Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:13 GMT+7

Lau trắng miền ải Bắc

Biên phòng - Lên biên giới Lạng Sơn, tiết trời thu tháng 9 đỏng đảnh thoắt nắng mưa như hờn dỗi. Trong tôi cứ văng vẳng 4 câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Ai đi biên giới cho lòng ta theo với/ Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình/ Bạt ngàn lau trắng ở tận cùng bờ cõi/ Suốt một đời cùng với gió giao tranh”. Quả thực, biên giới Lạng Sơn những ngày này bạt ngàn màu trắng xám của cỏ lau nở bung trong gió, như ngàn năm qua đã chứng kiến những thăng trầm của miền chiến địa phương Bắc.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, BĐBP Lạng Sơn giới thiệu về đường biên, mốc giới cho du khách. Ảnh: Phạm Vân Anh

Hiện nay, tuyến biên giới trọng điểm chạy qua 5 huyện biên giới với 231,74km đường biên tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); có 472 cột mốc, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương và các cửa khẩu phụ... được quân dân biên giới Lạng Sơn chung tay quản lý, bảo vệ.

Hẳn chính bởi lịch sử ngàn năm đấu tranh giữ nước, bảo vệ cõi bờ đã trầm luân cùng đất núi, cây rừng, mà dường như không ai không biết đến cửa khẩu Hữu Nghị, được coi là "địa chỉ đỏ" của người Việt khi hoài cảm về những chiến công của cha ông. Trải qua các triều đại lịch sử, khu vực trọng yếu này lần lượt được đặt tên là Lăng Quang, Đại Nam Quan, Giới Thủ Quan và Nam Quan. Cho tới năm 1965, cửa khẩu này được đổi thành cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Tới ngày 12/12/2008, cột mốc 1116 được đặt phía bên trái cửa khẩu Hữu Nghị, nơi có điểm khởi đầu của tuyến đường cao tốc từ Thủ đô Hà Nội sang thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Kể từ đó, cột mốc biên cương 1116, ngoài nghĩa phân định ranh giới giữa hai quốc gia, còn là một điểm du lịch biên giới mang nhiều ý nghĩa.

Đây cũng là một trong những địa điểm nhạy cảm trong quá trình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ông Dương Xuân Hòa, nguyên cán bộ Đội Liên hợp phân giới cắm mốc số 11 của tỉnh Lạng Sơn cho biết, đây là một trong 164 khu vực loại C do hai bên chưa thống nhất được chủ yếu là do mỗi bên vận dụng các tư liệu pháp lý khác nhau để lý giải quyền sở hữu của mình.

Nguyên nhân là trong tiềm thức của người Việt, ải Nam Quan thuộc về địa phận nước ta. Tuy nhiên, khu vực được mô tả trong Biên bản hoạch định năm 1886 giữa Pháp và nhà Thanh là "đường biên nằm ở phía Nam ải Nam Quan, trên con đường từ Nam Quan đến làng Đồng Đăng”. Trên bản đồ cắm mốc Pháp - Thanh năm 1894, địa danh Nam Quan được thể hiện ở phía Bắc đường biên giới. Hơn nữa, cái tên ải Nam Quan cũng đã cho thấy nghĩa của nó là cửa ải trông về phía Nam.

Trong quá trình đàm phán hoạch định đường biên giới ở khu vực này, hai bên đều không có đủ căn cứ pháp lý rõ ràng để bảo vệ đường biên giới chủ trương của mình. Vì vậy, đã thống nhất lựa chọn một đường biên giới phù hợp với các nguyên tắc cơ bản mà hai bên thỏa thuận, đảm bảo công bằng, thỏa đáng cho cả hai bên, đảm bảo lợi ích cơ bản lâu dài của hai nước. Do đó, không có chuyện Việt Nam đã nhường ải Nam Quan cho Trung Quốc như nhiều nguồn tin đồn thổi kích động.

Nằm cách cột mốc 1116 chưa đầy 2km là bia Thủy Môn Đình, một trong những bảo vật quốc gia và cũng là minh chứng về sự cống hiến, hi sinh của cha ông ta trong bảo vệ cương thổ, bờ cõi. Bia Thủy Môn Đình được Đô Tổng Binh sứ Ty, Bắc quân Đô đốc phủ, hữu Đô đốc, Thao quận công Nguyễn Đình Lộc lập vào năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời vua Lê Huyền Tông. Trên văn bia có câu "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan" - dịch nghĩa là: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn rất tâm đắc với bài ký được khắc bằng chữ Hán trên lòng bia với chủ đề chính là "Liên kết để tồn tại”. Là người con ưu tú của các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, ông thấm thía nội dung chứa đựng giá trị nhân văn cao cả, có sức lay động lòng người với hàm ý nhắc nhở thế hệ sau biết đoàn kết, chung tay bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Nơi đây cũng lưu giữ một kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người xuất cảnh sang Trung Quốc để đi thăm các nước trong khối XHCN. Đồng chí Đặng Công Đang, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hữu Nghị vẫn luôn bồi hồi nhắc lại: “Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo, song, khi Tổ kiểm soát hành chính gồm 3 đồng chí chỉ huy đồn bước lên toa đặc biệt thì sững sờ khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác tươi cười bảo: “Các đồng chí Công an nhân dân vũ trang làm nhiệm vụ phải không?”, tôi xúc động thưa: “Dạ, thưa Bác, vâng ạ” rồi ngập ngừng một lúc, tôi nói tiếp: “Chúng cháu xin phép Bác được làm nhiệm vụ ạ”. Bác cười hiền hậu: “Bác phải xin phép các chú chứ! Các chú cứ bình tĩnh mà làm việc”.

Thấy chúng tôi có vẻ lúng túng, Bác hỏi: “Ở đây, các chú trong Ban chỉ huy làm thủ tục à?”. Tôi báo cáo: “Dạ, thưa Bác, chúng cháu chỉ làm thủ tục hôm nay thôi ạ”. Vậy là Bác nói luôn: “Thảo nào, Bác thấy các chú làm lúng túng lắm. Lần sau các chú đừng như thế nữa. Cán bộ phải tin chiến sĩ chứ, có thế chiến sĩ mới tiến bộ được. Các chú hãy gương mẫu, học tập, rèn luyện cho chiến sĩ noi theo”.

Trên tuyến biên giới Lạng Sơn, một cột mốc khác có vị trí hết sức ấn tượng là mốc đơn số 1214. Đây là mốc loại trung, làm bằng bê tông, đặt trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tại điểm có độ cao là 1.283,16m và tọa độ là 21.855804, 107.01346. Một vùng non sông cẩm tú hiện ra choáng ngợp khi đứng trên đỉnh thiêng núi Mẹ, bên cột mốc “định giang san”. Một quần thể 80 ngọn núi trùng điệp ruổi nối nhau giăng thành dựng lũy, một vùng đất địa đầu ấy có một đặc điểm riêng có là những đỉnh cao nhất, linh thiêng nhất không mang tên loài cây, loài hoa, tên con vật hay tên con người, mà được đặt theo chức danh của một gia đình như núi Cha, núi Mẫu, núi Con và núi Cháu.

Truyền thuyết về sự ra đời của Mẫu Sơn gắn với một câu chuyện tình bi tráng thời chiến trận xa xưa với nhiều hiểu lầm, oan khuất. Nhưng rồi, lòng chung trinh của người vợ lính đã được Ngọc Hoàng chứng giám, sự ân hận, dày vò của người chồng đã được Ngọc Hoàng đoái thương mà cho gia đình đoàn tụ mãi mãi, tạo nên quần thể Mẫu Sơn độc đáo. Người dân Mẫu Sơn thường ví, những giọt máu đào của người Mẹ đổ xuống đã thấm vào đất núi, làm nên cánh bích đào Mẫu Sơn thắm đỏ trong sương giá biên thùy; tình yêu thương của người Mẹ đã làm cho trái đào Mẫu Sơn thơm ngọt như bầu sữa; những dòng suối uốn quanh sườn núi là máu oan khuất của người Mẹ, là nước mắt ân hận của người Cha, đã trở thành dòng nước lành nuôi sống bao thế hệ trong cộng đồng các dân tộc Dao, Tày, Nùng, là nguồn nước tạo rượu Mẫu Sơn tinh khiết. Trên sườn núi Mẹ còn có khu linh địa cổ nằm trên sườn núi Mẹ, là khu đền thờ thần trấn giữ núi Mẫu Sơn, được xây dựng vào thế kỷ X với những công trình đá lớn đồ sộ, cho thấy kỹ nghệ và khả năng xuất sắc trong xây dựng của người xưa.

Với cột mốc 1214, Đại tá Trần Văn Điền, thành viên Nhóm liên hợp phân giới cắm mốc số 11 có nhiều kỷ niệm sâu sắc. Ông cho biết, ngày đó, chưa có đường vành đai biên giới như bây giờ, chủ yếu đi theo lối mòn, xác định sơ bộ vị trí mốc giới rồi mở đường xương cá đến vị trí mốc đã được xác định trên bản đồ Hiệp ước. Có lần, ông được giao nhiệm vụ theo Đoàn kiểm tra kết quả phân giới cắm mốc từ mốc số 1211 đến mốc số 1214. Khi đó là mùa Đông, nhiệt độ xuống tới âm 2 độ C, rừng núi Mẫu Sơn trắng một màu băng giá. Đói và rét, ông uống tạm hộp sữa tươi lạnh lợn cợn dăm đá thì người co quắp, gục ngay tại chỗ. “May mắn lúc đó có đồng chí cán bộ Đồn Biên phòng Ba Sơn đứng đợi cùng, dìu tôi đến chỗ khuất gió, xoa dầu gió, nắn bóp tay chân cho tôi. Sau đó, dìu tôi xuống núi, tôi được sưởi ấm và đưa về lán nghỉ, ăn bát cháo nóng mới tỉnh lại” - ông kể.

Giờ đây, không chỉ có đường tuần tra biên giới dẫn sát đến từng chân núi, từng điểm bản giáp biên, mà đường lên các mốc biên giới cũng đã được các đơn vị thuộc BĐBP Lạng Sơn gấp rút hoàn thành. Mốc 1214 thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Ba Sơn, đơn vị nhiều năm liền là lá cờ đầu trong phong trào thi đua Quyết thắng của BĐBP Lạng Sơn đã có đường lên mốc khang trang với những bậc thang vững chãi. Dọc theo đường biên gần cột mốc, BĐBP cùng người dân biên giới chung tay triển khai phong trào trồng rừng vành đai biên giới và mô hình “Lũy tre biên phòng” nhiều ý nghĩa.

“Liên kế để tồn tại” - minh triết của người xưa trên bia đá trăm năm vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc hội nhập và phát triển của vùng biên Lạng Sơn hôm nay. Cửa khẩu thông thoáng, hiện đại, văn minh, vùng biên giàu mạnh với những con người xứ Lạng kiên cường, trung hậu và tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước sẽ là thế mạnh để miền lau trắng thực sự trở thành cầu nối phát triển trên biên cương phía Bắc.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO