Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 08:54 GMT+7

Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ

Biên phòng - Sáng 18-7, tại Hà Nội, đã long trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp định Geneva (Giơ-ne-vơ) về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam (20/7/1954-20/7/2014). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm.

11-31-03_img_2342.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Hội nghi Giơ-ne-vơ về Đông Dương diễn ra từ 8-5 đến 21-7-1954, trải qua 75 ngày với 31 phiên họp. Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ký ngày 20-7-1954 đã công nhận và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Đông Dương là độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất, không can thiệp vào nội bộ của mỗi nước; đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương; không có căn cứ quân sự ngoại quốc, lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời.

Hiệp định Giơ-ne-vơ là thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam mà cái gốc chính là chiến công trên mặt trận quân sự, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiệp định Giơ-ne-vơ đã chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn Đông Dương, trên cơ sở các nước tham gia hội nghị công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, làm hậu phương lớn cho giải phóng hoàn toàn Miền Nam và thống nhất đất nước năm 1975. Kết quả của Hội nghị góp phần phát triển cách mạng Lào và Cam-pu-chia, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

11-31-03_img_2397.jpg
Chủ tịch nước trao danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, cùng với Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Hiệp định Pa-ri 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc ta. Việc đàm phán, ký kết Hiệp định đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm mang tính thời sự cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tiến trình hội nhập.

Chủ tịch nước cho rằng, 60 năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ và hơn 40 năm sau Hiệp định Pa-ri, những diễn biến thời cuộc càng làm chúng ta thấu hiểu giá trị được khẳng định trong các cam kết của quốc tế về sự thừa nhận nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia và dân tộc Việt Nam.

Đây điều là vô cùng thiêng liêng, từ đó làm sâu sắc thêm nghĩa vụ phải bảo vệ thành quả đã được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ nhân dân ta mới có được.

Bình Minh

Bình luận

ZALO