Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:06 GMT+7

Mẫu Sơn ngày sương giá

Biên phòng - Sắp xếp mãi rồi tôi cũng lên đường đi Lạng Sơn theo lời mời của Đồn Biên phòng Ba Sơn dự Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”. Thật không may, thời tiết đang nắng ấm, trời bỗng đỏng đảnh gái già, đúng ngày lên đường thì trở chứng, chuyển lạnh.

Tại Chương trình "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản", Đồn Biên phòng Ba Sơn tổ chức "Gian hàng 0 đồng" là các nhu yếu phẩm thiết yếu hàng ngày để phục vụ bà con, qua đó, tạo điều kiện cho người dân vui xuân, đón Tết được đầm ấm hơn. Ảnh: Võ Việt

Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” là chương trình thường niên của BĐBP mỗi độ Tết đến, Xuân về. Trong chương trình thường có hai phần. Phần lễ, trao tặng quà cho các gia đình khó khăn và các cháu học sinh đạt kết quả tốt. Phần hội, các trò chơi kéo co, thi gói bánh chưng, gian hàng 0 đồng, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân trong khu vực quản lý. Năm nay, tổ chức “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” của Đồn Biên phòng Ba Sơn, ngoài kinh phí quyên góp của cán bộ, chiến sĩ, đồn kêu gọi được hàng chục doanh nghiệp chung tay. Ngoài các doanh nghiệp ở Lạng Sơn, có mấy doanh nghiệp từ Ninh Bình, Hà Nội cùng tham gia.

Tranh thủ lúc ăn cơm, Trung tá, Đồn trưởng Đặng Hùng Cường thông tin.

- Mấy hôm nay, nhiệt độ xuống thấp. Trên Mẫu Sơn đã xuống âm 1,1 độ. Ngày mai có băng giá, sẽ có nhiều người lên “săn” tuyết.

Không chờ đồn trưởng dự báo, trên đường lên Cao Lộc, tôi gặp nhiều xe ô tô, xe máy của các gia đình, nhất là cánh thanh niên, sinh viên rủ nhau đi “săn” tuyết trên Mẫu Sơn. Mẫu Sơn mấy khi có tuyết, chẳng qua là do lạnh, những lớp hơi nước mỏng bám trên cây, tạo nên lớp băng trắng, mấy công ty du lịch nắm được thông tin thời tiết, PR, “đánh” vào tính tò mò, hiếu lạ, tổ chức tour “săn tuyết Mẫu Sơn” thu hút cánh thanh niên thích mạo hiểm, ưa cái mới. Với lính Biên phòng, chuyện thời tiết trở chứng như thế này trên biên giới là “chuyện thường ngày” mùa đông, chiều tối gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ đang từ 20 độ C, đêm xuống âm độ. Các công ty du lịch “nói quá” với du khách có tuyết, nhưng không sao. Dẫu chỉ là băng giá, có du khách lên du lịch, chẳng gì cũng góp một phần giúp người dân vùng đất biên viễn có thêm việc làm, có thêm thu nhập và vùng đất cũng đỡ quạnh hưu. Và dẫu gì, cũng để những người phía dưới xuôi hiểu được phần nào cuộc sống của đồng bào nơi này.

Ngồi trao đổi với Trung tá, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn Hoàng Trung Hiếu, nhìn anh, dáng thư sinh, da trắng, nói năng nhỏ nhẹ, nếu không đeo quân hàm quân hiệu, chắc tôi và những ai mới gặp anh lần đầu chả mấy ai nghĩ anh là lính biên phòng. Hiếu người dân tộc Tày, quê Quốc Khánh, Tràng Định, Lạng Sơn. Tuy người trong tỉnh nhưng từ Đồn Biên phòng Ba Sơn về nhà cũng là cả quãng đường dài hơn trăm kilomet. Trung tá Hiếu về Đồn Ba Sơn công tác được 3 năm. Có lẽ là người con xứ Lạng, vùng đất của quế, của hồi, cả cuộc đời gắn bó với miền biên giới nên Trung tá Hiếu không cần sổ sách, nói vanh vách về địa bàn đồn quản lý.

Đồn Biên phòng Ba Sơn quản lý chính diện 41,587km đường biên với 3 xã biên giới Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn, có 25 thôn bản, trên 3.000 hộ và trên 10.000 khẩu. Biên giới đồn quản lý có 57 mốc, trong đó có 47 mốc chính và 12 mốc phụ. Đoạn biên giới đồn quản lý không chỉ dài nhất mà còn khó khăn nhất của tỉnh Lạng Sơn. Khu vực đồn quản lý chưa có đường tuần tra, thời tiết, khí hậu khó khăn, nắng cũng không đâu bằng, lạnh cũng chẳng kém ai. Theo kế hoạch bảo vệ biên giới, mỗi tháng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Sơn phải thực hiện tuần tra khép kín, còn gọi là tuần tra thông tuyến, từ điểm tiếp giáp biên giới của đồn bên phải với điểm tiếp giáp của đồn bên trái. Nghĩa là, phải đi tuần có chiều dài bằng đoạn biên giới quản lý 41,578km, đấy là chưa kể các đoạn từ đường tuần tra lên kiểm tra các mốc giới. Để có thể thực hiện được kế hoạch, cán bộ, chiến sĩ phải cắt rừng, leo núi, men suối rồi từ đó, cắt góc phương vị để kiểm tra cột mốc. Mỗi chuyến tuần tra khép kín như thế, tròm trèm cũng phải vài ba ngày cho đến cả tuần.

Thời gian tôi còn công tác ở đồn Biên phòng, mỗi khi đi tuần thông tuyến, cán bộ, chiến sĩ đội tuần tra đều phải mang theo gạo, muối để nấu ăn, còn rau xanh, vào rừng hái, chủ yếu là măng. Nhiều lần, trên đường tuần tra, gặp mưa lũ, thời gian kéo dài, lương thực, thực phẩm hết phải tìm đường vào bản. Ngày ấy, trên cửa nhà của đồng bào thường treo hai tuýp đan bằng nứa. Mỗi tuýp to bằng cái bát, có nắp đậy trên, bên trong có xôi. Khi lấy tuýp xôi ăn, nhớ không được ăn hết, để lại trong tuýp một ít xôi, to bằng hạt ngô hay đầu ngón tay cũng được. Ấy là phong tục, quan niệm của đồng bào, chút xôi để lại trong tuýp là để giống cho mùa sau. Sau này khi đi tìm hiểu, tại sao cửa nhà đồng bào thường treo tuýp xôi như thế? Đồng bào đi làm nương xa, khách đến chơi, chủ chưa kịp về, đói có cái ăn tạm lót dạ. Phần, cũng là cách để ai đó có việc lên nương vào rừng, nhỡ độ đường, có tìm đến bản trông nhờ qua bữa có cái lót dạ. Nhờ thế, có mấy chuyến tuần tra dính mưa lũ, lương thực, thực phẩm mang theo không còn nhưng đội tuần tra chúng tôi vẫn không bị đói.

Nghe Chính trị viên trò chuyện, mấy nhà văn chưa có thời gian dài ở trên biên giới xem ra có chút ngỡ ngàng. Trên vùng núi đá, biên viễn, thường mùa hạ thì lo nhất mưa, các cụ xưa có câu “mưa rừng, bão biển”; về mùa đông, giá lạnh, đến lá cây cũng quăn lại như sâu đóng tổ, đóng kén. Giá lạnh ở biên viễn không chỉ rét mà buốt, như kim chích vào da. Không ít phiên đi tuần tra, giá rét làm cho da chân, da tay phát cước, căng lên như phù thũng. Ai đã ở rừng, chỉ cần thấy mưa đã phải tìm chỗ cao nhất để tránh lũ ống, lũ quét. Nghe tiếng mưa rơi rào rào, có khi đường bị cắt, cô lập, phải chờ nước rút mới có thể trở lại đơn vị. Mùa đông, đường tuần tra dài, sương nặng, mặc nhiều áo thì vướng, khó vận động khi có tình huống, mặc ít áo thì lạnh, chân tay bị cước cũng khó xử lý lúc tác chiến cũng như lội suối, băng rừng, leo núi. Lúc lên đồn, ngồi trên xe, thấy có nhiều xe mang biển các tỉnh dưới xuôi đưa người lên “săn” tuyết, nhớ lại một thời “trận mạc”, mặc dù thấy vui, nhưng lòng tôi lại thương cán bộ, chiến sĩ nhiều hơn. Vào những ngày như thế này, nhà nhà cửa đóng then cài, người người giấu mình trong chăn đệm, còn người lính nơi đây, người ta chạy vào, các anh chạy ra, lặng lẽ trên đường tuần tra, xuyên núi, băng rừng, lần theo con suối cạn mà đi, dầm mình trong giá buốt mà làm hay cùng bà con các dân tộc tìm cách che chắn, ủ ấm cho vật nuôi, cây trồng. Câu nói: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” không chỉ là câu khẩu ngữ mà là phương châm sống của mỗi người lính Biên phòng.

Vì dồn thời gian cho “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, Đồn trưởng Đặng Hùng Cường hẹn xong chương trình sẽ đưa đi lên mốc 1211. Đặng Hùng Cường quê phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, nguyên Trợ lý tác chiến của Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn. Đặng Hùng Cường có dáng thấp, đậm, giọng nói khúc triết, rành rõ. Đặng Hùng Cường nhận Đồn trưởng được 3 năm. Tranh thủ trước khi vào lễ hội “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, Đặng Hùng Cường nói vắn tắt mấy nét chính về mô hình trà hoa vàng ở xã Mẫu Sơn.

- Chương trình trà hoa vàng đồn triển khai vào dịp kỷ niệm truyền thống BĐBP ngày 3/3/2021 khi dịch Covid-19 đã tạm thời được khống chế. Ngoài kinh phí quyên góp từ cán bộ, chiến sĩ, đồn kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm được 250 triệu đồng về Tam Đảo mua 8.800 cây trà hoa vàng giao cho 88 hộ xã Mẫu Sơn chăm sóc. Để cây có thể phát triển, đồn kết hợp với huyện, mở lớp tập huấn kỹ thuật, tổ chức đưa tham quan mô hình trồng trà hoa vàng để học tập, rút kinh nghiệm.

Không phải chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cuộc sống của đồng bào xã Mẫu Sơn cũng luôn là nỗi niềm đau đáu của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc có 92 hộ, 500 khẩu, 70% hộ nghèo. Làm gì để giúp dân thoát nghèo luôn là bài toán cán bộ, chiến sĩ và chính quyền từ xã đến huyện tìm giải pháp. Việc các nhà doanh nghiệp, các nhà hảo tâm làm thiện nguyện, giúp đỡ bà con cũng chỉ là cách cho con cá, giải quyết, tháo gỡ khó khăn trước mắt. Cái cần nhất phải cho bà con dân tộc cần câu, để bà con tự giải quyết được phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững đấy mới là kế lâu dài. Việc làm cho đồng bào thoát nghèo, phát triển kinh tế cũng là sự kế thừa tư tưởng khi xưa của vua Lê Thái Tổ: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”. Trong muôn vàn kế sách giữ yên bờ cõi, giữ vững chủ quyền, làm cho đồng bào thoát nghèo, có của ăn của để, có lẽ cũng là một trong những quốc sách dài lâu.

Sau khi khảo sát nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu, Đồn Biên phòng Ba Sơn thống nhất lãnh đạo xã. Mặc dù chưa biết thành quả ra sao, cán bộ, chiến sĩ đồn tâm niệm: Thử làm và làm hỏng còn hơn không làm. Đồn báo cáo huyện, tỉnh và xây dựng quyết tâm “làm thử”.

- Giai đoạn một khảo sát, trao cây đã xong, còn hai giai đoạn chăm sóc, bao tiêu nữa lúc đó mới nói được kết quả. Bây giờ, cây trà hoa vàng đã bén rễ, phát triển, dân ủng hộ. Thế là mừng rồi. Đồn trưởng Đặng Hùng Cường tâm sự.

Nghe nỗi niềm tâm sự của Đồn trưởng, tôi hiểu. Từ chủ trương phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều dự án “nuôi con gì, trồng cây gì” đã được triển khai. Tuy nhiên, thường ban đầu “trống giong cờ mở”, sau đó, việc triển khai các hoạt động bảo đảm cứ “teo” dần. Có không ít dự án, khi thu hoạch, không có nơi bao tiêu, dân đầu tư, không thu được vốn, thế là chặt hạ. Các dự án không đạt kết quả hậu quả để lại rất lớn, đó là mất niềm tin. Dự án đầu tiên triển khai không có kết quả, sau này, nếu có triển khai dự án khác, khó mà quy được sự đồng thuận của người dân. Dẫu hiện tại, dự án phát triển kinh tế từ trà hoa vàng mới ở giai đoạn một, cây trà mới bén rễ, nhưng đã có doanh nghiệp nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu được. Tín hiệu vui về sự đồng thuận “ba nhà” trong sản xuất hàng hóa là sản phẩm nông lâm nghiệp đã hình thành thực tế chứ không chỉ nằm trên giấy.

Sau buổi sáng tổ chức Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” trời lất phất mưa bay, sang quá trưa, trời hửng nắng. Để lên mốc 1211, Đồn trưởng gọi điện mượn xe của dân để đưa lên. Trước khi đi lên mốc 1211, Đồn trưởng nói ngắn gọn.

- Đường lên mốc trên đỉnh núi cao, có độ dốc gắt, không khí tương đối loãng. Đường đi sẽ qua nhiều khúc cua gấp tay áo. Trên đường lên mốc, cắt qua rừng nguyên sinh, khu vực đá thạch anh trắng, cây di sản Việt Nam 400-500 năm tuổi, khu vực có cây chè di sản móng rồng to nhất nước, cao 20m, chu vi thân cây 2,08m sau đó mới đến đường kiểm tra lên mốc 1211. Từ đây lên mốc leo 1.560 bậc với dốc đứng 70 độ.

Quân y BĐBP Lạng Sơn khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con tại chương trình. Ảnh: Võ Việt

Đúng như Đồn trưởng Đặng Hùng Cường thông báo. Đến đập Ba Sơn chiếc xe bán tải đã chờ sẵn. Đường lên một bên là núi, vách dựng đứng, một bên là vực, thăm thẳm, hút tầm mắt. Dốc, dốc rồi lại dốc. Cua, cua rồi lại cua, toàn cua gấp tay áo. Lái xe Nông Văn Sắn, thanh niên địa phương được đồn trưng dụng. Chiếc bán tải hiệu CHEVROLET 2.8 dường như lúc nào cũng phải rướn lên, gồng mình trườn qua các rãnh, mô đá nhấp nhô nổi u, nổi cục. Có nhiều đoạn cua gấp, xe phải tiến lên lùi xuống hai, ba đỏ mới vượt được. Mỗi lần như thế, dù đã quen với đường dốc biên giới mấy chục năm tôi vẫn không dám nhìn ra ngoài. Mỗi lần vào cua gấp, lùi xuống tiến lên mở góc, nếu như đường trơn hoặc lùi quá một chút thì... nên không dám nghĩ thêm.

Rồi 5km đường xe lắc như cây gặp bão, người đảo như rang lạc cũng hết. Xe dừng lại khoảng đất anh em đã san để làm chỗ nghỉ chân, quay đầu xe. Theo Đồn trưởng Đặng Hùng Cường, chỗ này sẽ là nơi dừng chân cho du khách nghỉ trước khi leo núi lên mốc. Tới đây sẽ dựng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ qua các cuộc vệ quốc và cho trồng hai cây sa mu, giống cây đặc trưng của vùng núi phía Bắc. Từ bãi nghỉ, ngửa mặt nhìn lên, chân người trước như đặt lên vai người sau. Tôi nhớ những câu thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng: “Đường lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Lên mốc có Lê Văn Đô, Giám đốc Công ty Thái Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn đi cùng, cũng là công ty tài trợ, thi công đường kiểm tra mốc 1211. Được biết, Công ty Thái Sơn cũng đã đầu tư làm đường kiểm tra lên các mốc 1212 và 1213. Lê Văn Đô năm nay trên dưới 40 tuổi một chút. Đô có điệu cười rất vang. Lê Văn Đô tâm sự:

- Em nói để bác biết, bác đừng viết làm gì. Công ty em làm con đường này, nghĩ đến cùng, nó cũng là cái duyên của đời doanh nghiệp với vùng đất biên viễn.

Theo Lê Văn Đô, để có được con đường mấy trăm mét như thế này, công ty đã chi trên 200 triệu. Làm kinh doanh, nếu tính toán kinh tế thì chắc chắn, không mấy ai muốn làm. Dốc đứng, núi cao, rừng rậm, chỉ leo dốc đã đủ thấy “ông bà ông vải”, đằng này còn triển khai máy móc, nguyên vật liệu, chắc tốn không ít tiền công, sức. Ngay bản thân Lê Văn Đô, Giám đốc đã lên đây năm lần bảy lượt khảo sát.- Đường kiểm tra cột mốc 1211 được thiết kế lượn theo hình chữ S - Lê Văn Đô thông tin - Biết làm thế sẽ tốn nguyên vật liệu và công, kinh phí, nhưng cái được thì rất lớn. Phần để giảm độ dốc, phần giữ nguyên vẹn các cây dược liệu quý, cây di sản và khu đá thạch anh trắng. Kinh phí tốn kém có thể làm ra nhưng những cái này mất đi, chắc chẳng có tiền nào mua lại được. Công ty bàn với đồn Biên phòng, xây dựng đường lên kiểm tra mốc 1211 không chỉ để phục vụ hoạt động kiểm tra mốc giới mà phải làm đẹp nhất Lạng Sơn, thu hút được người các nơi về đây tham quan du lịch và thấy trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền. Vì thế nó phải là hình ảnh thu nhỏ Việt Nam nơi đây. Nói thế rồi Lê Văn Đô cười rổn rảng.

Lần theo con đường 1.560 bậc bê tông, rộng khoảng 70cm chúng tôi leo lên. Con đường có hình Tổ quốc lượn qua khu rừng già, rừng trúc, thỉnh thoảng lại có những cây to cả người ôm, vỏ mốc sần sùi ở bên. Leo được quãng 200m dốc, có một viên đá thạch anh trắng. Viên đá thạch anh rất to, có một mặt phẳng hướng xuống dưới dốc, dựa vào một gốc cây to đã chết ngay bên vực. Cạnh thân cây chết, có một thân cây khác cỡ bắp chân mọc lên thay cây chết, đỡ tảng đá. Bên trong hốc đá thạch anh có tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, cao 61cm, rộng 41cm, nặng 100kg bằng đá xanh Ninh Bình. Tượng này do Đồn Biên phòng Ba Sơn và Công ty Thái Sơn đặt thợ Ninh Bình chế tác rồi đưa lên. Đây cũng là điểm dừng chân nghỉ tạm, nơi gửi gắm tâm nguyện cháu con với ông bà, tổ tiên đã hiến dâng cho dải đất đang sống.

Đường lên kiểm tra cột mốc hết dốc đến gió. Phải đúng ngày Mẫu Sơn nhiệt độ xuống âm 1 độ C càng buốt. Gió, gió và gió. Gió ràn rạt. Leo được khoảng chục bậc bê tông tôi phải dừng lấy sức. Quay mặt xuống dưới, gió thốc vào cổ, vào tay như kiến cắn, ong đốt, kim châm. Cứ thế, lần từng bậc mà lên, tay chống gối dấn bước. Lên đến đỉnh núi, nơi đặt cột mốc, gió cuồn cuộn táp vào mặt, ngấm qua áo, thấm vào da. Nhìn về Núi Cha, sương giá phủ trắng xóa.

Trời đổ chiều, sương đã giăng mờ lối xuống. Để bảo đảm an toàn cũng còn thời gian kịp thăm cây di sản, cây chè móng rồng, mọi người vội xuống núi. Gió ràn rạt đi theo vờn trên mái tóc, sương trắng bập bềnh ngang lưng, giá lạnh dừng chân theo mỗi bước xuống bậc bê tông. Thấy động, phía rừng, có tiếng chim giật mình vỗ cánh, tiếng lạo xạo của bày lợn rừng trốn chạy.

Về lại đập Ba Sơn, nhìn lên phía cột mốc 1211, màu xanh thăm thẳm của núi nhập nhòa trong sương trắng. Thoảng đâu đây hương hồi, hương quế từ các nhà trong bản phảng phất thơm. Một màu xanh bình yên và ấm áp. Một màu xanh thăm thẳm của dải biên thùy, miền biên viễn xa xứ Lạng những ngày sương giá.

Bút ký: Phạm Thanh Khương

Bình luận

ZALO