Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 06:06 GMT+7

Lắng lời nước non nơi cuối trời Tổ quốc

Biên phòng - Từ Châu Đốc, An Giang, chúng tôi đi theo trục đường liên huyện dọc theo luồng chảy ra biển của dòng kênh Vĩnh Tế và kênh Thoại Ngọc Hầu về đến sông Giang Thành, gặp biển Hà Tiên, Kiên Giang để nghe gió chướng hây hẩy xanh trên những cánh đồng mướt mát phù sa châu thổ và những vuông tôm, đầm cá kề nhau loang loáng dưới nắng xuân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang tuần tra bảo vệ mốc 304. Ảnh: Độc Lập

Trên đường đi, thật cảm xúc biết bao thấy được tầm nhìn của cha ông mấy trăm năm trước, tận mắt ngắm tượng đài tôn vinh Thanh niên xung phong tuyến đường 1C huyền thoại lồng bóng trời trong, cảm khái về bản lĩnh người dân nơi chín nhánh sông thiêng đã bằng sức người “nghiêng đồng đổ nước”, tạo nên công trình thoát lũ ra biển Tây, thau chua rửa phèn, để cả vùng Tứ giác Long Xuyên bừng lên sức sống mới.

Kiên Giang, vùng biên nơi cuối trời Tổ quốc ấy có đa phần diện tích gồm những phần đất thuộc trấn Hà Tiên cũ do Mạc Cửu khai phá vào thế kỷ 17. Theo các nhà nghiên cứu, thì địa danh Rạch Giá xuất hiện vào cuối thế kỷ 16 với tên gọi ban đầu là Rạch Cây Giá. Nguyên do là bởi những lưu dân ở vùng Ngũ Quảng trong hành trình thiên di, khai khẩn đất hoang khi đặt chân đến đây thấy có 2 con rạch ăn thông với nhau, chạy song song rồi uốn dòng ôm lấy một cù lao mọc đầy cây giá (loài cây dùng họ với cây mắm, đước) rồi trổ ra vịnh biển. Cù lao Giá xưa chính là trung tâm thành phố Rạch Giá hiện nay. Còn 2 con rạch mở luồng rộng, sau có tên là sông Kiên và Rạch Kinh Nhánh. Và Kiên Giang chính là cái tên khởi nguồn từ dòng sông hóa thành tên đất thân thương.

Đầu thế kỷ 19, vào năm Gia Long thứ 7, vùng đất này được đổi tên thành huyện Kiên Giang thuộc phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên. Tới năm 1967, đổi tên thành hạt Kiên Giang nhập về tỉnh Rạch Giá. Năm 1956, tỉnh Hà Tiên bị bãi bỏ và sáp nhập với tỉnh Rạch Giá để thành lập tỉnh Kiên Giang. Qua nhiều lần tách, nhập, hiện nay, Kiên Giang có 15 huyện, thành phố, trong đó có 1 huyện, 2 thành phố giáp biên giới với nước bạn Campuchia là huyện Giang Thành, thành phố Hà Tiên và Phú Quốc; 5 quần đảo là An Thới, Thổ Châu, Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc; có đường biên giới trên bộ dài 56,8km và hơn 200km bờ biển; vùng biển rộng 63,293km2 với trên 140 hòn đảo lớn nhỏ giáp vịnh Thái Lan...

Trên toàn tuyến biên giới đất liền và biên giới biển của Việt Nam, hiếm có địa phương nào được thiên nhiên ưu đãi, có “rừng vàng, biển bạc và đảo ngọc” cùng nhiều danh lam thắng cảnh như rừng U Minh lịch sử, đã một thời là căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; có Hà Tiên với 10 cảnh đẹp của non nước hữu tình; có Phú Quốc như hòn đảo ngọc giữa biển khơi; có Rạch Giá với khu lấn biển xa khơi, nơi đây gắn liền với chiến công của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với “Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần”; có Hòn Đất bất khuất, kiên trung nổi danh con người hào kiệt... Chẳng thế mà người ta đã ví Kiên Giang như Việt Nam thu nhỏ với “một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của vịnh Hạ Long, có ít núi đá vôi của Ninh Bình, ít thạch thất sơn môn của Hương Tích, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hóa và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải...”.

Miền đất nên thơ và hiền hòa là thế, song cũng như bao chốn tiền đồn phên dậu khác, khu vực biên giới Kiên Giang đã trải qua “mấy phen xã tắc chồn ngựa đá”. Trong các cuộc chiến tranh, hệ thống núi non, hang động cùng rừng U Minh luôn được chọn xây dựng các khu căn cứ, phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, chất hóa học khai quang của quân địch. Cơn binh đao gần nhất xảy ra trên đất này là những tháng ngày nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam. Ngày 4/5/1975, một toán quân Khmer Ðỏ đột kích đảo Phú Quốc, tiếp đó đánh chiếm đảo Thổ Châu và bắt khoảng 500 dân thường về Campuchia hành quyết. Ðêm 30/4/1977, lợi dụng lúc ta tổ chức kỷ niệm 2 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bọn chúng đồng loạt tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, trong đó có địa bàn tỉnh Kiên Giang, khiến hàng trăm dân thường thương vong và pháo kích vào các đồn Biên phòng của ta. Trong suốt hơn 2 năm, các đơn vị lực lượng vũ trang Kiên Giang đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị cấp trên đánh bại các mũi tiến công của địch, tiêu diệt giặc, chặn đứng âm mưu của chúng, bảo vệ toàn vẹn biên cương.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tiến trình phân giới cắm mốc (PGCM) được khởi động lại vào năm 2005 bằng việc xây dựng kế hoạch tổng thể về PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia; thông qua Điều lệ tổ chức hoạt động của Ủy ban liên hợp PGCM của hai nước; thống nhất cắm trên toàn tuyến biên giới tổng số 314 vị trí mốc, tương đương với 371 cột mốc. Tại Kiên Giang, tháng 10/2006, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Ban chỉ đạo PGCM, do đồng chí Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang làm Phó ban chỉ đạo; thành lập Đội PGCM số 10, tỉnh Kiên Giang gồm 17 cán bộ, trong đó, BĐBP có 13 đồng chí. Trong đội có 3 đồng chí là người dân tộc Khmer làm nhiệm vụ phiên dịch và công tác tuyên truyền trong quá trình PGCM. Địa bàn tiến hành phân giới cắm mốc gồm 7 xã, phường thuộc thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành giáp với 3 huyện của 2 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia là huyện Công-pông-trách, huyện Túc-mía, tỉnh Cam-pốt và huyện Ki-ri-vông, tỉnh Tà-keo.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều đề án chuyên sâu, trong đó có công tác PGCM. 4 đồn Biên phòng trên tuyến biên giới đất liền thường xuyên tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ 1 tháng 1 lần với nội dung chủ yếu là trao đổi thông tin, ký kết các văn bản phối hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; đàm phán, khảo sát song phương về PGCM...

Lực lượng làm nhiệm vụ PGCM hai bên đã phối hợp thực hiện các hoạt động song phương, đến nay, đã phân giới được 42.371m đường biên giới, đã cắm và xây dựng hoàn thành 23/28 cột mốc chính. Hiện còn lại 5 cột mốc chưa được chuyển vẽ là: 296, 297, 298, 299, 300 thuộc xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành. Năm 2022, trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Tổ chuyên viên liên hợp hai nước đã tiến hành khảo sát thực địa để thu thập thông tin, rà soát số liệu về 16 mốc cũ do Pháp xây dựng và đi đến thống nhất sẽ giữ lại 2 mốc, dỡ bỏ 9 mốc và tiếp tục báo cáo lên Chủ tịch Ủy ban liên hợp hai nước về việc giữ lại thêm 5 mốc cũ giữa các cặp tỉnh Kiên Giang - Tà-keo, Kiên Giang - Cam-pốt.

Trên tuyến biên giới này, tôi đặc biệt ấn tượng với mốc 314 bởi tầm quan trọng của mốc vừa là điểm kết thúc biên giới trên đất liền, đồng thời cũng là điểm cơ sở xuất phát trong việc chuyển vẽ biên giới đường biển của hai nước. Vị trí cắm mốc ở 10˚25'24,768” vĩ độ Bắc, 104˚26'26,6” kinh độ Đông, tại mép biển Xà Xía, thuộc địa phận xã Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên. Do vị trí đặt mốc là rừng đước sình lầy, thủy triều lên xuống thất thường và sẽ bị ảnh hưởng bởi nước mặn, tác động của sóng nên các lực lượng xây dựng và PGCM của hai bên đã phải làm việc tích cực trong suốt 2 tháng không kể ngày đêm, đóng hàng trăm cột bê tông sâu hàng chục mét, san ủi hàng ngàn m³ đất đá, đổ trên 2.000m³ bê tông. Ngày 24/6/2012, đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia đã trang trọng tổ chức lễ khánh thành với sự tham dự của Thủ tướng hai nước.

Cột mốc có hai mặt, mỗi bên ghi số mốc và chữ của quốc gia đó, quanh mốc có hệ thống đèn cao áp và từ hai phía đều có bậc dẫn lên mốc. Chạm vào mốc 314 là chạm được vào điểm cận biên cực Nam đất nước, nơi có những ngôi nhà bình yên trong nắng mật. Từ cột mốc nhìn sang phía Tây là cửa khẩu Hà Tiên hiện đại với những chàng trai áo xanh, da rám nắng biên thùy đang làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh. Quay về phương Nam là sóng trắng của “Nam phố trừng ba” (biển phía Nam), “Lộc trĩ thôn cư” (biển mũi Nai) trong Hà Tiên thập cảnh xưa...

Với đặc điểm dân cư sinh sống tuyến biên giới đa số là đồng bào dân tộc Khmer có mối quan hệ thân tộc, đồng tộc, tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán với người Khmer Campuchia, nên cũng rất dễ hiểu khi đi dọc tuyến biên giới này, người dân hai nước trò chuyện với nhau hết sức thân tình. Và cảm xúc trong tôi lại càng được nhân lên khi thấy các em học sinh của biên giới đang tan học, trong đó có những bạn đến từ bên kia biên giới. Tiếng Việt, tiếng Khmer ríu ran hồn nhiên biết mấy.

Ngoài ra, tôi cũng rất ấn tượng với cột mốc số 304, còn có tên gọi khác là mốc “Thống nhất”, phân định ranh giới giữa hai nước tại địa phận ấp Rạch Gỗ, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang và phía đối diện là xã Preaek Kroes, huyện Công-pông-trách, tỉnh Cam-pốt, Campuchia. Đây là mốc đơn loại C làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 8/4/2009, tại vị trí có tọa độ địa lý 10˚29'34,768” vĩ độ Bắc - 104˚33'35,430" kinh độ Đông, ở độ cao 2,03m so với mực nước biển. Chiếc xuồng tuần tra của Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã ngược sóng sông Giang Thành suốt gần một giờ đồng hồ mới đến được điểm mốc này. Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ giải thích cho tôi biết thêm rằng, điểm cắm mốc là vùng ruộng trũng, thường bị ngập nước vào mùa mưa nên mốc 304 có phần bệ mốc được xây cao 5m, trên đặt cột mốc đá hoa cương.

Hành trình tạc hình Tổ quốc của đất nước ta đã và đang dần đến đích, khép lại một vòng thiêng liêng từ mũi Trà Cổ (Quảng Ninh) đến Mũi Nai (Kiên Giang). Vượt vạn suối nghìn non, vượt trăm thung lũng, triệu cánh đồng, mảnh ruộng..., đất Việt mến yêu của ta, hành lang giới hạn không sinh tồn của dân tộc Việt Nam ta sẽ mãi như trường thành vững chãi, được dựng lên bởi ý Đảng, lòng dân và tâm sức của hàng triệu con người. Nghe biển Hà Tiên thì thầm, nghe sóng Giang Thành thủ thỉ, nghe núi Pháo Đài kể chuyện cha ông chinh chiến mà nhớ tích xưa “âu vàng ngàn thuở lễ non sông”, mà thêm trân trọng, kính ngưỡng, thêm gắn bó với cương thổ ngàn năm. Lại càng mong ngóng ngày trở lại Trà Cổ, Mẫu Sơn, Lũng Cú, A Pa Chải... hay ngược nắng Lào rát bỏng, ngược ngàn đến Pù Nhi, Phu Xai Lai Leng, Cù Bai, A Lưới... hoặc xuôi phương Nam qua Bờ Y, Buôn Đôn, Bù Gia Mập, Vĩnh Xương, Bảy Núi...

Hành trình đến với những cột mốc biên cương của đôi chân tôi tạm khép lại, để lòng tôi mở ra một hành trình mới, cùng biên cương vào hội Biên phòng với bao náo nức, yêu thương. Càng thêm vững tâm biết mấy khi đồng đội của tôi, những người lính Biên phòng trên dặm dài Tổ quốc vẫn luôn bền gan, quyết chí trên mọi nẻo biên cương, trong từng nhiệm vụ dù cam go, gian khổ vô chừng. Các anh đã và đang sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc nơi biên giới vun đắp cho không gian sinh tồn của dân tộc mãi bền chắc như vàng đá.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO