Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 27/06/2024 12:10 GMT+7

Mô hình du lịch làng rừng ở Đất Mũi

Biên phòng - Công viên Văn hóa - Du lịch Cà Mau thuộc ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau trên diện tích mặt bằng 160ha với quy mô khang trang và mở rộng hơn trước đây khá nhiều. Vùng đất cực Nam của Tổ quốc đang đi theo mô hình làm du lịch độc - lạ: Làng rừng du lịch.

Các công trình tổ hợp kiến trúc văn hóa vừa được xây dựng tại Công viên Văn hóa - Du lịch Cà Mau. Ảnh: TTH

Ông Bùi Thanh Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi hào hứng chia sẻ với chúng tôi hướng đi mới khả quan trong phát triển du lịch địa phương. Ông Thương nói mục tiêu đầu tiên của mọi dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội là chuyển đổi cơ cấu, giúp dân sống được bằng làm dịch vụ du lịch để bồi đắp tiềm lực tự thân, xây dựng Đất Mũi không chỉ đẹp, mà phải đẹp giàu.

Hiện nay, Công viên Văn hóa - Du lịch Mũi Cà Mau được chia ra thành 4 phân khu chức năng gồm: Khu công viên đài biểu tượng mũi Cà Mau; Khu sinh thái rừng kết hợp dịch vụ thương mại làng nghề; Khu bảo tồn sinh thái và dịch vụ nghỉ dưỡng rừng ngập mặn; Trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Cả một khu vực rộng lớn xanh ngắt rừng đước đã hình thành các công trình bờ kè chắn sóng, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh, mốc tọa độ quốc gia GPS 0001, cầu xuyên rừng đước, tiểu cảnh mũi Cà Mau với hình con tàu và cánh buồm căng gió hướng ra biển lớn. Công trình này là biểu tượng của mũi Cà Mau được di dời từ điểm cũ ra ngoài mép biển và xây dựng lại quy mô lớn hơn. Đặc biệt, tại đây có phiên bản Cột cờ Hà Nội mô phỏng khá tương đồng với kiến trúc lịch sử của Cột cờ Hà Nội.

Bên cạnh đó, toàn bộ khu vực này hình thành một du lịch sinh thái kiêm chức năng nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn thuộc Khu dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau. Như vậy, chiến lược phát triển du lịch Cà Mau không chỉ thực hiện trong năm 2021 mà trong vòng một thập kỷ tới và kéo dài hơn nữa.

Giai đoạn đầu, Đất Mũi tập trung cho chiến lược phát triển hạ tầng. Điểm nhấn là tuyến đường Hồ Chí Minh giao thương du lịch và thương mại đã hình thành. Trước đó, phà Đầm Cùng qua Năm Căn, Cà Mau, con phà cuối cùng còn lại trên mạch nối giao thông suốt chiều dài đất nước đã được thay bằng cầu bê tông kiên cố. Từ đó, non sông liền một dải, huyết mạch giao thông không còn cách trở sông nước, Đất Mũi trở thành điểm chấm cuối cùng trên con đường xẻ dọc đất nước, khiến ai cũng muốn một lần được đi đến tận cùng, đặt chân lên mảnh đất cực Nam đang bồi lắng từng ngày.

UBND tỉnh Cà Mau xây dựng 4 tuyến đường xuyên rừng quốc gia đồng thời là 3 tuyến du lịch thưởng thức đặc sản địa phương. Làng Văn hóa - Du lịch cũng sẽ được xây dựng tập trung ở các địa bàn phù hợp, có vị trí thuận lợi về giao thông, được đầu tư phát triển hạ tầng và có sản phẩm chủ lực để xây dựng đặc sản riêng. Đất Mũi hiện có 3.361 hộ dân khai thác thủy hải sản và hơn 1.000 hộ nuôi trồng thủy hải sản.

Mô hình du lịch làng rừng sinh thái sẽ phát triển ra cả 3 xã Đất Mũi, An Viên và Viên Đông. Quy hoạch của địa phương dần nắn chỉnh lại cho hợp lý đối với các khu vực có dân cư sinh sống trong lòng Vườn Quốc gia Cà Mau, trong đó tiêu chuẩn của một làng rừng du lịch sinh thái cũng phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các hộ dân tuân thủ điều kiện giữ gìn cảnh quan môi trường để được định cư, làm dịch vụ du lịch và nuôi trồng thủy hải sản.

Huyện Ngọc Hiển đã đầu tư làng du lịch với sự tham gia của 221 gia đình ngay bên đường dẫn vào Công viên Văn hóa - Du lịch Cà Mau. Đây là quyết định táo bạo của địa phương nhằm tạo ra một ngôi làng thơ mộng đặt trưng và riêng có bên cạnh rừng đước gồm các gia đình biết nghề buôn bán, bắt cá thòi lòi, biết làm khô cá khoai, khô cá thòi lòi, biết bắt cua để họ sơ chế và bán những sản phẩm này cho khách du lịch.

Tuy nhiên, nếu quy hoạch không khéo léo, ngôi làng sẽ biến thành một dãy tổ hợp bê tông dựng lên như dãy ki - ốt bán đồ đặc sản, lưu niệm thường thấy ở các khu du lịch. Hiện nay, ngôi làng gối bên bìa rừng vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng, dù diện mạo của làng đã hình thành. Bản chất của khu làng là một khu dân cư tái định cư. Họ được di dời từ trong các làng biển xói lở mất đất ra ngoài mé biển, bên rừng. Đa số người dân rất phấn khởi. Anh Hữu Nghĩa - một nông dân thạo nghề bắt cua cá ở làng nói vui: “Thì đến nơi ở mới như cá thòi lòi mọc thêm cánh vậy đó!”.

Ngôi làng này là mô hình thí điểm tại Đất Mũi có đủ điều kiện đảm bảo các tiêu chí của làng Văn hóa - Du lịch. Trong đó, mục tiêu cao nhất là đưa các sản phẩm đặc thù vào khai thác, tạo thương hiệu du lịch riêng kết hợp với đề xuất về hình thức quản lý, vận hành và hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ của nguồn nhân lực du lịch tại địa phương. Những ngôi làng này là cái neo để giữ chân, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Đồng thời, giải quyết vấn đề đất ở tái định cư của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Điều đáng nói là bao năm qua, việc xây dựng nông thôn mới ở đây vẫn vướng mắc ở các tiêu chí môi trường. Việc quy hoạch một ngôi làng rừng không đơn giản. Với thói quen sinh hoạt ở làng, người dân vẫn xả rác ra biển, thủy triều lên lại trôi trở lại vào khu dân cư. Nhà tiêu hợp vệ sinh chưa đủ, lò đốt rác chưa có, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thương hiệu riêng chưa ai nghĩ tới.

Phát triển du lịch sinh thái gắn với mục tiêu mỗi làng một sản phẩm đã là một hướng đi khó. Việc hình thành dòng chảy thương mại, sản xuất ra hàng hóa cũng không dễ đối với bất cứ khu vực nông thôn nào. Dựa trên những đặc sản có sẵn và vị trí địa lý vốn dĩ đặc biệt, Đất Mũi có hy vọng phát triển thành khu du lịch hấp dẫn. Có món ăn đặc trưng, cảnh quan đặc trưng, Đất Mũi chỉ còn thiếu những con người làm du lịch kiểu mới, phù hợp với tiến trình phát triển là hoàn hảo cho một điểm đến hấp dẫn trong tương lai gần.

Thúy Hằng

Bình luận

ZALO