Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:15 GMT+7

Hướng tới Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 2

Lắng nghe câu chuyện Việt Nam trên đất nước Lào anh em (bài 1)

Biên phòng - Tỉnh Quảng Trị có gần 200km đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Câu chuyện tình hữu nghị Việt - Lào anh em ở dải đất dọc biên giới này không chỉ là mối quan hệ thân tộc, họ hàng của người dân, mà còn là “lịch sử” với việc rất nhiều người mang quốc tịch Lào nhưng lại có “bề dày thành tích” tham gia cách mạng, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Bài 1: Cao nguyên Salavan kể chuyện

Cuộc hội ngộ với những người đã vào sinh, ra tử trên mặt trận Bình Trị Thiên (Việt Nam) ở cao nguyên Salavan (Lào) khiến chúng tôi hiểu rằng, trong sâu thẳm những con người này chưa khi nào quên quãng thời gian là người lính Cụ Hồ. Mừng hơn là, câu chuyện lịch sử cũng kịp trao truyền lại để cho thế hệ sau và các bạn trẻ hiểu rằng, sự bền vững của tình hữu nghị Việt Nam - Lào ngày hôm nay là nhờ đã được tôi luyện, đi qua thử thách.

Những tấm huân, huy chương được ông Ty Văn Ngọa khâu cẩn thận vào bộ quân phục như một kỷ vật vô cùng quý giá. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Gặp dũng sĩ diệt Mỹ trên đất Lào

Đã hẹn từ trước nên khi chúng tôi tới thì ông Ty Văn Ngọa (bản Thê Rê Ban, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) đã ngồi chờ sẵn. Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân đã chậm, thế nhưng, dường như ông Ngọa lại không quên dù là chi tiết nhỏ nhất về thời gian tham gia, phục vụ cách mạng ở Việt Nam. Ông Ngọa vốn là lính trinh sát thuộc đơn vị K3 (Quân khu Bình Trị Thiên), có thời gian chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), đánh đồn La Vang. Do bị sức ép của bom nên ông được đưa ra miền Bắc chữa trị. Ông Ngọa được đưa lên Cao Bằng để học văn hóa, sau đó về Hà Nội học Trường Nguyễn Ái Quốc và quay trở lại Quảng Trị.

Sau ngày giải phóng, ông về huyện Hướng Hóa làm văn phòng ủy ban, ông phụ trách đội chiếu bóng số 20. Ngày ấy, bà con Vân Kiều, Pa Cô không biết tiếng phổ thông nhiều như bây giờ nên khi chiếu phim, ông Ngọa có nhiệm vụ thuyết minh bằng tiếng Pa Cô, Vân Kiều cho người dân hiểu. Năm 1979, ông Ngọa về huyện Tu Muồi (tỉnh Salavan) sinh sống và làm công việc cũ là... chiếu phim cho đến lúc nghỉ hưu.

Vừa kể chuyện, ông Ty Văn Ngọa vừa mở chiếc túi mang theo, cẩn thận mang ra chiếc áo quân phục của QĐND Việt Nam. Điều đặc biệt, đầy hai bên ngực áo là những tấm huân, huy chương khi còn ở Việt Nam. Ông Ngọa được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng; Dũng sĩ diệt Mỹ ưu tú năm 1973; Chiến sĩ thi đua năm 1967... Nhiều năm qua, ông Ngọa luôn giữ gìn cẩn thận những kỷ vật này bởi đây là thanh xuân và niềm tự hào của ông.

“Bạn thân” của ông Ty Văn Ngọa là ông Hồ Khắc Lợi, từng tham gia lực lượng an ninh giải phóng Bình Trị Thiên. Năm 1962-1963, ông Lợi là cán bộ miền Nam được ra Bắc học chính trị rồi quay lại Bình Trị Thiên tiếp tục chiến đấu. Ông Lợi cũng được tặng nhiều huân, huy chương và giấy khen, trong đó giá trị nhất là Huân chương Kháng chiến chống Mỹ năm 1972. Năm 1979, ông Lợi chuyển sang Lào sống, mang quốc tịch Lào. Năm 1984, ông Lợi được bầu là Huyện ủy viên, phụ trách tuyên giáo của huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan. Năm 1993, ông Hồ Khắc Lợi được điều động lên tỉnh Salavan, giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận yêu nước - Mặt trận xây dựng đất nước Lào. Năm 1989, ông là quyền Bí thư, Chủ tịch huyện Sa Muồi. Năm 2003, ông nghỉ hưu.

Lúc còn khỏe mạnh, ông Hồ Khắc Lợi và ông Ty Văn Ngọa vẫn thường gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa. Hai ông vẫn thường xuyên liên lạc, thăm đồng đội cũ ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Con cái trưởng thành, bởi vậy mà những năm tháng tuổi già của hai ông cứ diễn ra bình dị trên cao nguyên Salavan. Niềm vui của các ông là các con cháu rất tự hào về truyền thống của gia đình. Mỗi lần sum họp, các ông lại kể cho con cháu nghe chuyện ngày xưa như một cách nhắc nhở Việt Nam luôn là một phần máu thịt của mình.

Chưa khi nào rơi vào quên lãng

Không trực tiếp chiến đấu thì cũng đi dân công hỏa tuyến, làm đường, gùi lương thực, vũ khí, đạn dược cho bộ đội, đó là “tình hình chung” của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị những năm Việt Nam trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau hoạch định biên giới, sống trên đất nước Lào, những thứ giấy tờ đó không còn dùng tới, thời gian trôi qua đã lâu nên giấy tờ thất lạc sau mỗi lần chuyển bản, cháy nhà. Một số nơi có phong tục “tài sản riêng” sẽ được chôn theo người chết nên một số gia đình không còn lưu lại được giấy tờ. Dù vậy, ở các bản giáp biên của Lào, những đứa trẻ vẫn được nghe câu chuyện đánh Mỹ như truyện cổ tích.

Người dân bản A Xóc vẫn lưu giữ nhiều giấy tờ của Việt Nam cấp. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Bản A Xóc (huyện Sa Muồi) nằm cách không xa cửa khẩu phụ Cóc (đối diện thôn Sa Trầm, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Mối quan hệ thân tộc gắn bó, câu chuyện lịch sử của người dân nơi đây khiến chúng tôi dù lần đầu tới A Xóc nhưng vẫn được tiếp đón như những người con ở xa về thăm quê. Anh Hồ Văn Miên tự hào kể về bố là Hồ Tép thuộc quân số của Đoàn 50 (tỉnh Bình Trị Thiên), được tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 1961. Ông Tép từng làm y sĩ ở bản Coóc (nay là bản Sa Trầm), sau đó về Lào tiếp tục làm y sĩ cho đến năm 2001 thì qua đời. Theo anh Miên, bố anh có cả một xấp giấy tờ của tỉnh Bình Trị Thiên trong thời gian công tác, nhưng vì nghĩ bố qua đời đã lâu nên có thời gian là anh và thanh niên trong bản lấy để cuốn thuốc hút.

Thực ra, ở A Xóc, không chỉ có nhà anh Miên mà còn rất nhiều nhà khác “sở hữu” những giấy khen, bằng khen, thậm chí Bằng Tổ quốc ghi công. Gần nhà anh Miên là nhà bà Hồ Thị Thá. Bà Thá kể rằng, khi còn trẻ, bà đi dân công hỏa tuyến, có 3 năm liền đi nấu ăn cho xã Húc Nghì (huyện Đakrông). Ở đây, bà đã gặp, nên duyên vợ chồng với người đàn ông Pa Cô Hồ Văn Roam, sinh được 2 người con tên là Hồ Văn Măn và Hồ Văn Miêng. Chồng bà Hồ Thị Thá cũng có nhiều giấy tờ, nhưng năm 1997 qua đời nên thất lạc dần. Thế nhưng, anh Miêng bảo, khi bố còn sống, anh và em trai Hồ Văn Măn (hiện là BĐBP đóng quân ở biên giới, tiếp giáp Thái Lan) vẫn được bố kể cho nghe những câu chuyện đánh giặc, trong đó có lần đánh đồn Tà Cơn. Và giờ đây, trong mỗi câu chuyện kể cho các con của mình, anh Miêng và em trai đều nhắc đến ông nội với những câu chuyện đánh Mỹ trên đất nước Việt Nam.

Tình cờ gặp một bạn trẻ chỉ tầm 20 tuổi trên đường đi, chúng tôi ướm hỏi, biết nhà ai có người đã từng tham gia cách mạng Việt Nam không? Người thanh niên đã mau mắn trả lời: “Ông nội em đã từng tham gia đánh đồn Tà Cơn. Ngày còn sống, ông vẫn thường xuyên về thăm họ hàng ở Việt Nam. Thế nên em là người Lào nhưng vẫn nói tiếng Việt đây”. Một cảm xúc khó diễn tả thành lời. Thời gian đã lâu, nay đã thành hai quốc gia, hai dân tộc, thế nhưng câu chuyện lịch sử Việt Nam - Lào vẫn được kể mãi.

Bài 2: Việt Nam vẫn luôn là Tổ quốc

Trúc Hà

Bình luận

ZALO