Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 23/06/2024 09:08 GMT+7

Luật Biên phòng Việt Nam lan tỏa vào đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới

Biên phòng - Với nhiều hình thức đa dạng, sinh động, BĐBP Lai Châu đã và đang tuyên truyền sâu rộng Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) và các văn bản pháp luật có liên quan tới các tầng lớp nhân dân. Đến nay, những nội dung cơ bản, cốt lõi của văn bản này đã lan tỏa, “bám rễ” vào đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu tuyên truyền về Luật BPVN cho người dân ở khu vực biên giới. Ảnh: Đức Duẩn

Tự xác định trách nhiệm giữ gìn biên cương

Những người cao tuổi ở xã biên giới xa xôi, hẻo lánh Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu như ông Chu Lù Chừ, dân tộc Hà Nhì, có thể không nhớ đầy đủ các điều trong Luật BPVN. Tuy nhiên, những điều cốt lõi của văn bản luật này, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) thì họ đều nắm được và có thể diễn đạt lại theo ý hiểu của mình.

“Được cán bộ Đồn Biên phòng Thu Lũm tuyên truyền, giải thích, chúng tôi hiểu rằng, Luật BPVN là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực quản lý, bảo vệ BGQG, quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới. Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm giữ gìn biên cương bờ cõi của đất nước. Tự xác định trách nhiệm của mình đối với biên cương Tổ quốc, ở đây, các xóm bản biên giới và người dân đều nhận tự quản đường biên, cột mốc” - ông Chu Lù Chừ cho biết.

Thực tế, bản thân ông Chừ là người tích cực cùng BĐBP quản lý, bảo vệ biên giới, trong quá trình đi làm nương, đi rừng, khi thấy có hiện tượng xâm canh, xâm cư, ông đều báo cho chính quyền và BĐBP. Ông Chừ và một số người dân trong bản trực tiếp nhận quản lý cột mốc 26 gần nương thảo quả của gia đình ông. “Đã là người dân Việt Nam thì phải có trách nhiệm với đường biên, cột mốc của đất nước mình. Trước đây, khi còn trẻ, có sức khỏe, tôi vẫn thường đi tuần tra, phát quang đường biên giới cùng BĐBP. Bây giờ, tôi không thể đi được như trước đây nên nhận quản lý cột mốc ở gần nương thảo quả của mình. Mỗi lần lên nương, tôi đều lên kiểm tra mốc xem có bị sứt mẻ, tác động gì không, nếu cỏ mọc nhiều, tôi sẽ phát dọn quanh mốc” - ông Chu Lù Chừ nói.

Cũng như ông Chừ, khi được hỏi về Luật BPVN, anh Chu Lòng Tư, một người dân sinh sống ở khu vực giáp biên xã Thu Lũm tự nhận không có hiểu biết chuyên sâu, nhưng hiểu được những điều căn bản nhất. Anh Chu Lòng Tư chia sẻ: “Tôi tự nhận thức được rằng, là người dân thì phải có trách nhiệm cùng với BĐBP và chính quyền địa phương bảo vệ đường biên, cột mốc. Trách nhiệm của chúng tôi là thông báo kịp thời cho BĐBP những vụ việc gây ảnh hưởng đến đường biên, cột mốc, khi qua lại biên giới phải có giấy thông hành. Ngoài ra, nếu phát hiện người lạ ra vào khu vực biên giới, có hành vi không tốt cũng phải báo để cán bộ Biên phòng biết, xử lý”.

Phổ biến luật sâu rộng tới các cấp

Luật BPVN có 36 điều, trong đó có những điều quan trọng liên quan thiết thực đến quân dân biên giới như: Chính sách Nhà nước về biên phòng (Điều 3); nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 4); nhiệm vụ biên phòng (Điều 5); lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 6); nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân (Điều 9); phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 10); vị trí, chức năng của BĐBP (Điều 13); nhiệm vụ của BĐBP (Điều 14); quyền hạn của BĐBP (Điều 15); phạm vi hoạt động của BĐBP (Điều 16)...

Luật BPVN được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, đã thể chế đầy đủ quan điểm, tư tưởng của Đảng về bảo vệ Tổ quốc; về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ BGQG.

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP Lai Châu cho biết: “Nhằm sớm đưa Luật BPVN vào cuộc sống, ngay sau Hội nghị tập huấn Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết, do Bộ Quốc phòng tổ chức, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu đã tập huấn các nội dung của luật cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, đồng thời, tham mưu cho Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đáng chú ý, tỉnh Lai Châu tổ chức phổ biến Luật BPVN theo 3 cấp, trực tuyến kết nối từ điểm cầu tỉnh Lai Châu đến điểm cầu các huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”.

Sau đó, các huyện biên giới của tỉnh Lai Châu đã tổ chức tập huấn Luật BPVN theo hình thức trực tiếp tới các cán bộ và người dân tại địa phương. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu cũng phối hợp với các huyện biên giới tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN tại các xã biên giới theo hình thức trực tiếp. Đến nay, tất cả các xã biên giới đã hoàn thành Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN. Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu cũng đề nghị, phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Lai Châu tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật BPVN và các văn bản quy định chi tiết.

Sau khi được nghe phổ biến về Luật BPVN và các văn bản có liên quan, ông Chu Xé Lù, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thu Lũm chia sẻ: “Luật BPVN là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhất về lĩnh vực quản lý, bảo vệ BGQG. Qua học tập, tìm hiểu Luật BPVN, tôi hiểu rõ hơn trách nhiệm của công dân trong việc giữ gìn, bảo vệ BGQG, trong đó, công dân có trách nhiệm tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ này. Thực tế, trong những năm qua, tôi luôn tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã thực hiện tốt các quy định khi qua lại biên giới, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG. Bản thân tôi cũng tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân”.

Theo Đại tá Lê Công Thành, nhờ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, những năm qua, ý thức bảo vệ, giữ gìn BGQG đã thấm sâu vào lòng dân biên giới. “Hiện nay, có 52 nhóm hộ/635 hộ/1.168 cá nhân đăng ký tự quản 223,189km đường biên, 77 cột mốc và 2 công trình (kè) trên biên giới; 211 tổ/1.090 thành viên tham gia tự quản an ninh, trật tự thôn, bản. Một số vụ việc vi phạm quy chế quản lý biên giới đã được người dân phát hiện, thông báo kịp thời cho BĐBP và chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để Luật BPVN “bám rễ”, “ăn sâu” vào đời sống xã hội, huy động được mọi nguồn lực thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG” - Đại tá Lê Công Thành cho biết.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO