Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 06:12 GMT+7

Kỷ niệm 35 năm thành lập nhà giàn DK1 (5/7/1989 - 5/7/2024):

Mãi tự hào về người lính nhà giàn trên vùng biển quê hương

Biên phòng - 35 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nhà giàn DK1 đã viết nên truyền thống “kiên cường dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết kỷ luật, giữ vững chủ quyền”. Truyền thống ấy khắc sâu trong tâm khảm của CBCS và trở thành bản tình ca trên sóng biển Đông.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Ảnh: Mai Thắng

Thầm lặng những hy sinh

35 năm thành lập nhà giàn DK1 là ngần ấy thời gian tự hào và kiêu hãnh của các thế hệ CBCS. Trong niềm tự hào hôm nay, không thể không nhắc đến nỗi đau thương, mất mát trong quá khứ. Bởi để có những “pháo đài canh biển” vững chãi như ngày nay, những người lính nhà giàn DK1 đã trải qua bao hy sinh gian khổ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nam là người chỉ huy đầu tiên của nhà giàn DK1. Ông có thâm niên gần trọn đời lính “sống ngoài nhà giàn, vui với biển khơi”, hàng trăm lần "cưỡi" sóng to gió lớn đi trực trên các bãi cạn san hô ngầm để bảo vệ nhà giàn DK1. Ông Nam cho rằng, việc xây dựng nhà giàn thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, nhưng sự vinh quang nào chẳng có hy sinh, mất mát. “Các nhà giàn DK1 là hiện thân của chủ quyền Tổ quốc, chúng tôi là những “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển. Chẳng ai muốn mất mát, hy sinh, nhưng thiên tai thì không thể nào lường trước được” - ông Nam phân trần.

Nhà giàn đầu tiên mang tên Phúc Tần được xây dựng ngày 5/7/1989 trên bãi san hô ngầm Phúc Tần (đặc quyền kinh tế thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), thì 5 tháng sau, nhà giàn này bị cơn lốc lúc nửa đêm đánh sập, cuốn 9 CBCS xuống biển, trong đó có 1 sĩ quan, 1 quân nhân chuyên nghiệp và 1 chiến sĩ hy sinh là Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Thiếu úy Lê Đức Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền. Trước lúc ngã vào lòng biển, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường mảnh lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi.

Sau đó gần 1 tháng, thuyền phó quân sự Phạm Tảo và máy trưởng Lê Tiến Cường thuộc tàu HQ-666 đã bị những con sóng lừng lững nhấn chìm tại nhà giàn Tư Chính 1A (bãi cạn Tư Chính) khi tàu đang làm nhiệm vụ trực tại đây. Tiếp đến, đêm 12/12/1998, cơn bão Fathes có sức gió mạnh trên cấp 12 tràn vào vùng biển Vũng Tàu, nhà giàn Phúc Nguyên 2A nằm đúng vệt bão quét. Cơn bão này đã đánh sập nhà giàn Phúc Nguyên 2A, cuốn 9 CBCS xuống biển và 3 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, gồm Đại úy - Chỉ huy trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. Đêm 21/4/2001, tại nhà giàn DK1/16, chiến sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh trong cơn đau thắt đột ngột khi đang theo dõi, bám sát mục tiêu lạ giữa màn đêm.

Hơn 13 năm sau kể từ ngày liệt sĩ Tạ Ngọc Tú hy sinh, Đại úy Dương Văn Bắc - trắc thủ radar nhà giàn DK1/11 nằm xuống giữa biển xanh trong lúc kiểm tra vật cản dưới sàn cập tàu và bị sóng biển cuốn trôi vào ngày 7/10/2014, để lại hậu phương là người vợ trẻ và 2 con trai nhỏ. Chưa dừng tại đó, đêm 3/9/2019, Thiếu tá Nguyễn Văn Tài - nhân viên cơ điện hy sinh trên nhà giàn DK1/18 do đột quỵ. Mới đây nhất, tháng 12/2023, Đại úy Nguyễn Tài Thi, Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12 và Đại úy Đỗ Tùng Linh, Chính trị viên tăng cường tàu 202 đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi. Trong 13 liệt sĩ hy sinh trên vùng biển nhà giàn DK1, có 9 liệt sĩ không có phần mộ như trên đất liền.

Tự hào nhà giàn DK1

Khó có thể nói hết những hy sinh, mất mát của CBCS nhà giàn DK1 trong suốt hành trình “canh biển, giữ trời” trên thềm lục địa của Tổ quốc trong 35 năm qua. Chỉ biết các anh là những người hùng giữa lòng biển cả. Các anh đã “sống kiên cường, chết vinh quang” để xây dựng nên những “pháo đài bất khả xâm phạm” giữa trùng khơi như những dáng đứng Việt Nam hùng cường trên biển.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở nhà giàn DK1. Ảnh: Mai Thắng

“Sử sách có thể ghi chép đầy đủ các dữ kiện về nhà giàn DK1, nhưng những hy sinh thầm lặng của CBCS qua các thế hệ thì không bao giờ kể hết. Chúng tôi luôn tự hào về nhà giàn DK1. Những nhà giàn vẫn trụ vững, những chiến sĩ vẫn vững chắc tay súng kiên cường bám biển, khẳng định một chân lý rằng, còn người thì còn nhà giàn. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là nhiệm vụ và sứ mệnh thiêng liêng của CBCS nhà giàn DK1 trong thời kỳ mới” - Thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn nhà giàn DK1 khẳng định.

Những ngày này, 15 nhà giàn DK1 dấy lên phong trào thi đua sôi nổi “chắc tay súng, giữ vững chủ quyền - huấn luyện giỏi, an toàn tuyệt đối” chào mừng nhà giàn DK1 tròn tuổi 35. Từ "pháo đài thép" xa nhất của Tổ quốc, Thiếu tá Phạm Văn Sinh, Chính trị viên nhà giàn DK1/10 chia sẻ: “Để có được các nhà giàn vững chãi như ngày hôm nay, biết bao máu xương của thế hệ các bác, các anh đã đổ xuống. Chúng tôi nhận thức rằng, nêu cao tinh thần cảnh giác, thi đua huấn luyện giỏi, giữ vững chủ quyền là thành tích để báo công với các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Càng tự hào về nhà giàn DK1, càng quyết tâm và kiên cường bám biển”.

Gần 2 năm tuổi quân, Hạ sĩ Nguyễn Tấn Giàu đã có gần 1 năm “ăn sóng nói gió” ở nhà giàn DK1/10. Những ngày huấn luyện nắng lửa và muối mặn biển khơi, Giàu hiểu được vất vả, gian khổ của thế hệ cha anh đi trước. “Yên tâm tư tưởng, phấn đấu nỗ lực, thi đua không ngừng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tất cả mong muốn mà Giàu và đồng đội của anh đang thực hiện.

“Tôi còn thời gian ngắn nữa là tạm biệt nhà giàn để vào đất liền. Thật tự hào những ngày cùng đồng đội huấn luyện, canh gác ở đây. Vững niềm tin, chắc tay súng, canh giữ chủ quyền vững chắc là nhiệm vụ mà tôi ghi nhớ và thực hiện thật tốt. Tự hào là lính nhà giàn, tôi càng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao" - Hạ sĩ Giàu chia sẻ.

35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhà giàn DK1 đã vinh dự được đón nhận Huân chương Chiến công hạng Ba (2004); danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (2005); Huân chương Chiến công hạng Nhì (2009); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2019) và nhiều Bằng khen, danh hiệu thi đua khác.

Mai Thắng

Bình luận

ZALO