Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 30/10/2024 09:18 GMT+7

Mô hình mới giúp nông dân thay đổi phương thức canh tác truyền thống

Biên phòng - Thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”. Thông qua mô hình thí điểm này để tập huấn cho nông dân trong vùng hiểu về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đồng thời, giúp người nông dân thay đổi phương thức, tập quán sản xuất cũ, tổ chức lại nền sản xuất tiên tiến, hiện đại nhằm vừa tạo ra lúa sạch, có năng suất cao, lại vừa bán được tín chỉ carbon, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Thủy Lê

Sản xuất nông nghiệp thông minh để giảm phát thải

Phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu, đây cũng là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại gia và an ninh. Để thực hiện cam kết tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (gọi tắt là Net-Zero), Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng nhiều địa phương và các cơ quan cũng đã ban hành những chính sách khuyến khích áp dụng những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, giảm phát thải trong những lĩnh vực khác nhau, trong đó bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính”.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện có diện tích trồng lúa là 3.940.619ha và hơn 14,7 triệu ha rừng. Trước nhu cầu và tiềm năng xuất khẩu tín chỉ carbon từ nông nghiệp ngày càng tăng, Cục Trồng trọt đã triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới cũng cam kết mua 10 USD/tín chỉ carbon (1 tấn carbon bằng 1 tín chỉ carbon). Theo đó, trồng 1 triệu ha lúa sạch theo chương trình Net-Zero, người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ bán tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nhiệp cần phải thực hiện việc giảm phát thải thông qua các biện pháp như ứng dụng các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp; áp dụng các công nghệ trong trồng trọt như tưới khô ướt xen kẽ và SRI ở vùng có hạ tầng đầy đủ; hiện đại hoá tưới nước và bón phân cho cây dài ngày; rút nước giữa vụ trong canh tác lúa; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả thành đất cây trồng cạn hoặc đất tôm - lúa; bón phân compost và nông nghiệp hữu cơ; thay phân đạm bằng các loại phân chậm tan, phân hóa chậm; cải thiện khẩu phần ăn gia súc nhai lại; tuần hoàn chất thải nông nghiệp làm phân hữu cơ; phát triển sử dụng khí sinh học.

Đặc biệt, phải giảm triệt để khí mê-tan được thực hiện trong canh tác lúa nước và quản lý chất thải vật nuôi, phế phụ phẩm nông nghiệp. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường. Chính vì vậy, việc chúng ta triển khai các giải pháp làm sao tái sử dụng các phế phụ phẩm này trở thành nguồn nguyên liệu tái tạo, đó là việc làm hết sức cần thiết. Nông nghiệp cũng là một trong những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu do phát thải khí nhà kính.

Những tín hiệu vui

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, vụ lúa hè thu năm 2024 này, Bộ NN&PTNT đã chọn 5 tỉnh thành ở ĐBSCL, gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, mỗi địa phương chọn khoảng 50ha để tiến hành thí điểm mô hình sản xuất sạch, giảm phát thải nhằm bán tín chỉ carbon. Thông qua mô hình thí điểm để tập huấn cho nông dân trong vùng hiểu về quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Từ đó, nông dân về tuyên truyền cho các thành viên trong hợp tác xã triển khai áp dụng theo đúng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong thời gian tới; ngoài ra, còn là cơ sở quan trọng để đánh giá hiệu quả, xem xét hệ số giảm phát thải để nhân rộng phương thức canh tác...

Những cánh đồng trồng thí điểm theo mô hình lúa sạch. Ảnh: Thủy Lê

Cần thấy rằng, lâu nay, ở đồng bằng có nhiều cách canh tác khác nhau, theo từng vùng sinh thái; tuy nhiên, để phát huy hiệu quả đề án 1 triệu ha lúa thì 3 yếu tố "chất lượng cao, phát thải thấp và tăng trưởng xanh" phải được thực hiện xuyên suốt. Vì vậy, để tạo ra lúa sạch và bán được tín chỉ carbon, người nông dân cần phải phải thay đổi tập quán sản xuất cũ của nông dân, tổ chức lại nền sản xuất tiên tiến, hiện đại như: gieo cấy giống có xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon, áp dụng quản lý nước ngập-khô xen kẽ, bón phân chuyên biệt, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân chỉ còn 2 lần/vụ; áp dụng IPM quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch, thu gom rơm rạ khỏi đồng để làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa...

Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên nông dân vùng ĐBSCL tiếp cận với mô hình sản xuất lúa phát thải thấp, có bán tín chỉ carbon nên có người chưa rõ và còn nhiều trăn trở, nhưng đại đa số xã viên mừng bởi khi tham gia đề án sẽ được tiếp cận kỹ thuật sản xuất lúa hiện đại, liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra; đồng thời giảm sử dụng phân thuốc hóa học sẽ bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Đây cũng là lần đầu tiên cùng với bán lúa gạo phục vụ xuất khẩu thì nông dân còn có thể bán "không khí" để thu về tiền thật.

Trong khi người nông dân tại khu vực ĐBSCL mới chỉ thu hoạch được những vụ lúa sản xuất theo hướng giảm phát thải, thì Đắk Lắk đã là tỉnh đầu tiên ở nước ta bán được tín chỉ carbon lúa với giá 20 USD/tấn CO2. Trước đó, tại xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, nông dân đã triển khai mô hình thí điểm "Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất” được triển khai trong vụ Đông Xuân 2023–2024. Mô hình được áp dụng theo quy trình canh tác lúa tưới ướt - khô xen kẽ của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và áp dụng quy trình báo cáo xác nhận giảm phát thải của Công ty Cổ phần Net Zero Carbon.

Sau hơn 3 tháng thực hiện, mô hình thí điểm này đã mang lại kết quả tích cực. So với mô hình đối chứng, năng suất lúa tăng gần 1 tấn/ha, chi phí đầu tư giảm được gần 10%, lợi nhuận tăng gần 20%. Đặc biệt, mô hình này giúp nông dân thay đổi phương pháp canh tác truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải tạo đất lúa. Qua thử nghiệm, mô hình giúp giảm lượng phát thải được gần 17 tấn khí nhà kính (carbon), góp phần bảo vệ môi trường, lúa sạch hơn và sản xuất an toàn hơn.

Sau khi đánh giá chất lượng, Công ty Cổ phần Net Zero Carbon đã thống nhất đồng ý mua gần 17 tấn CO2 tương đương đã giảm được từ mô hình trồng lúa của nông dân ở xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, với giá 20 USD/tín chỉ carbon. Đây là số tín chỉ carbon đầu tiên trên lúa của Việt Nam được bán thành công từ mô hình thí điểm “Giải pháp lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất” tại Đắk Lắk. Mức giá này cũng cao gấp 2 lần giá tín chỉ carbon mà Ngân hàng Thế giới cam kết chi trả cho Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại ĐBSCL.

Thủy Lê

Bình luận

ZALO