Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 05:31 GMT+7

Miền biên giới gian lao mà anh dũng

Biên phòng - Trong chuyến công tác về với miền đất Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” cuối năm ngoái, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP nói với tôi rằng, miền đất Long An này là nơi kết tinh hiện thực sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tấm lòng kiên trung, nồng hậu của nhân dân Long An trong 2 cuộc kháng chiến trở thành đề tài hấp dẫn kỳ lạ đối với văn nghệ sĩ cách mạng. Và 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc” được kết tinh bằng xương máu, công sức, trí tuệ bao người.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây, BĐBP Long An chào cột mốc 191 tại địa bàn xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ. Ảnh: Phạm Vân

Long An có trên 30 ngàn liệt sĩ, khoảng 12 ngàn thương, bệnh binh; trên 26 ngàn người có công với cách mạng, hơn 5 ngàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...; 209 đơn vị, cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trên 10 ngàn người được tặng Kỷ niệm chương tù đày và huân, huy chương kháng chiến các loại..., cùng hàng vạn gia đình đã thầm lặng hy sinh cho cách mạng.

Ngược thời gian về lại những năm đầu thế kỷ 17, khi ấy, nơi đây vẫn còn hoang vu những đầm cỏ bàng, những rừng dừa nước. Dần dà, những người dân từ Bến Nghé, Gia Định, Đồng Nai... theo hành trình khai khẩn đất đai đã lập làng, lập trại ở mé Cần Đước, Cần Giuộc hiện nay. Số khác từ cửa biển ngược theo cửa Soài Rạp vào sâu trong thượng lưu của dòng Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, dựng nhà trên các giồng đất cao được sông vun bồi qua năm tháng. Từ đầu thế kỷ 19, Long An đã trở thành vùng đất chuyển tiếp giữa vùng đất cao Đông Nam Bộ và vùng trũng châu thổ sông Cửu Long, nằm áp sát phía Tây và Nam của Sài Gòn - Gia Định và giáp với nước bạn Campuchia.

Cùng với sự phát triển của miền Tây Nam Bộ, Long An dần trở thành một địa bàn có vị trị chiến lược đặc biệt quan trọng. Nhất là trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, miền đất Long An là nơi chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt. Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào vũ trang kháng chiến chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19 tại Long An đã vang danh cả nước. Tiếp đến 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Chợ Lớn - Tân An với biết bao đau thương, mất mát, song không vì thế mà lòng dân hoang mang rời xa cách mạng, rời xa lý tưởng giải phóng dân tộc. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, toàn dân đánh giặc, nhà nhà xung phong, nơi nơi thi đua đạt các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”.

Suốt mấy mươi năm, bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng xã chiến đấu và các vành đai diệt Mỹ, quân dân Long An đã kiên cường bám trụ, bảo đảm nhiệm vụ phục vụ chiến trường và giữ vững hành lang chiến lược. Thật khó kể kết đã có bao mũi giáp công linh hoạt và sáng tạo trong đánh địch, có bao dân quân, thiếu niên đã đánh cắp vũ khí của quân địch, chế tạo mìn, đạn pháo để tiêu diệt xe tăng, máy bay địch. Hàng ngàn gia đình đào hầm nuôi giấu cán bộ, ngày đấu tranh chính trị, ngăn chặn các trận càn. Những đội du kích ngày sản xuất, đêm rào làng kháng chiến, đánh địch bằng mọi cách như: dùng ong vò vẽ, bàn chông đinh, đạp lôi, trận địa giả...

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Long An hợp nhất với tỉnh Kiến Tường và hai quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Hậu Nghĩa để trở thành tỉnh Long An ngày nay. Tới năm 1978, Khmer Ðỏ dùng lực lượng xâm lấn biên giới, có nơi thọc sâu vào lãnh thổ đất nước ta, nhổ cột mốc, tung dư luận sẽ lấy lại 6 tỉnh Nam Bộ... Một lần nữa, quân dân Long An lại đoàn kết, hợp lực chiến đấu, tiến công đẩy địch ra khỏi biên giới. Các trận địa pháo dọc biên giới, các đồn Biên phòng cùng nhân dân biên khu đã lập thành hàng rào thép ngăn chặn kẻ thù.

Bước vào giai đoạn mới, thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 ký năm 2005 của hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia, đường biên giới quốc gia chạy trên địa bàn tỉnh dự kiến dài 134km, trong đó có 43,6km đường biên giới theo sông rạch, giáp với hai tỉnh Svây Riêng và Prây Veng của nước bạn. Khu vực biên giới của tỉnh gồm 20 xã của 5 huyện, thị xã là Đức Huệ, Kiến Tường, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và Tân Hưng. Hầu hết cột mốc trên địa bàn là mốc C, chỉ có 2 mốc A đặt tại cửa khẩu quốc gia Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ.

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này, từ năm 2008 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và các lực lượng chức năng của Long An đã tập trung thực hiện tốt công tác phân giới cắm mốc biên giới. Là “tuyến lửa” trong kháng chiến cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, nơi đây tồn dư nhiều bom mìn lẫn trong đất đá. Chỉ trong năm đầu tiên tiến hành khảo sát, lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã rà phá bom mìn 161,22ha, thu được 799 quả đạn pháo, bom mìn các loại và tiếp tục rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ phân giới cắm mốc 158,58ha thi công còn lại.

Kể từ ngày 4/11/2008, cột mốc số 230-1 và cột mốc 230-2 là mốc quốc giới đầu tiên trên tuyến biên giới này được khởi công xây dựng tại xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng và xã Cham, huyện Compung Trobéc, tỉnh Prây Veng. Đến nay, Long An đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc 54 vị trí gồm 60 cột mốc chính và 61 vị trí gồm 85 cột mốc phụ. Ngoài ra, tỉnh đã tiếp nhận quản lý 11 vị trí gồm 25 cột mốc phụ do phía tỉnh Đồng Tháp bàn giao.

Tuy địa hình, địa vật không quá khó khăn như các tỉnh bạn, song công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Long An - Svay Riêng/Prây Veng cũng gặp không ít trở ngại. Mà trở ngại lớn nhất là các đảng phái đối lập ở Campuchia gây cản trở, trì hoãn tiến trình phân giới cắm mốc. Điển hình như vụ việc ngày 25/10/2009, ông Sam Rainsy, Chủ tịch Đảng Sam Rainsy (SRP) của Campuchia đã tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An và tỉnh Svay Riêng, nhổ 6 cọc dấu tạm thời xác định vị trí mốc 185 mang về Phnôm Pênh, gây cản trở việc triển khai các bước đo đạc xác định cụm mốc từ mốc 184 đến 188. Các năm sau đó, nhiều vị trí mốc khác như mốc 207, 208, 228 cũng bị phía Campuchia chưa thống nhất xác định, khiến tiến độ bị đình trệ.

Theo "Tiếng loa Biên phòng" của Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, chúng tôi đến với vùng đất biên cương có một cuộc thi nhan sắc độc đáo, có một không hai “Phụ nữ biên giới duyên dáng”. Những phụ nữ đảm việc, đẹp người của xã Mỹ Quý Tây (Việt Nam) và xã Som Rông (Campuchia) đã cùng nhau thi tài trong sự cổ vũ nhiệt thành của nhân dân biên giới. Dẫu các phần thi còn nhiều lúng túng, nhiều tình huống “đặc biệt” chưa từng xảy ra trong bất cứ cuộc thi nhan sắc nào của thế giới, nhưng đã mang đến nhiều niềm vui giản dị cho bà con, đồng thời chứng minh một điều rằng, nhân dân hai xã vùng biên này đã gắn bó với nhau qua bao năm tháng.

Để có được niềm vui giản dị đó cũng là một quá trình bền bỉ trong công tác tuyên truyền về phân giới cắm mốc cho bà con nơi đây. Chính quyền hai xã đã hết sức nỗ lực để người dân hiểu được ý nghĩa của công tác này, nhiệt tình hợp tác với cơ quan chức năng trong việc xác định lại đường biên, mốc giới trên phần ruộng vườn của mình. Xã trưởng Sóc-sà-rô của xã Som Rông cho biết, ông hết sức tin tưởng vào công tác phân giới cắm mốc, bởi những năm chiến tranh, bộ đội nhà Phật đã giúp đỡ nhân dân xã Som Rông tránh được nạn diệt chủng của Khmer đỏ, nên ông nghĩ những con người thân thiện, tốt lành như thế sẽ không dùng thủ đoạn để lấy đi đất của quê hương ông. Ngay sau khi đường biên, mốc giới đã phân định rõ ràng, năm 2013, Bộ Tư lệnh BÐBP đã lựa chọn Mỹ Quý‎ Tây và Som Rông là cặp kết nghĩa thí điểm trước khi nhân rộng tại 10 tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia.

Tuy nhiên, hiện, trên địa bàn biên giới của tỉnh Long An còn một số hộ dân do lịch sử để lại có đất canh tác vượt qua đường biên giới. Do đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Long An đã chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, gần gũi, kịp thời giúp đỡ nhân dân, qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con. Đơn cử như, tại địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Thạnh Trị, một số hộ dân có đất canh tác vượt qua đường biên giới từ khu vực mốc 201.2 đến 202.2 tại ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã thường xuyên đến các gia đình vận động không tiếp tục canh tác trên diện tích đất vượt quá đường biên giới đã được bàn giao cho phía Campuchia.

Là một trong số những người dân trong diện này, ông Đào Văn Thức, ấp Bình Bắc chia sẻ: “Gia đình tôi có diện tích đất sản xuất nằm vượt quá đường biên. Thời gian đầu, tôi rất hoang mang khi biết Nhà nước sẽ thu hồi diện tích đất này. Tuy nhiên, sau khi hiểu về ý nghĩa của công tác quản lý đường biên, cột mốc, chúng tôi đều đồng tình ủng hộ các chủ trương của Đảng và Nhà nước để góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Gia đình tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền sớm có chính sách hỗ trợ cho những hộ dân có phần diện tích đất vượt quá đường biên sớm ổn định cuộc sống”.

Điều ông Thức cùng các hộ dân mong mỏi cũng đã được Bộ Tư lệnh BĐBP hết sức lưu tâm. Trong một phiên họp tham mưu chính sách đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP đã khảng khái phát biểu: “Tính chất đất đai biên giới là xương máu, là mồ hôi, nước mắt của nhân dân qua bao thế hệ khai hoang lập ấp, vượt khí hậu khắc nghiệt, đất đai cỗi cằn và cả bom đạn tàn dư sau chiến tranh để định canh, định cư gần biên giới, bảo vệ đất đai cha ông, nên không thể quy kết giống tính chất của đất đai trong nội địa, cần phải đền bù thỏa đáng”.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO