Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:23 GMT+7

Mẹ, chị ở Trường Sa

Biên phòng - Một chiến sĩ Hải quân đeo quân hàm Trung sĩ ở đảo Cô Lin (Trường Sa) hỏi tôi: “Ngoài tàu 652 có nhiều ca sĩ như ca sĩ Anh Đào không hả chú?”. Thì ra, đã 36 năm rồi, nhưng lính trẻ Trường Sa hôm nay vẫn luôn nhắc đến ca sĩ Anh Đào. Nhiều chiến sĩ khác chia sẻ, cứ nhìn các cô trong đoàn công tác ra thăm đảo thì vơi bớt nỗi nhớ mẹ ở đất liền.

Nữ ca sĩ Anh Đào với tấm ảnh nổi tiếng ở đảo Trường Sa năm 1988. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Mờ sáng ngày 10/5/2024, tàu 561 mang tên Khánh Hòa - 01 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân hụ một hồi còi dài báo hiệu thả neo cách xã đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) khoảng 1 hải lý. Nhiều chị em trên tàu ra boong vẫy tay chào hòn đảo xanh rì bóng cây. Các chị em phụ nữ như: Hồ Nữ Trà Giang, Giang Thị Thu Nga, Trần Thị Minh, Nguyễn Thị Thanh Xuân... đã bừng tỉnh cơn say sóng khi đảo hiện ra trước mắt.

Trong đoàn công tác số 17 có một số nữ ca sĩ ở Đoàn nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Sau những ngày xuôi ngược trên biển mệt lả người, nhưng khi bước chân lên đảo, chương trình văn nghệ phục vụ chiến sĩ Hải quân lại được tổ chức hết sức nhộn nhịp. Các nữ ca sĩ trẻ xuất hiện khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh nữ ca sĩ Anh Đào đã đặt chân lên quần đảo Trường Sa vào năm 1988. Năm đó, ca sĩ Anh Đào vừa hát, vừa khóc vì thương lính đảo.

Tình cảm dạt dào của nữ ca sĩ Anh Đào đã truyền lại cảm hứng cho thế hệ các nữ ca sĩ hôm nay, một lần trong đời được hát tại quần đảo Trường Sa là niềm tự hào. Ca sĩ Anh Đào năm nay đã 66 tuổi, thỉnh thoảng bà vẫn xuất hiện trên báo chí để chia sẻ cảm xúc, nói về bối cảnh ngồi vá áo cho các chiến sĩ trên chiếc pông tông, cạnh ngôi nhà cao chân, cùng các ca sĩ ôm cây đàn ghi ta ngồi trên tháp pháo xe tăng trên đảo, rồi bao lần rơi nước mắt khóc với lính đảo khi mới hát bài “Gần lắm Trường Sa” mới được một nửa.

Sáng ngày 10/5, từng chuyến ca nô chở hàng, quà tặng từ tàu 561 vào đảo, sau đó là đến lượt chở chị em phụ nữ. Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Đồng Nai; chị Đoàn Thị Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đồng Nai và nhiều chị em phụ nữ từ ca nô chưa cập vào cầu cảng xã đảo Sinh Tồn, những người lính trẻ trên đảo đã thốt lên: “Trông giống như mẹ của mình ra thăm đảo”.

Các nữ ca sĩ trong đoàn công tác số 17 và lính trẻ cùng nhau ca hát. Ảnh: Lê Văn Chương

Trung sĩ Nguyễn Quốc Trường, quê ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, là chiến sĩ xạ thủ 12,7mm không rời mắt khỏi chiếc ca nô đang cập vào bờ. Trường và người bạn của mình xúc động kể: “Từ đất liền được điều động ra huyện đảo Trường Sa công tác, xa nhà, ai cũng nhớ về mẹ của mình”. Trường tâm sự, trên đảo Sinh Tồn có các hộ dân, chị em phụ nữ trong xóm thường tham gia với bộ đội quét dọn vệ sinh, giao lưu văn nghệ, các chị giống như mẹ của mình ở nhà vậy.

Hơn 35 năm về trước, nữ ca sĩ Anh Đào - diễn viên Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng khi đi cùng đoàn công tác của tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) ra thăm lính đảo, bao giờ cô cũng cất cao giọng để hát bài “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long. Những lần trở lại thăm các chiến sĩ trên đảo vào năm 2000, 2004 và 2012, lính đảo lại chia sẻ, muốn bà hát lại bài hát từng vừa hát, vừa khóc năm đó. Còn bây giờ, những ca sĩ thế hệ trẻ ra Trường Sa thường hát các bài: Hào khí Trường Sa, Tổ quốc gọi tên mình, Bâng khuâng Trường Sa, Khúc quân ca Trường Sa... Có lẽ, ký ức chờ mưa, thiếu rau... được viết trong những bài hát giờ đây đã lùi dần nên những bài hát về Trường Sa bây giờ chỉ còn lắng đọng, khơi dậy mọi người hãy hướng về biển, đảo.

Đoàn công tác số 17 ra thăm các đảo, anh em chiến sĩ kể lại khá nhiều câu chuyện về các cô trong Đoàn đại biểu Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam do Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền làm trưởng đoàn công tác số 16 vừa rời đảo. Trong đoàn công tác này có 20 phụ nữ đến từ các tỉnh, thành: Yên Bái, Quảng Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Kon Tum, Bắc Giang, Cao Bằng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Tuyên Quang và Bắc Kạn. Vì vậy, sản vật của các vùng miền được các cô mang ra tặng rất đa dạng.

Chị em phụ nữ luôn thể hiện vai trò hướng về huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 thân yêu. Đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai đã huy động được hơn 5 tỷ đồng để xây dựng khu vui chơi, văn hóa, thể thao cho quân dân trên đảo. Đoàn cũng đã tặng nhiều phần quà trị giá hơn 300 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn DK 1. Đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vận động được hơn 1,1 tỷ đồng (trong đó, có hơn 800 triệu đồng tiền mặt) để xây dựng 3 vườn rau và hỗ trợ Chương trình "Xanh hóa Trường Sa".

Chị em phụ nữ ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 dường như không có khoảng lặng, sau tiếng nói cười là đến chương trình ca nhạc. Tại đảo Đá Đông A, sân khấu được căng tấm phông vải màu xanh, viền kim tuyến, tấm bảng nhỏ màu vàng dán ảnh cây đàn ghi ta và dòng chữ "Giao lưu văn nghệ". Xã đảo Sinh Tồn là địa phương có cư dân sinh sống, vì vậy, chương trình văn nghệ có sự góp mặt của chị em phụ nữ nhộn nhịp nhất. Chị Lê Thị Kim Thi, Trần Thị Thu Huyền, Huỳnh Thị Kim Ánh là những cư dân sống ở xã đảo Sinh Tồn tham gia văn nghệ với chiếc nón bài thơ.

Chị Hồ Nữ Trà Giang, cán bộ Học viên Hàng không cho biết: “Em ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, rất xúc động vì nơi đâu cũng thấy dấu ấn của sự chung tay của cả nước hướng về ủng hộ, xây dựng Trường Sa thân yêu”. Đi qua các hòn đảo, nơi nào cũng thấy có bảng của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ xây dựng các công trình vườn rau, nhà ở, hệ thống năng lượng mặt trời, là dấu ấn của Chương trình "Góp đá xây Trường Sa".

Chương trình "Góp đá xây Trường Sa" xuất phát từ nghĩa cử nhỏ của nữ sinh viên Nguyễn Phan Hà Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2011, cô sinh viên này đã mang một nắm đất ra đảo với ý nghĩa tượng trưng góp đất, đá xây dựng đảo. Hình ảnh này sau đó đã lan rộng cả nước bằng những con tàu chở hàng hóa, vật liệu xây dựng ra đảo.

Trước khi rời các đảo, những người lính trẻ đã nhận được những cái ôm ấm áp của các cô, các chị trong đoàn công tác. Khi vẫy tay chào tạm biệt và cùng hát Liên khúc Trường Sa, nhiều người lính trẻ đã thốt lên: “Tạm biệt các cô, bao giờ thì các cô lại trở ra thăm lính đảo!”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO