Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 10:09 GMT+7

Lê Việt Bình Người chiến sỹ An ninh vũ trang quả cảm

Biên phòng - Nếu trong hồ sơ vụ ám sát tên Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, ảnh và tên của Trần Văn Cường được nêu ở vị trí thứ 3 thì trong vụ ám sát Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương, tên ông được đưa lên vị trí thứ 2. Trong Mật văn số 96 của Cục An ninh, ngụy quân Sài Gòn do Đại tá, Cục trưởng Vũ Đức Nhuận ký ngày 12-3-1969, gửi Đại tướng, Tổng trưởng Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban điều tra hỗn hợp, trong phần "can phạm và nhân chứng", ghi rõ: Khi bắt thường dân Trần Văn Cường, nhân viên an ninh không tịch thu được tang vật gì ngoài thẻ kiểm tra và thẻ hoãn dịch của đương sự. Thẻ hoãn dịch được xác định là giả sau khi liên lạc với Trung tâm miễn dịch. Thẻ căn cước được cấp ở Long An cũng là giả, do đương sự mướn để trốn quân dịch.

1b5t_7a-1.jpg
Trần Văn Cường (Hai Đường), tức Lê Việt Bình lúc bị bắt sau vụ ám sát Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương.
Bài 1: Những vụ diệt ác, trừ gian làm rúng động Sài Gòn

Bài 2: Ám sát Thủ tướng ngụy giữa đô thành Sài Gòn


Trong bài "Chiếc xích lô tiền định" thuộc loạt bài điều tra đặc biệt của tờ báo Đuốc Nhà Nam, số 97, ra ngày 29-4-1969 về vụ mưu sát Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương, viết về Trần Văn Cường như sau: "Còn một tên đặc công lợi hại mà chúng tôi chưa nói rõ về tung tích của hắn. Đó là tên Trần Văn Cường. Tên này đóng giả phu xích lô có nhiệm vụ đạp chiếc xích lô chở quả mìn định hướng chực sẵn ngã tư Nguyễn Du - Cường Để. Vậy Trần Văn Cường là ai? Sinh quán tại Quảng Trị, Cường chào đời vào năm 1942, năm nay hắn 27 tuổi tính theo dương lịch. Không rõ ra Việt Bắc vào năm nào, chỉ biết hắn là một cán bộ Cộng sản xâm nhập miền Nam. Trước ngày xâm nhập, Cường là Thượng sỹ Công an nhân dân vũ trang Bắc Việt. Có lẽ vì nghề nghiệp này nên trong vụ ám hại Thủ tướng, Cường được giao phó nhiệm vụ nặng nề và khó khăn nhất. Ngay cả thủ đoạn đào tẩu và cải trang của Cường cũng có nhiều điểm đặc biệt hơn nội bọn. Bên ngoài, hắn ăn mặc như một phu đạp xích lô chính hiệu. Nhưng bên trong, Cường còn mặc chiếc áo sơ mi trắng, ủi kỹ lưỡng, tay măng-xét, vạt áo bỏ vào quần đen. Hiển nhiên lối ăn mặc của Cường có dụng ý...".

Ông Bình kể: Tại cuộc họp mừng công vụ diệt tên Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiểm, Ban an ninh T4 chỉ thị cho Trinh sát An ninh vũ trang B5 tìm mọi cách tiêu diệt Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương ngay giữa nội đô Sài Gòn. Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế cũng như nắm bắt quy luật đi lại của đối tượng, Ban trinh sát B5 lên kế hoạch ám sát Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương ngay ngã ba Nguyễn Du - Cường Để (nay là đường Tôn Đức Thắng, quận 1), vào tầm 12 giờ 30 phút, khi đoàn xe của Hương từ trong Phủ Thủ tướng chạy ra để về nhà riêng nghỉ trưa. Vũ khí là một quả mìn định hướng Claymore tự tạo, bằng loại thuốc nổ mạnh C3-C4, trọng lượng 25kg, có rải lớp bi và sắt vụn bên ngoài để tăng độ sát thương. Ngoài ra, còn một số quả mìn nhỏ, khoảng 1kg nhằm tạo trận địa liên hoàn, chia cắt đội hình địch. Và quả mìn 25kg được giao cho Hai Cường đảm nhiệm, được ngụy trang trên một chiếc xích lô. Ông nói: "Nhận nhiệm vụ lớn lao và vinh dự đó, tôi cũng lo dữ lắm. Nhưng vốn là dân trinh sát An ninh vũ trang hoạt động trong thành, trải qua nhiều trận đánh lớn nên tôi dần lấy lại bình tĩnh. Tôi gấp rút tìm mua một chiếc xích lô rồi miệt mài chạy vòng quanh khu vực tác chiến không kể ngày đêm để thông thuộc địa hình. Nhiều lúc gặp đoàn xe chở Thủ tướng Hương, tôi giả vờ đạp xích lô tiếp cận, nhưng đều bị bọn mật vụ gí súng đuổi ra"…

Theo kế hoạch, trận đánh sẽ diễn ra trưa mừng 6 Tết, tức là ngay sau khi vừa hết thời hạn 2 bên tạm đình chiến để ăn Tết, nhưng vì mấy ngày đó, Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương thay đổi quy luật làm việc nên mãi đến trưa mùng 8 Tết (nhằm ngày 5-3-1969 dương lịch), trận đánh mới diễn ra. Hôm đó, đúng như phương án, khi chiếc xe màu đen cắm lá cờ ba sọc chở Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương lọt vào vị trí tác chiến, Hai Đường đẩy chiếc xích lô chở quả mìn ra chặn ngay đầu xe, giật nụ xòe, điểm hỏa, chờ khói dây cháy chậm vụt ra rồi mới phóng ra sau gốc cây cổ thụ, chờ mìn nổ. Bên kia đường, một đồng đội tên là Sinh ném một quả lựu đạn vào phía sau chiếc xe màu đen, đồng chí Út Cạn bám gốc cây bắn khống chế... Chỉ tiếc là quả mìn trên chiếc xe xích lô không nổ. Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương thoát chết trong gang tấc. Trận đánh không thành do quả mìn tự chế không nổ, nhưng đã làm rung chuyển nền an ninh trật tự đô thị Sài Gòn lúc đó. Bọn tướng tá ngụy ngày đêm lo sợ vì chúng có thể bị Việt cộng tiêu diệt bất cứ lúc nào.
aqlj_7b-1.jpg
Ông Lê Việt Bình và tác giả tại Văn phòng đại diện báo Biên phòng tại TP Hồ Chí Minh.

Hai Đường và một số đồng đội tham gia vụ ám sát Thủ tướng ngụy Trần Văn Hương bị bắt. Sau nhiều trận tra tấn dã man với đủ các loại đòn ác nghiệt như chích điện, "đi tàu lặn", "phơi khô"... mà vẫn không khai thác được gì ở người chiến sỹ kiên trung, ngày 8-8-1969, tòa án Quân sự đặc biệt, Vùng 3 chiến thuật, của ngụy quân Sài Gòn đã tuyên án Trần Văn Cường (Hai Đường) án chung thân khổ sai và lưu đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại đây, ông cùng đồng đội tiếp tục đấu tranh, đòi độc lập, tự do. Được trao trả ở Lộc Ninh, khi về An ninh B5 nhận công tác, theo yêu cầu của tổ chức, Lê Xuân Đường (tức Hai Đường, tức Trần Văn Cường) chính thức mang tên mới là Lê Việt Bình và được bổ nhiệm là Chính trị viên đơn vị An ninh T1 thuộc An ninh T4, tiếp tục tham gia chiến đấu trong nội đô Sài Gòn. Sau khi đi học và tốt nghiệp Sỹ quan An ninh, Bình được điều về giữ chức Đội trưởng Đội an ninh Kinh tế-Văn hóa-Tư tưởng Công an quận 6, TP Hồ Chí Minh. Trước khi chuyển ngành sang đơn vị kinh tế, ông mang quân hàm Thiếu tá. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá rất cao.

Hiện, gia đình sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, nhưng Lê Việt Bình vẫn có tâm nguyện được một lần cùng với đồng đội trở lại Đồn BP Cù Bai anh hùng, nơi ghi dấu những tháng ngày là chiến sỹ mới của ông. Trong ký ức của ông, trong sâu thẳm trái tim cũng như trong những câu chuyện hiện tại, ông luôn tự hào mình là người chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang (BĐBP ngày nay).
Trung đội Trinh sát B5 ra đời ngày 20-5-1962, quân số ban đầu được tuyển chọn từ những cán bộ, chiến sỹ có năng lực sở trường về công tác trinh sát của Đoàn 180 Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Nhiệm vụ của Trinh sát B5 lúc đó là "Nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn và mọi diễn biến các cuộc hành quân của Mỹ - ngụy để phục vụ kịp thời cho công tác chỉ huy, chỉ đạo của cấp trên nhằm chủ động đối phó đánh địch từ xa, ngăn chặn mọi cuộc hành quân càn quét của địch vào khu căn cứ. Đồng thời trực tiếp chiến đấu và tham gia hỗ trợ giúp đỡ các đơn vị bạn trong mọi tình huống". Với những thành tích đặc biệt xuất sắc bảo vệ Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 27-5-1976, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội Trinh sát B5.
Đăng Bảy

Bình luận

ZALO