Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 05:32 GMT+7

Linh thiêng Côn Đảo

Biên phòng - Lịch sử mãi mãi không quên hàng vạn chiến sĩ cộng sản đã chiến đấu và anh dũng hy sinh cho Côn Đảo trường tồn, cho Việt Nam được hòa bình, độc lập, phồn vinh như hôm nay. Máu đào, xương cốt các anh, các chị đã thấm vào đá Côn Lôn, hòa vào nước biển mặn mòi rồi tụ họp về mảnh đất linh thiêng này.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Côn Đảo và Hội Cựu chiến binh Vietsovpetro dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: Mai Thắng

Triệu người dân chung bàn thờ Tổ quốc

Sau hơn 4 giờ hải trình trên tàu cao tốc Thăng Long từ Cầu Đá (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chúng tôi đến cảng Bến Đầm lúc mặt trời xế trưa. Tháng Tư, nắng ở Côn Đảo như cháy da cháy thịt và trải qua hành trình “vượt biển” khá vất vả, nhiều du khách mong mỏi đến Côn Đảo để tận tay thắp nén hương lên những ngôi mộ liệt sĩ với tấm lòng thành kính. Có người đến Côn Đảo để thưởng ngoạn không gian yên bình sau những ngày làm việc mệt nhoài nơi phồn hoa phố thị.

Đón chúng tôi tại Nghĩa trang Hàng Dương là 10 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Côn Đảo, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu do Trung tá Trần Văn Tân, Chính trị viên phó làm trưởng đoàn. Sau những cái bắt tay siết chặt tình đồng chí, Trung tá Tân bảo: “Những ngày tháng Tư lịch sử này, Côn Đảo đón hàng chục vạn khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm viếng. Để nghĩa trang sạch, đẹp, cán bộ, chiến sĩ thường được phân công nhiệm vụ đến đây dọn vệ sinh sạch sẽ. Mỗi lần đến là một cung bậc cảm xúc khác nhau, xúc động lắm”.

Chúng tôi xếp thành 4 hàng dọc, mắt hướng về tượng đài, dâng hương, dâng hoa để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Giọng người thuyết minh trầm xuống xúc động: "Lúc này là 15 giờ, đoàn công tác của Hội Cựu chiến binh Vietsovpetro và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Côn Đảo đang có mặt tại Nghĩa trang Hàng Dương - một trong những nghĩa trang đẹp đẽ, kiêu hùng nhất của dân tộc. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 20 ngàn chiến sĩ cách mạng, đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX.

Lịch sử mãi mãi không quên nữ Anh hùng Võ Thị Sáu đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trước lúc ra pháp trường, lính Pháp yêu cầu bịt mắt, nhưng chị đã hô to: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Lịch sử cũng không bao giờ quên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và hàng vạn chiến sĩ cộng sản, đã chiến đấu và anh dũng hy sinh cho Côn Đảo trường tồn...”.

Chúng tôi yên lặng. Tất cả xúc động rưng rưng hướng về tượng đài Nghĩa trang Hàng Dương. Cựu chiến binh Đặng Đình Công (Vietsovpetro) mắt đỏ hoe, ông bảo: “Để có hòa bình như ngày hôm nay, hàng vạn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Xương cốt của các anh, các chị đang vùi chôn tại mảnh đất linh thiêng này”.

Điểm thứ hai trong chuyến hành trình về nguồn là cầu tàu lịch sử 914. Đã 51 năm trôi qua, vết bụi thời gian đã phôi pha, nước biển mặn Côn Sơn đã phần nào bào mòn bia di tích, nhưng tinh thần chiến đấu quật cường và anh dũng hy sinh của các chiến sĩ cách mạng vẫn hiển hiện không thể phai mờ.

Tiếng người thuyết minh nghèn nghẹn, xúc động: “Năm 1873, để thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ đất liền đến Côn Lôn, Pháp đã bắt những tù nhân yêu nước của chúng ta lao động khổ sai xây cầu tàu. Cầu tàu chỉ có chiều dài 107m, nhưng chúng đã huy động 914 chiến sĩ. Những phiến đá nặng hàng tấn từ Núi Chúa được các chiến sĩ khiêng xuống bằng sức người. Nhiều chiến sĩ bị đá lăn từ núi xuống đè chết. Hàng trăm chiến sĩ khiêng đá kè bờ bị đá nhấn chìm dưới biển. Không khiêng thì chết vì đòn roi, khiêng thì chết vì kiệt sức, người tù không có sự lựa chọn. Cái thời đau thương ấy đến bây giờ vẫn còn âm vang trong từng phiến đá: “Côn Lôn ơi, phiến đá mạng người”.

Thiên đường du lịch

Trước năm 1975, Côn Đảo là “địa ngục trần gian”, sau ngót nửa thế kỷ, Côn Đảo là thiên đường du lịch. Đây là điều dễ dàng nhận thấy. Bởi ở mảnh đất linh thiêng này đang “thay da đổi thịt”, khoác lên mình “màu áo mới” mỗi ngày.

Một góc Côn Đảo nhìn từ Núi Chúa. Ảnh: Mai Thắng

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, mỗi năm, Côn Đảo đón trên 100 ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến du lịch, nghỉ dưỡng, trong đó, tập trung vào dịp 30/4 và tháng 7 hằng năm. Khách đến Côn Đảo bao giờ cũng chọn đến Nghĩa trang Hàng Dương viếng các liệt sĩ trước, sau đó đến tham quan nhà tù và các di tích lịch sử.

Đến từ thành phố Vũng Tàu, vợ chồng cựu chiến binh Vũ Đình Cường và Nguyễn Thị Hương Giang không quên rảo bước dưới tán bàng mát rượi của cung đường Trần Phú, vừa thưởng ngoạn không khí trong lành, vừa ngắm biển Côn Lôn xanh thẳm. “Đến Côn Đảo, ngoài thăm viếng các liệt sĩ, tham quan nhà tù và các di tích thì đừng quên tắm ở bãi biển đặc biệt, hoặc rảo bước đi trên đường Trần Phú một lần. Cái hấp dẫn nhất ở đây là đường sát mép biển, có thể phóng tầm mắt về phía núi Côn Lôn hoặc check-in những tấm ảnh lãng mạn nhất” - chị Giang chia sẻ.

Huyện Côn Đảo hiện nay không có cấp xã. Trước ngày 30/4/1975, Côn Đảo là đặc khu hành chính trực thuộc Trung ương ngụy quyền Sài Gòn, không có người dân sống và cũng không có cơ sở kinh tế nào. Năm 1977, Côn Đảo là huyện thuộc tỉnh Hậu Giang; năm 1983, là quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Từ năm 1991 đến nay, Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, Côn Đảo có trên 7.000 hộ dân chia thành 9 khu dân cư do UBND huyện trực tiếp quản lý. Người dân Côn Đảo hầu hết là dân tộc Kinh, còn lại là dân tộc Khmer, Tày, Stiêng, Chăm. Thành phần xã hội chủ yếu là công chức, viên chức, không có các tổ chức tôn giáo. Cộng đồng dân cư Côn Đảo được hình thành sau năm 1975, do một số gia đình binh lính, công chức chế độ cũ và nhân dân khắp mọi miền đất nước đến đây sinh sống.

Dù cách xa đất liền, giao thông đi lại còn khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, Côn Đảo đã trở thành huyện văn hóa tiêu biểu đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và “thiên đường du lịch tâm linh” của du khách trong nước và quốc tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khá hoàn chỉnh, 100% đường nội thị, đường liên khu dân cư được trải nhựa, 100% hộ dân được dùng điện lưới và nước sạch. Toàn đảo có 9 nhà văn hóa - thông tin ở 9 khu dân cư. 100% hộ dân có phương tiện nghe nhìn. Trạm tiếp sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã phủ sóng khắp các hộ dân ở Côn Đảo...

Tháng Tư mùa biển lặng - tháng đỉnh điểm của mùa du lịch. Đến Côn Đảo, sau những giây phút xúc động viếng các anh hùng, liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương và tham quan hệ thống nhà tù, miếu bà Phi Yến, du khách thường ra cầu tàu 914 ngắm biển, hoặc rảo bước dưới tán bàng cổ xưa mát rượi. Một số du khách đắm mình dưới làn nước mát trong nhìn xuyên thấy san hô. Tôi nhận ra “địa ngục trần gian” năm nào giờ đã trở thành "thiên đường du lịch".

Mai Thắng

Bình luận

ZALO