Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 03:46 GMT+7

“Mạnh tay” với vi phạm nồng độ cồn

Biên phòng - Trong vòng 1 tháng qua (từ ngày 15/1 đến ngày 14/2),  toàn quốc xảy ra 820 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 531 người, bị thương 563 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 181 vụ (18,08%), giảm 90 người chết (14,49%), giảm 90 người bị thương (13,78%).

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, việc giảm sâu cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông trong thời gian qua nhờ lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường xử phạt mạnh tay đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn. Minh chứng là trong 7 ngày Tết Quý Mão, lực lượng CSGT đã xử lý gần 22.000 trường hợp vi phạm, trong đó phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm tới 35,1% trường hợp vi phạm. Qua đó, góp làm giảm rõ rệt tai nạn giao thông và các hệ lụy do uống rượu bia như đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.

Thống kế cho thấy, uống rượu bia là tác nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua. Chỉ tính riêng năm 2022, cả nước xảy ra 350 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu bia, làm chết 214 người, bị thương 268 người.

Nghiên cứu cho thấy, với mức nồng độ cồn trong hơi thở cao hơn 0,4 mg/1 lít khí thở, tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện sẽ không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông, kéo theo nhiều vi phạm khác là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai quy định; không chấp hành tín hiệu giao thông, đi vào đường ngược chiều...

Thế nên, dư luận đồng tình với lực lượng CSGT đã mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, kiên quyết nói không với tình trạng can thiệp, “bỏ qua” khi bị xử phạt. Việc quyết liệt xử lý các vi phạm, không có ngoại lệ, không chỉ tạo ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông, mà còn hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe, chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo thượng tôn pháp luật.

Rõ ràng, hiệu quả từ việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong thời gian qua đã góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt nỗi lo mỗi khi ra đường. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao quy định, chế tài xử phạt đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia được triển khai từ lâu nhưng đến nay mới thực thi nghiêm túc và quyết liệt.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn áp dụng từ năm 2020 đến nay không thay đổi và được cho là khá cao, với người lái mô tô lên tới 8 triệu đồng, ô tô lên tới 40 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe lên tới 24 tháng. Như vậy, không phải mức phạt không đủ răn đe, mà do việc triển khai công tác xử phạt liên quan đến hành vi này chưa nghiêm minh, chưa triệt để. Đâu đó vẫn còn tồn tại tình trạng “xin xỏ”, “nhờ vả” để bỏ qua lỗi vi phạm. Cứ thế, lâu dần nhiều người bắt đầu lờn luật.

Dư luận kỳ vọng, với quyết tâm chính trị cao, ngành công an cùng các lực lượng chức năng sẽ làm chuyển biến ý thức trong toàn xã hội về đảm bảo an toàn giao thông. Để người dân không lái xe khi đã uống rượu bia không chỉ vì lo sợ bị phạt mà trên tất cả trở thành một thói quen, một hành vi văn hóa khi tham gia giao thông của mọi người.

Nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, việc xử lý nghiêm minh, kiên trì, quyết liệt đối với các hành vi vi phạm pháp luật sẽ tạo nên tinh thần thượng tôn pháp luật trong toàn xã hội, góp phần triệt tiêu vấn nạn nhũng nhiễu, tiêu cực đang làm tha hóa một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền. Qua đó, củng cố, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh và phát triển.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO