Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 05:23 GMT+7

Miền đất hạnh phúc bên Sơn Bạc Mây

Biên phòng - Đỉnh núi Sơn Bạc Mây cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, quanh năm mây bay là là như những chiếc khăn voan trắng trên đầu thiếu nữ. Từ đỉnh núi có vài nguồn nước chảy xuống vấp các sườn đá tạo thành các dòng thác cất tiếng uôm vang. Trên sườn núi ấy có một bản Mông được ngàn tán lá xanh bao phủ, hoa nở bốn mùa. Người ở bản xúng xính áo thêu, tươi tắn, sạch sẽ. Bản ấy là Sin Suối Hồ ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Mô hình nhà nghỉ trên cây táo bạo của một homestay mới tại Sin Suối Hồ. Ảnh: TTH

Trưởng bản Vàng A Chỉnh chạm mặt tôi ở trung tâm bản Sin Suối Hồ. Chỉ kịp chào tôi một tiếng và nhắc ghé nhà chơi, anh vội vàng chạy đi quanh bản để thông báo tối nay có buổi họp dân nghe thông báo tình hình mới về phòng, chống dịch Covid-19. Cứ đến mỗi cổng vào nhà các gia đình, anh lại thông báo rất to bằng tiếng Mông, cứ thế, đi hết làng để truyền loa miệng. Kiểu mõ làng bằng miệng như thế duy trì một thiết chế làng bản rất chặt chẽ, ấm áp, tưởng chừng đã chẳng còn tồn tại ở thời đại cách mạng 4.0 này.

Sin Suối Hồ đón tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không hổ danh là bản Mông sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc, được mệnh danh là vườn địa đàng đã nổi tiếng khắp thế giới.

Trước kia, nơi này vốn chỉ là một bản Mông có 135 hộ dân thuần nông (702 khẩu), công giáo toàn tòng, nghèo đói và day dứt trong cơn say thuốc phiện quên ngày tháng. Giống như bà con dân tộc thiếu số nhiều xã biên giới khác, Sin Suối Hồ chỉ cầm cự bằng một vụ lúa, dặm thêm ngô, thảo quả, sơn tra, vài thứ sản vật từ rừng... bao nhiêu nướng vào bàn đèn thuốc phiện hết.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh nói, Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch văn hóa cộng đồng từ năm 2015. Chỉ vài năm trời, miền đất bên sườn Sơn Bạc Mây thay đổi ngoạn mục, từ bóng tối bước ra ánh sáng. Tôi không muốn mô tả Sin Suối Hồ sạch đẹp cỡ nào vào thời điểm này, bởi đó chỉ là vẻ bề ngoài đã được tặng vạn lời ca ngợi. Câu chuyện giữa trưởng bản, tôi và các anh em Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (BĐBP Lai Châu) quản lý địa bàn và lãnh đạo xã Sin Suối Hồ là câu chuyện về đời sống đổi thay và niềm tin vào tương lai tốt đẹp.

Người Mông Sin Suối Hồ chính là những cây táo gai kiên cường của Sơn Bạc Mây, có niềm tin tuyệt đối rằng miền đất hạnh phúc không cần phải đi tìm đâu xa, mà ngay dưới chân mình. Thay vì di cư tìm miền sống mới thì cải tạo, mang sự trù mật trở lại nơi mình đang ở. Muốn thế phải cai nghiện trước đã.

Cũng mất vài năm để những người đàn ông của bản tụ lại, tự vào ở trong rừng, cắt tiếp xúc cộng đồng, ăn năn tự tâm để chiến thắng cơn vật vã thuốc phiện. Việc này có công lao to lớn của Mục sư Hạng A Sà, một thanh niên người Mông trẻ tuổi tháo vát và thông minh đã dẫn dắt ý chí của cả nhóm người về bên kia bờ ánh sáng. Sau đó, chính anh cũng đưa bản Sin Suối Hồ thành bản du lịch cộng đồng bằng cách xây dựng một miền đất hạnh phúc giống như tưởng tượng. Một vườn địa đàng có thật - theo cách họ nói.

Làng thiết kế theo hình xoáy trôn ốc. Chính giữa là chợ, nhà thờ, tỏa ra xung quanh là các đường bán kính dẫn vào các cụm nhà. Sin Suối Hồ hiện nay có 10 hộ gia đình kinh doanh lưu trú du lịch dạng homestay và có Hợp tác xã Trái Tim điều hành toàn bộ việc kinh doanh du lịch. Khi có khách tới làng, các hộ dân tự sắp xếp lần lượt các homestay bố trí ăn, ở, đón tiếp. Và đón chỉ vừa đủ số người, thừa ra là từ chối phục vụ.

Sin Suối Hồ có tới 40 ngàn chậu hoa địa lan bán dịp Tết Nguyên đán 2021 nên cả bản rực sắc hoa và sạch bong không có rác. Các đường nhánh trải bên tông phủ cây xanh rợp mát. Việc tình cờ, những người đàn ông Mông vào rừng tìm được cây lan hoa đẹp rồi gây giống mang về trồng thành giống lan, rồi bán thành hàng hóa riêng của Sin Suối Hồ cũng là một hạnh ngộ. Họ tin rằng, vì họ đã bước ra ánh sáng nên đấng tối cao đã gửi hoa lan đến, no ấm cũng đến. Niềm tin ấy cũng đã từng giúp họ cai nghiện thành công, giữ được niềm lạc quan trong cuộc sống.

Hợp tác xã Trái Tim có 12 hướng dẫn viên du lịch mà chính họ gửi con em mình đi đào tạo rồi về lại phục vụ bản. Tương tự cách thức như vậy, họ có 12 đầu bếp có thể nấu món Âu, Á, cả món ăn truyền thống dân tộc Mông. Đội văn nghệ của bản 20 người gồm các cô gái, chàng trai có năng khiếu ca hát, nhảy múa và có tập luyện. Trưởng bản Vàng A Chỉnh nói, con em của bản đang đi học nghề dịch vụ du lịch ở Sa Pa, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, sẽ về lại bản trong nay mai.

Điều đặc biệt nữa là Sin Suối Hồ không có ai... bán đất! Nhiều khách du lịch giàu có đến đây thích vườn địa đàng này quá đỗi. Họ hỏi mua nhiều nhà, trả giá cao tính để kinh doanh homestay, nhưng không ai bán cả, đành tẽn tò từ bỏ ý định. Dân bản nói, chả đâu sướng bằng ở miền đất của mình, hạnh phúc nhất rồi, còn muốn đi đâu?

Tôi hỏi Trưởng bản Vàng A Chỉnh, năm vừa rồi kinh doanh du lịch nhìn chung là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Sin Suối Hồ có chật vật lắm không? Trưởng bản cười tươi, nói lớn: “Ơ, không sao đâu mà, mình thích thì mình xây dựng bản như ngày nay là để ở, để sống, đẹp và sạch mình hưởng. Khách du lịch chỉ là người đến rồi đi. Đến đây ai cũng được sống trong vườn địa đàng. Không ai ghé thăm thì Sin Suối Hồ vẫn hằng ngày an lành, hạnh phúc”.

Trưởng bản Vàng A Chỉnh và cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ trao đổi phương án tuyên truyền trực quan về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TTH

Ngang qua nhà Vàng A Súa có vườn hoa đẹp quá, tôi dừng lại hỏi thăm thanh niên ăn mặc rất bảnh bao đang trồng cây ngoài sân. Nhà mình có làm homestay không? Súa nói: “Không chị ạ, nhưng em vừa học xong một khóa đầu bếp Âu, đang định đắp một cái lò nướng bánh mỳ và pizza ở bản. Mong cho dịch Covid-19 qua đi, nhiều khách du lịch đến vào năm tới để em còn trổ tài”. Những thanh niên như Vàng A Súa đang mong cháy lòng cho cơ hội khởi nghiệp mà cậu cho rằng đã chắc ăn mười mươi khi Sin Suối Hồ ngày càng đẹp, càng sạch như thời điểm này.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cùng tôi rời bản sau khi đã tham quan hết các thác nước, thung lũng hoa, điểm ngắm núi, vườn lan, chợ và nhà thờ ở cụm dân cư xinh đẹp này. Anh nói: “Chúng tôi chỉ mong các bản Mông đều học được và làm được như Sin Suối Hồ. Điều đó cũng là hướng phát triển của địa phương nhắm vào du lịch là trọng điểm, nâng dần đời sống bà con lên. Tuy nhiên, không dễ để có một miền đất như Sin Suối Hồ. Ngoài việc phải có những thủ lĩnh tinh thần dám nghĩ dám làm thực thụ, còn phải có tiềm năng to lớn và cảnh đẹp mê hồn nữa. Con người sản sinh ra tiềm năng cho vùng đất - đó là trường hợp rất hiếm hoi thành công ở Sin Suối Hồ”.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO