Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 02:33 GMT+7

Lý Sơn, Phú Quý - tìm nước ngọt giữa biển mặn

Biên phòng - Ở 2 hòn đảo xa bờ là Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho cư dân đảo luôn là mối quan tâm của người dân và chính quyền. Thức trắng một đêm với bà con nông dân mới thấm thía chuyện bài toán nước ngọt trở nên bức thiết ra sao và Lý Sơn có thể là bức tranh tương lai không còn xa của Phú Quý.

Mỗi khi mặt trời lặn, những người nông dân ở đảo Lý Sơn lại thức trắng đêm để chắt chiu nước ngọt tưới cho ruộng hành, tỏi. Ảnh: Văn Chương

Siêu giếng cũng đuối

Buổi chiều hôm ở đảo Lý Sơn, mặt trời sắp khuất sau rặng núi Thới Lới và tỏa màu đỏ rực. Trong cái nhìn của du khách, màu đỏ pha với sắc xanh của mặt biển trong vắt phả xuống ruộng hành, tỏi và những ô ruộng như hộp diêm có bề mặt phủ cát trắng đã tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, trong cái nhìn của bà con nông dân ở huyện đảo Lý Sơn, sắc đỏ này khiến trong lòng họ như đang “nóng như lửa đốt” bởi bài toán lo nước để tưới tiêu cho cây hành, cây tỏi.

Ở đảo Phú Quý và đảo Lý Sơn có vài điểm tương đồng về sự phát triển. Chiếm phần lớn bề mặt của đảo Lý Sơn là những cánh đồng trồng hành, tỏi, ngô, lạc, dưa hấu... (330ha), trong đó, hành, tỏi là những loại cây rất cần nước tưới. Còn ở đảo Phú Quý, chiếm phần lớn bề mặt đảo là rừng tự nhiên, loại cây thấp và giữa những tán rừng dày đặc đó là các loại cây lương thực truyền thống như ngô, củ lang, hiện nay có thêm dưa hấu, các loại rau xanh. Trong số các loại cây này, rau xanh là loại cần nước tưới liên tục.

Dù điều kiện cây trồng khác nhau, nhưng ở đảo Lý Sơn đã chính thức rơi vào tình trạng “nông dân thức trắng đêm để vét nước”. Còn ở đảo Phú Quý, tình trạng nước nhiễm mặn, do lượng nước ngọt trong lòng đất tụt giảm sâu, nước mặn bắt đầu ngấm vào túi nước ngọt đã được cảnh báo trong vòng 10 năm trở lại đây và trong tương lai chắc chắn sẽ rõ nét như ở đảo Lý Sơn.

Tại đảo Lý Sơn, trong gió biển liu riu thổi đầu mùa hè, ông Nguyễn Văn Anh vẫn soi pin lặn lội ra giếng nằm ở khu vực thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh cũ (hiện nay, huyện đảo Lý Sơn không còn đơn vị hành chính cấp xã). Ông Anh cho biết, đếm hết thì riêng cái giếng này có gần 70 chiếc máy bơm, bơm liên tục nhưng giếng vẫn không cạn. Tuy nhiên, phải thức trắng đêm bởi bơm một lúc 15 máy bơm thì là nước ngọt, nhưng tăng số máy bơm lên thì nước sẽ bị nhiễm mặn.

Câu chuyện tại siêu giếng ở đảo Lý Sơn đã hiện ra những chỉ số quan trắc tự nhiên về tình hình nước ngọt ở đây. Vì những năm trước đây, bà con có thể chạy một lúc 25 máy bơm và thời gian chạy hàng giờ đồng hồ thì mực nước mới rút xuống và có thể nước bị nhiễm mặn, còn hiện nay, thời gian chạy ngắn hơn, số lượng bơm chạy cùng lúc ít hơn nhưng giếng đã bị nhiễm mặn.

Mong trời đổ mưa

Gần 10 năm về trước, người dân ở đảo Phú Quý cũng đã bắt đầu thấm thía nỗi lo khi nguồn nước ngọt ở đảo giảm. Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm, ở xã Ngũ Phụng có một giếng đào nằm cách mép nước biển khoảng 300m, mỗi lần bơm chỉ khoảng 20 phút là máy phát ra âm thanh o... o vì nước giếng tụt sát đáy, nếu ép bơm thì mạch nước bắt đầu có nước mặn xâm thực.

Bà Trần Thị Phai thu hoạch đậu phụng ở đảo Phú Quý. Việc canh tác ở đảo phần lớn dựa vào lượng mưa tự nhiên. Ảnh: Văn Chương

Ông Trần Văn Đính và bà Nguyễn Thị Thanh, ở xã Long Hải dẫn tôi vào thăm khu vườn nhỏ. Bà Thanh dặn chừng phải luôn quan sát cẩn thận vì lẫn giữa khu vực là những hố được đào như chiếc giếng để trữ nước mưa. Vợ chồng bà luôn cầu mong trời đổ mưa để có nước ngọt tích trữ vào giếng, 3 hồ xi măng và vô số lu nước đã được đặt ống gom nước từ mái nhà và chờ đợi những cơn mưa xuống.

Ở đảo Lý Sơn, bà con nông dân ở khu vực cuối đảo (xã An Hải cũ) ít bị áp lực nước ngọt để canh tác vì nằm gần hồ chứa nước Thới Lới. Còn nông dân ở cánh đồng nằm sau lưng Đồn Biên phòng Lý Sơn, nếu thức với bà con thì mới thấm được cảnh vét nước trắng đêm. Có lúc nửa đêm, các lão nông chạy tới giếng bơm từ 5-7 phút, sau đó lại chạy sang giếng khác để bơm dồn nước. Sau khi dồn nước xong thì về nhà ngủ và hơn 1 giờ sau lại tiếp tục chạy ra đồng bơm dồn nước.

Lão nông Võ Hiển Vinh diễn giải việc nổ máy xe và cứ chạy lòng vòng như trẻ con chơi trò bắt cút, bởi vì giếng này bơm được 5 phút là nước cạn, giếng giữa đồng bơm được 10 phút là nước cạn, mỗi gia đình có tới mấy cái giếng nên cứ chạy lòng vòng cả đêm. Mấy hôm nay đảo có 2 trận mưa, vì vậy, thời gian 5 phút sẽ tăng lên 7-8 phút.

Áp lực nước ngọt

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Sơn thống kê, cả đảo có 2.156 giếng nước phục vụ tưới tiêu cho 330ha đất nông nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi có kết quả quan trắc, mực nước mùa khô năm 2023 hạ thấp dần từ tháng 1 đến tháng 6, dao động từ 0,04-0,3m, so với cùng kỳ năm trước, mực nước năm nay thấp hơn từ 0,2-1m. Ước tính, tổng trữ lượng khai thác nước ngọt thực tế ở đảo là 21.779m3/ngày, số liệu này cao hơn rất nhiều so với trữ lượng khai thác dự báo.

Báo cáo về tình hình nước ngọt ở đảo Phú Quý mới đây nhất đánh giá, vào mùa khô năm 2023, mực nước hạ thấp dần từ tháng 1 đến tháng 6, dao động từ 0,04 đến 0,3m; vào mùa mưa, mực nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước, dao động từ 0,6-1,3m. Tuy nhiên, có một số giếng có mực nước thấp hơn như là PQIV-1A, PQIII-2TA (tại các khu vực này có lượng mưa cuối năm thấp). Chính quyền cũng khuyến cáo bà con chú ý xây dựng các hồ chứa trong gia đình, chú trọng thu gom nước mưa để phục vụ sinh hoạt; đẩy mạnh trồng rừng để giữ nguồn nước ngầm, nghiêm cấm việc khoan đào giếng, xây dựng một hồ chứa nước mưa tại khu vực gần núi Cao Cát và khu vực xã Ngũ Phụng để điều hòa thẩm thấu...

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO