Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 02:05 GMT+7

Loay hoay tìm hướng xóa đói, giảm nghèo

Biên phòng - Là một trong những xã biên giới xa xôi nhất của tỉnh Hà Giang, trong những năm qua, xã Xín Cái được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án khác nhau để giúp địa phương này phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, Xín Cái vẫn là xã đặc biệt khó khăn.

Người dân thôn Cờ Tảng họp thống nhất thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Ảnh: An Nhiên

Trồng cây gì, nuôi con gì cũng khó

Từ trung tâm xã Xín Cái, chúng tôi vượt qua những khúc cua ngoằn ngoèo, trên con đường đá lởm chởm đang thi công khoảng 30 phút mới tới được thôn Cờ Tảng. Người dân trong thôn đang tham dự cuộc họp giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thôn tại phòng học của điểm trường mầm non.

Chị Dùng Thị Vân, Bí thư chi bộ thôn Cờ Tảng thông tin cho chúng tôi những đặc điểm cơ bản: “Cả thôn hiện có 32 hộ với 161 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Lô Lô. Người dân chủ yếu sống bằng nghề làm nương, nuôi bò. Dù rất nỗ lực, nhưng Cờ Tảng hiện vẫn là thôn đặc biệt khó khăn với 22 hộ nghèo. Đường đi trong thôn hoàn toàn là đường đất. Toàn thôn có 22ha đất canh tác ngô, lúa nương và hơn 9ha lúa nước. Chúng tôi vừa họp, giao chỉ tiêu phát triển kinh tế cho từng hộ gia đình. Cả thôn xác định năm nay phát triển đàn bò, lợn lên 200 con. Bà con đều đồng lòng, nhất trí”.

Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo là đích đến nhận được sự hưởng ứng, đồng lòng của tất cả người dân thôn Cờ Tảng, nhưng quá trình thực hiện và hiệu quả lại là vấn đề khác. Theo chia sẻ của chị Vân, có một điểm yếu là trình độ dân trí của người dân nơi đây còn hạn chế. Bà con chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Trong khi đó, đất canh tác ít, thiếu nước sản xuất, khí hậu khắc nghiệt. Người dân vẫn giữ tư duy trồng giống cây địa phương, tự cung tự cấp trong gia đình chứ chưa nghĩ tới kinh tế thị trường.

“Ở đây, bà con coi trâu, bò như một tài sản lớn của gia đình. Họ cứ nuôi như vậy hết năm này đến năm khác để lấy phân bón và sức kéo, chỉ khi cần tiền tiêu, họ mới bán. Bà con không nghĩ tới việc nuôi trâu, bò đến lớn rồi bán bớt đi, dùng tiền đó mua thêm con giống mới để nhân đàn, biến thành hàng hóa. Đó cũng là một điểm hạn chế trong tư duy khiến cho công tác xóa đói giảm nghèo chưa đạt hiệu quả” - chị Vân chia sẻ.

Nói sâu hơn về nguyên nhân tỉ lệ đói nghèo vẫn còn cao, chị Vân cho biết, ngoài nguyên nhân chủ quan, còn nhiều yếu tố khách quan như bệnh dịch, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng tới năng suất trồng trọt và hiệu quả chăn nuôi. Chị Vân dẫn chứng: “Năm 2022, thôn chúng tôi có hơn 100 con lợn đen chết bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Còn bò thì bị bệnh viêm da nổi cục, chết mất hơn 20 con”.

Thôn Cờ Tảng đã xác định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới là nuôi bò hàng hóa, tuy nhiên, phải có hộ tiên phong, làm đầu tàu để bà con nhìn vào noi theo. Bản thân chị và một cán bộ khác trong thôn đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đầu tư nuôi lợn, trồng mận, trồng lê. Chị Vân hy vọng, mọi việc thuận lợi, mang lại hiệu quả để bà con mắt thấy, tai nghe và có thể làm theo. Ở góc nhìn lớn hơn, chị Vân mong muốn tiếp tục được Nhà nước quan tâm đầu tư bê tông hóa đường giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Chị cũng mong muốn được vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi.

Khó tìm mô hình hiệu quả

Xín Cái là xã biên giới thuộc diện xa xôi, hẻo lánh, cách trở nhất của tỉnh Hà Giang. Vùng đất giáp biên này hội tụ đủ những yếu tố bất lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cơ sở hạ tầng. Diện tích tự nhiên của Xín Cái lớn, song chủ yếu là núi đá, có độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu. Trong năm, có tới 7 tháng, Xín Cái chìm trong sương mù, giá lạnh. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Xín Cái gặp nhiều trở ngại, tỉ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, hoạt động thương mại và dịch vụ hầu như không có gì.

Người dân xã Xín Cái thu hoạch dong riềng. Ảnh: An Nhiên

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Chất, Chủ tịch UBND xã Xín Cái cho biết: “Toàn xã hiện có 1.030 hộ dân với 5.937 khẩu, trong đó, dân tộc Mông chiếm hơn 70% dân số, còn lại là dân tộc Dao, Giáy, Lô Lô... Bà con chủ yếu trồng ngô, lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ. Do thiếu nước sản xuất, trong nhiều năm nay, người dân Xín Cái chỉ có thể trồng ngô, lúa nương một vụ trong năm, năng suất thấp”.

Cho đến bây giờ, Xín Cái chưa thể xác định được ngày hoàn thành xây dựng nông thôn mới bởi còn quá nhiều tiêu chí khó. Mới chỉ có 8/19 thôn trong toàn xã có nhà văn hóa. Hệ thống giao thông liên thôn chủ yếu vẫn là đường đất. Trong số các tiêu chí Xín Cái chưa hoàn thành thì chỉ tiêu nhà ở, tỉ lệ hộ nghèo, thu nhập, mô hình lao động sản xuất có quan hệ tác động chặt chẽ với nhau và khó thực hiện nhất. Hiện, cả xã Xín Cái có 641 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ hơn 59%, 94 hộ cận nghèo.

Thu nhập bình quân đầu người mới đạt 32 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ gia đình vẫn ở nhà tạm, chưa có nhà kiên cố. Trong nhiều năm qua, xã Xín Cái vẫn loay hoay tìm mô hình thích hợp để phát triển kinh tế-xã hội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù khí hậu khắc nghiệt, nhưng Xín Cái có tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điểm yếu lớn nhất ảnh hưởng tới kết quả chăn nuôi của Xín Cái chính là công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Già Mí Pó - một trong những người mạnh dạn đổi mới tư duy làm ăn, với sự trợ giúp của BĐBP Hà Giang cho biết: “Chúng tôi lo nhất là dịch bệnh trên vật nuôi. Tôi từng được BĐBP hỗ trợ 2 con lợn giống nhưng sau đó bị dịch bệnh chết hết. Gia đình tôi nuôi cả gà cũng bị dịch bệnh chết. Chúng tôi mong nhất là được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi”.

Thực tế là nhiều hộ dân muốn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhưng gặp khó trong nguồn cung thức ăn. “Chúng tôi chỉ trồng ngô và lúa nương 1 vụ, năng suất lại thấp nên không đủ ngô cho gia cầm ăn. Việc trồng cỏ voi cho trâu, bò cũng khó khăn vì vùng này chủ yếu là núi đá, diện tích đất xấu lớn, trồng cỏ voi không tốt như mong đợi” - anh Pó cho biết thêm.

Ông Chất chia sẻ, diện tích đất canh tác của địa phương không lớn, trong khi thường xuyên thiếu nước, thời tiết, khí hậu lại khắc nghiệt nên trồng cây gì, nuôi con gì đều rất khó khăn. “Hiện tại, chúng tôi đang vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, tận dụng diện tích đất trồng để trồng ngô, dong riềng và lúa nương. Đồng thời, vận động người dân cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả có giá trị cao như cây lê địa phương. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh hỗ trợ dạy nghề cho người dân và tìm kiếm việc làm” - ông Chất nói. Được biết, để tìm hướng thoát nghèo, nhiều hộ dân ở Xín Cái đã đi tìm cơ hội việc làm ở ngoại tỉnh.

An Nhiên

Bình luận

ZALO