùng đất nơi biên giới còn nhiều khó khăn. Tại mỗi nơi đi qua, anh đều ghi lại những hình ảnh, thước phim sinh động về cuộc sống chiến đấu, lao động sản xuất của cán bộ, chiến sĩ BĐBP và người dân biên giới, để từ đó khắc họa, làm rõ nét hơn những câu chuyện qua các phóng sự đầy tâm huyết, mang hơi thở của núi rừng biên giới hay hình ảnh của biên cương Tổ quốc giữa đại dương sóng vỗ...

"Tôi hi vọng rằng, thông qua tác phẩm này, người xem có thể cảm nhận rõ nét về hình ảnh người "cha nuôi" Biên phòng, họ không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, mà còn là điểm tựa để cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên các tuyến biên giới có cơ hội được đến trường, được yêu thương và trở thành những người có ích cho xã hội, góp sức xây dựng bản làng no ấm, giàu đẹp" - Thiếu tá Phạm Ngọc Anh chia sẻ.

Nói về cơ duyên để “thai nghén” tác phẩm “Cha nuôi”, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh chia sẻ, công tác xa nhà, xa gia đình, hơn nữa, đặc thù của "nghề" nên anh thường xuyên phải “đắm mình” nơi biên giới, hải đảo, ít có điều kiện gần gũi, chăm sóc vợ con. Vì thế, với anh, tình cảm gia đình luôn là một điều rất thiêng liêng và đặc biệt. Đầu năm 2022, trong một lần đi công tác tại biên giới tỉnh Sơn La, anh được Trung tá Trịnh Văn Dương, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, BĐBP Sơn La chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt của gia đình em Thạo Phe (14 tuổi, bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Lào).

Thạo Phe mất bố từ nhỏ, mẹ cũng bỏ đi khi em vừa mới lên 2 tuổi. Sống cùng bà nội hơn 80 tuổi và anh trai, em phải gánh vác mọi công việc của gia đình, từ việc đồng áng đến việc chăm sóc sức khỏe cho anh trai bị mắc chứng bệnh máu khó đông giai đoạn cuối. Điều này đã khiến cho Thạo Phe nhiều lần phải tạm gác chuyện bút nghiên để chăm sóc bà và anh trai. Thông qua việc nắm bắt tình hình địa bàn và công tác phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước bạn Lào, gia đình Thạo Phe đã được Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương hỗ trợ trao tặng sinh kế. Đồng thời, em được Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng” từ năm 2018.

Như một “sợi dây” kết nối vô hình, chỉ thoáng nghe qua câu chuyện, đã khiến cho Thiếu tá Phạm Ngọc Anh hết sức đồng cảm, chia sẻ với sự thiếu thốn tình cảm gia đình của em Thạo Phe. Cuộc sống khó khăn đã buộc cậu bé phải trưởng thành trước tuổi, trở thành trụ cột gia đình, nhưng em vẫn chỉ là cậu bé ở lứa tuổi 14. Niềm vui của Thạo Phe cũng đơn giản như bao đứa trẻ khác, muốn được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình. Với mong muốn lan tỏa và truyền tải những hình ảnh đẹp và nội dung câu chuyện xúc động này đến với công chúng, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh đã xin ý kiến chỉ huy các cấp, xây dựng kế hoạch, hoàn thiện kịch bản để hiện thực hóa câu chuyện qua một phóng sự ngắn, cô đọng và hàm súc.

Cùng với hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh còn tích cực tham gia vận động các mạnh thường quân ủng hộ quà tặng, nhu yếu phẩm cho các trẻ em nơi vùng cao biên giới. Ảnh: Ngọc Lâm

Trong quá trình tác nghiệp để lột tả những hình ảnh chân thực nhất về hoàn cảnh gia đình Thạo Phe cũng như sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, Thiếu tá Phạm Ngọc Anh cùng đồng nghiệp đã phải vượt qua nhiều đoạn đường khó khăn, bất chấp thời tiết mưa gió để đến với nhân vật ghi hình. Khi phóng sự hoàn thành và được phát sóng trên các phương tiện truyền thông như Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, Đài Truyền hình Kỹ thuật số Việt Nam VTC1, Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam... đã tạo hiệu ứng lan tỏa cao trong cộng đồng và nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả và nhiều tổ chức, ban, ngành, đoàn thể đã tìm đến hỗ trợ và giúp đỡ gia đình em.

Trong những ngày cuối năm, giữa cánh rừng đại ngàn giăng phủ sương mù, khi những nương ngô đã được thu hoạch về nằm nép mình trong góc nhà đợi mùa mới, cũng là lúc biên cương nơi vùng phên giậu của Tổ quốc chuẩn bị đón một mùa Xuân mới. Cậu bé Thạo Phe giờ đây đã cứng cáp, trưởng thành hơn trong vòng tay yêu thương của những người lính BĐBP. Những người xa lạ đã trở nên thân thuộc, gần gũi đối với gia đình Thạo Phe. Đây chỉ là một trong những hoàn cảnh đặc biệt được lan tỏa, truyền tải đến công chúng. Trên khắp nẻo biên cương vẫn còn rất nhiều câu chuyện cảm động về tình thương của những người "cha nuôi" Biên phòng dành cho các em học sinh nghèo nơi biên giới.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO