Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:36 GMT+7

Lớp học xóa mù chữ ở San Bang

Biên phòng - Từ Đồn BP Bát Xát, vượt chặng đường 12km quanh co, khúc khuỷu giữa một bên là vực thẳm, một bên là vách núi dựng đứng, chúng tôi mới đến được lớp học xóa mù chữ ở điểm trường San Bang (xã Bản Vược, huyện Bát Xát, Lào Cai). Lớp học này đặc biệt ở chỗ học trò phần đông đã có "con cháu đề huề", còn thầy giáo lại là những người lính mang quân hàm xanh.

hr8a_9b-1.jpg
Một số học viên lớp xóa mù chữ ở điểm trường San Bang đến sớm ôn bài trước giờ lên lớp. Ảnh: Nguyễn Thảo

Lớp học xóa mù chữ ở điểm trường San Bang (gồm 26 học viên) là một trong hai lớp đang được Đồn BP Bát Xát phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức. Dù mới bắt đầu học được hai tháng, nhưng hầu hết các học viên (là phụ nữ dân tộc Dao) đã nhận diện được mặt chữ, khoảng 80% học viên đã biết đọc, biết viết.

Chúng tôi gọi đây là lớp của những "bà" trò, bởi học viên nhỏ nhất cũng đã 35 tuổi. Nhiều người trong số họ là lao động chính trong gia đình, hằng ngày phải làm việc trên nương rẫy hoặc bốc xếp hàng hóa kiếm thêm thu nhập… thế nhưng cứ đến 7 giờ 30 phút tối là họ lại tập trung đến địa điểm học tập để mong được "tỏ" con chữ.

Đại úy Phạm Công Khanh, cán bộ vận động quần chúng Đồn BP Bát Xát là người đứng lớp hôm nay. Anh cho biết, từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, tối đến, anh một mình chạy xe vượt quãng đường hơn 12km, qua những quả đồi cao, đường núi quanh co, heo hút để mang con chữ đến với bà con bản làng nơi đây. Hôm nay, anh đến sớm hơn một giờ để cùng cán bộ địa phương xuống tận nhà hỏi han, động viên những học viên hôm qua không đến lớp. Đó là công việc mà anh cho rằng cần phải làm thường xuyên và kiên trì.

Tối nay, lớp học có đủ 26 học viên. Khi thấy tôi thắc mắc hỏi về chai nước màu hồng đỏ được đặt ngay ngắn trên bàn giáo viên, mấy chị em ngồi bàn đầu giải thích rằng đây là nước bổ máu của người Dao được đun lên từ lá cây trên rừng. Ngày nào các chị cũng chuẩn bị một chai cho thầy giáo. Họ lo thầy giáo đi lại đường xa vất vả, chai nước vừa để giải khát, vừa giúp thầy giảm đi sự mệt mỏi.
Là người theo sát tiến độ các lớp học xóa mù chữ, Trung tá Nguyễn Văn Đông, Chính trị viên Đồn BP Bát Xát trao đổi với chúng tôi: Ở thôn San Bang, lượng học viên rất ổn định, cho đến nay, hầu hết các chị em đều đã đọc, viết tốt. Điều mong muốn nhất của đơn vị là giúp người dân biết chữ, biết đọc các tài liệu tuyên truyền để hiểu được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc.
Giờ vào lớp, ai cũng ngồi ngay ngắn. Nhìn những ánh mắt chăm chú, những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, chúng tôi hiểu họ trân trọng từng giờ lên lớp đến nhường nào. Trên bục giảng, thầy giáo Phạm Công Khanh nhiệt tình hướng dẫn từng con chữ, từng phép tính, chốc chốc anh lại xuống tận bàn học, hướng dẫn học viên đánh vần các từ khó phát âm. Những học viên bàn tay chai sạn, bao lâu nay chỉ quen cầm cày, cầm cuốc, giờ lại tập trung cao độ viết từng nét chữ. Tiếng đánh vần, tiếng đọc đồng thanh như xua đi cái tĩnh lặng vốn có của bản làng vùng cao.

Chị Phàn Thị Hằng năm nay đã 42 tuổi là trường hợp bị cận bẩm sinh mà thầy giáo Khanh nhớ nhất. Dù có đeo kính cận, nhưng chị vẫn không thể nhìn thấy chữ trong sách giáo khoa mà chỉ nhìn được chữ to trên bảng và đọc theo. Đường đến lớp buổi tối xa xôi và phải nhờ người thân đưa đi, nhưng chị Hằng vẫn đến lớp học đều đặn. Quyết tâm kiếm bằng được con chữ trên vùng rẻo cao này thật khó khăn với những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt như chị Hằng, nhưng đối với chị, được đi học, đó cũng là một niềm hạnh phúc.

Ngồi dãy bàn đầu là chị Phàn Thị Hồng, vừa được thầy giáo khen đã đọc tốt, tuy còn một số lỗi, vẻ mặt chị vui lên trông thấy. Được các con ủng hộ đi học lớp xóa mù chữ, chị chia sẻ: "Bây giờ tôi đã có thể đọc, viết được tên mình, đọc tờ rơi trong buổi tuyên truyền, tính toán những phép tính đơn giản để đi chợ. Thầy giáo Biên phòng dạy gì cũng đúng, chúng tôi yên tâm và cảm ơn các anh lắm. Sau lớp học này nếu có lớp 3, tôi cũng sẽ đăng ký đi học".

Giữa giờ giải lao, chị Lý Thị Hiền vừa đọc đoạn hướng dẫn cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết, vừa trò chuyện cùng chúng tôi. Nét mặt chị đượm buồn khi nhắc đến quá khứ của mình. Do không có điều kiện kinh tế và phải lấy chồng sớm mà chị và nhiều chị em khác không được đi học. "Bây giờ, ngày nào cũng chỉ mong giờ lên lớp, hôm nào thầy có việc đến muộn là chị em lo lắng, sợ thầy đi đường xa gặp chuyện bất trắc. Chúng tôi quý thầy lắm. Thầy Khanh còn đề xuất ủng hộ quần áo cho cả lớp, thầy nói là để kỷ niệm lớp học và động viên mọi người", chị Hiền chia sẻ thêm.

Ngoài kiến thức văn hóa, các thông tin tuyên truyền về pháp luật cũng được lồng ghép sinh động vào mỗi giờ lên lớp. Khi được hỏi về những điều ấn tượng và đáng nhớ nhất, chị Phàn Thị Thanh hồ hởi: "Các thầy giáo Biên phòng dạy chị em là gia đình chỉ nên đẻ hai con để cuộc sống tốt hơn, con cái được học hành tử tế; đi đâu gặp người già thì thương và cưu mang họ; trong nhà có chuyện gì thì đóng cửa bảo nhau, không nên ồn ào mà họ hàng chê cười…".

Đại úy Phạm Công Khanh cho biết: "Giáo dục pháp luật cũng là một trong những nội dung lồng ghép tuyên truyền mà cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Bát Xát đang thực hiện có hiệu quả. Trong những buổi họp dân cư hay tuyên truyền pháp luật ở San Bang, người đi họp chủ yếu là phụ nữ, vì thế lớp học xóa mù chữ vừa giúp chị em đọc hiểu, dễ dàng nắm bắt nội dung, vừa có thể lồng ghép, phổ biến các kiến thức pháp luật một cách sinh động, thiết thực".
 
hxyp_9a-1.jpg
Đại úy Phạm Công Khanh và các học viên xem lại tiết mục văn nghệ của họ trong các chương trình của địa phương, qua điện thoại di động. Ảnh: Nguyễn Thảo
 
Khi được hỏi về động lực để duy trì đều đặn các buổi học, Đại úy Khanh khẳng định, chính sự hiếu học của người dân khiến anh thêm nhiệt huyết trong mỗi giờ lên lớp. Gần 20 năm tham gia công tác xóa mù chữ, tình cảm của học viên ở San Bang khiến người lính này ấn tượng nhất là "họ hồ hởi chào đón mình mỗi ngày khiến mình không thể nghỉ dạy buổi nào. Nhiều học viên còn chưa biết chữ mà lại nhiệt tình hát, múa cho thầy và cả lớp xem. Lớp học của tôi có đến 7 chị là thành viên chính tham gia văn nghệ của địa phương, đó là những điều mà khi nhắc đến khiến tôi luôn tự hào" - anh Khanh phấn khởi nói với chúng tôi.

Rời lớp học ở San Bang, nhưng tiếng ê a đánh vần con chữ vẫn vọng lên đâu đó giữa núi rừng. Mọi thứ như vẫn in đậm trong tâm trí chúng tôi về hình ảnh những người phụ nữ Dao tranh thủ đến lớp học, rồi lại vội vã trở về làm quần quật bên nương rẫy. Vượt lên trên mọi khó khăn, những lớp học xóa mù chữ như càng gắn kết thêm tình quân dân cá nước nơi phên giậu của Tổ quốc. Trong sự phát triển hằng ngày của vùng đất này có biết bao tâm sức của những chiến sĩ mang quân hàm xanh làm nhiệm vụ cõng chữ lên non.

Nguyễn Thảo

Bình luận

ZALO