Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:15 GMT+7

Hướng tới Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 2:

Lắng nghe câu chuyện Việt Nam trên đất nước Lào anh em (bài 2)

Biên phòng - Thời gian có thể khiến mọi thứ đổi thay, thế nhưng, dường như trong sâu thẳm trái tim người dân sống hai bên biên giới, thì dù sống ở Lào hay ở Việt Nam, dù mang quốc tịch nào đi chăng nữa thì những tháng năm kề vai sát cánh vẫn là mục đích của cuộc sống hiện tại và tương lai. Những con người ấy luôn là sứ giả truyền cảm hứng cho câu chuyện tình hữu nghị Việt Nam-Lào anh em mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Bài 2: Việt Nam vẫn luôn là Tổ quốc

Gặp ở A Via

Bản A Via (cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) cách đường biên giới Việt Nam-Lào chưa đầy 2 cây số nhìn thật bình yên với những nếp nhà sàn đặc trưng của người Vân Kiều lẫn trong vườn bời lời, sắn. Ông Văng Đinh Vông Vi Lay là người đặc biệt ở bản A Via. Ông sinh ra và lớn lên ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Khi hai Nhà nước Việt Nam, Lào phân định biên giới, ông lựa chọn A Via là nơi sinh sống và trở thành công dân Lào. Thế nhưng, mỗi khi gặp gỡ người Việt Nam, ông đều giới thiệu mình tên là Lê Thái Định (được một thủ trưởng đặt khi tham gia chiến đấu ở Quảng Trị).

Vợ chồng ông Vông Vi Lay có cuộc sống thanh bình ở bản A Via. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi nhắc lại tuổi trẻ, giọng ông Văng Đinh Vông Vi Lay trở nên sang sảng, chứa đựng cả sự tự hào. Từ năm 1940 đến 1958, ông Lê Thái Định công tác tại Huyện đội Hướng Hóa, sau đó làm trợ lý ở Quân khu Bình Trị Thiên. Năm 1968, được tin bố mẹ mất, ông viết đơn xin phục viên và về làm Bí thư Đoàn xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa). Năm 1970, ông Lê Thái Định được bầu là Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa.

Khi được hỏi vì sao ông lại quyết định chọn trở thành công dân Lào trong khi đang có công việc ổn định ở Việt Nam, ông Vông Vi Lay cười bảo: “Lúc ấy, cha mẹ tôi đã mất mà anh em, họ hàng lại ở A Via nhiều. Thêm nữa, tôi suy nghĩ, đã là đảng viên thì ở đâu cũng thế, cứ cống hiến hết mình”. Ở A Via, ông Vông Vi Lay là người có trình độ, trách nhiệm nên được bầu làm Huyện ủy viên Huyện ủy Sê Pôn, Bí thư xã Ra An (nay là cụm bản La Cồ). Ông giữ cương vị Phó ban Chỉ đạo cụm La Cồ được 10 năm thì nghỉ hưu. Năm 2015, ông Vông Vi Lay là một trong số ít người Lào được Chính phủ Lào chi trả 13 triệu đồng tiền hỗ trợ một lần cho người có công với cách mạng Việt Nam.

Theo Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị), ông Vông Vi Lay dù hiện nay là người Lào nhưng đã có thời gian dài phục vụ cho QĐND Việt Nam, bởi vậy, những ngày lễ, Tết như: Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tết Nguyên đán..., đơn vị đều tới thăm hỏi, tặng quà như với lão thành cách mạng khác trên địa bàn quản lý. Ông là người có uy tín trong bản A Via, bởi vậy mà tiếng nói rất có trọng lượng với người dân. Thời gian qua, ông rất tích cực trong việc vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Lào, thể hiện qua việc vận động nhân dân giúp đỡ nhau thông qua mô hình kết nghĩa giữa bản Ka Tiêng (xã Hướng Việt) và bản A Via (cụm bản La Cồ).

Cũng theo Trung tá Hồ Lê Luận, những năm qua, Đồn Biên phòng Hướng Lập có rất nhiều hoạt động kết nối giữa nhân dân hai bên biên giới, như: Xây dựng sân bóng và tặng dụng cụ thể dục, thể thao cho Trường Tiểu học A Via; tổ chức “Đêm hội trăng rằm nơi biên giới” cho thiếu niên, nhi đồng xã Hướng Việt và cụm bản La Cồ. Thông qua các hoạt động này, tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào nơi đây càng trở nên khăng khít, bền chặt hơn.

Thêm một lần làm con dân đất Việt

Ông Ca Đừng (thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là người đặc biệt không chỉ vì là một trong số những người được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định nhập quốc tịch Việt Nam vào năm 2018. Câu chuyện của người đàn ông Pa Cô này như một thước phim với những chi tiết ly kỳ, đầy xúc động. Trước năm 1975, gia đình ông Ca Đừng là người Việt Nam, sinh sống ở bản Prin C (xã A Vao, huyện Hướng Hóa), có cha mẹ, hai anh trai, chị dâu và bản thân ông tham gia bộ đội và dân công hỏa tuyến. Tuy nhiên, sau khi hoạch định biên giới, thôn Prin C thuộc về lãnh thổ Lào, bởi vậy mà ông Ca Đừng trở thành công dân Lào. Vì cuộc sống khó khăn, năm 2010, ông theo một số người họ hàng về thôn Pa Ling với mong muốn cuộc sống sẽ khá hơn.

Những tờ phiếu biên nhận đóng góp lương thực, thực phẩm của gia đình ông Ca Đừng. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Năm 2018, ông Ca Đừng vô cùng bất ngờ khi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao (BĐBP Quảng Trị) đến nhà, hỏi có biết người phụ nữ tên là Nguyễn Khoa Kim Bội, quê ở Thừa Thiên Huế? Câu chuyện đã xảy ra 40 năm trước, nhưng ông Ca Đừng đã nhớ ngay ra người con gái miền xuôi năm ấy đã từng ở cùng gia đình ông ở Prin C. Cô gái bằng tuổi ông, lên Hướng Hóa để theo học lớp y sĩ. Ngày ấy, gia đình ông rất khó khăn nhưng luôn sẵn sàng nhận nuôi cán bộ từ miền xuôi lên công tác, học tập. Cô gái ấy đã cùng mẹ ông lên nương tỉa bắp, trồng sắn, hái rau rừng. Có lần cô bị sốt rét, mẹ ông đã phải túc trực ngày đêm bên giường chăm sóc. Ông không biết rằng, cô gái ấy sau này đã trở thành đại biểu Quốc hội khóa IX, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. Không ngờ rằng, suốt nhiều năm, bà Nguyễn Khoa Kim Bội đã nhiều lần tìm kiếm gia đình ông. Nếu ông không quay trở lại Việt Nam sinh sống thì đã không có cuộc trùng phùng này.

Ông Ca Đừng hiện vẫn lưu giữ nhiều giấy tờ, trong số đó có 38 tờ biên nhận của các đơn vị đóng quân và đã đi qua bản Prin C trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Những tờ biên nhận ghi rõ gia đình ông đã đóng góp bao nhiêu sắn, gạo, ngô, lợn, gà. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức chi trả cho những trường hợp như ông Ca Đừng, tuy nhiên, khoảng thời gian ấy, ông lại sinh sống ở Lào. Ông Ca Đừng bảo: “Những tờ giấy này minh chứng gia đình tôi đã đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Được giải quyết chế độ thì mừng, còn không thì đó là tấm lòng, tình cảm của gia đình tôi. Hiện nay, tôi được chi trả tiền thờ cúng chị dâu và anh trai là liệt sĩ. Do tôi không còn giữ được giấy tờ nên không được hưởng chế độ chính sách người có công với cách mạng”.

Ông Ca Đừng sau khi nhập quốc tịch Việt Nam được làm lại giấy khai sinh, được làm căn cước công dân, được cấp đất để xây dựng nhà và được hưởng đầy đủ chính sách của một công dân Việt Nam. Đồn Biên phòng A Vao đã có nhiều hoạt động giúp gia đình ông Ca Đừng phát triển kinh tế. Đó là đầu tư giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối lùn. Đặc biệt, việc trồng chuối lùn xen canh với cây sắn cho hiệu quả “kép” giúp gia đình ông có thêm thu nhập, trở thành mô hình điểm phát triển kinh tế trên biên giới A Vao.

Bài 3: Cùng nhân lên những giá trị của tình hữu nghị Việt Nam-Lào

Trúc Hà

Bình luận

ZALO