Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 01:47 GMT+7

Một số điểm chưa tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về tội phạm mua bán người

Biên phòng - Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, tệ nạn mua bán người là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu. Theo ước tính của Liên hợp quốc thì mỗi năm có khoảng 800.000 đến 1.000.000 người bị mua bán, lợi nhuận có được từ mua bán người khoảng 150 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam là quốc gia nằm trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và cũng là điểm đi, điểm đến, điểm trung chuyển của tội phạm mua bán người. Nạn nhân bị mua bán không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn nhiều trường hợp là nam giới.

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, BĐBP Hà Giang phối hợp với Đồn Công an biên giới Thiên Bảo và Trạm Kiểm soát Biên phòng xuất nhập cảnh Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc) phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới. Ảnh: Xuân Minh

Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia - TOC được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 15/11/2000, ký tham gia Công ước ngày 13/12/2000 và có hiệu lực từ ngày 29/9/2003). Đồng thời, Việt Nam tham gia Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước TOC. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người số 66/2011/QH12, ngày 29/3/2011, bao gồm 8 chương, 58 điều. Luật quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.

Tuy nhiên, quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người còn gặp không ít khó khăn vì tội phạm mua bán người là một trong những loại tội phạm xuyên quốc gia, trong khi đó, việc tương trợ tư pháp giữa các quốc gia còn nhiều vướng mắc, kể cả đối với các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định hợp tác song phương (Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan...), Công ước ASEAN. Mặt khác, các đối tượng phạm tội mua bán người hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và được che đậy bởi các thủ đoạn yêu đương, hôn nhân với người nước ngoài, nhận con nuôi, xuất khẩu lao động, đẻ thuê, đi du lịch...

Nghiên cứu các quy phạm pháp luật của Việt Nam có liên quan đến tội mua bán người và tội mua bán người dưới 16 tuổi đặt trong mối tương quan so sánh với pháp luật quốc tế cho thấy, quan niệm “mua bán người” của Việt Nam theo Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có nội hàm rộng, bao gồm cả hành vi mua bán người đơn lẻ và hành vi mua bán người có tổ chức, có đồng phạm và về cơ bản tương đồng với khái niệm “buôn bán người” của quốc tế.

Các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người của Việt Nam, bao gồm Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Bộ luật Hình sự năm 2015, đều chưa đưa ra một định nghĩa về tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người (Điều 150), tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) thì có thể thấy, khái niệm “mua bán người” của Việt Nam đã được mở rộng hơn, phù hợp với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và dần tiệm cận định nghĩa “buôn bán người” theo Nghị định thư Liên hợp quốc về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Đặc biệt, các hành vi định tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi đã được quy định cụ thể trong khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân Tối cao. Các tội mua bán người (Điều 150), mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mô tả cụ thể các hành vi khách quan bị coi là phạm tội mua bán người. Về cơ bản, các quy định về tội phạm mua bán người trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã tương đồng với quy định về tội phạm buôn bán người của luật pháp quốc tế, tuy nhiên còn một số điểm chưa tương thích như:

Theo pháp luật hình sự Việt Nam thì trẻ em vẫn được xác định là người dưới 16 tuổi, trong khi pháp luật quốc tế quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.

Như vậy, nếu người bị mua bán là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151, Bộ luật Hình sự năm 2015), còn nếu người bị mua bán từ đủ 16 tuổi trở lên thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người (Điều 150, Bộ luật Hình sự năm 2015). Sự chưa tương thích này đã hạn chế việc bảo vệ nạn nhân là các đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi mà các đối tượng này không được pháp luật bảo vệ đặc biệt hơn.

Mặc dù trong cấu thành cơ bản của Điều 150 và Điều 151 đã cố gắng bám sát định nghĩa của Liên hợp quốc về buôn bán người, nhưng những trường hợp tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp nhưng không chuyển giao để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì lại không xử lý được về hành vi mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi. Pháp luật Việt Nam quy định các loại hành vi của mua bán người bao gồm chuyển giao, tiếp nhận, vận chuyển, chứa chấp để chuyển giao người, yếu tố chuyển giao là yếu tố bắt buộc. Tức là, nếu tuyển mộ không phải để chuyển giao, vận chuyển không phải để chuyển giao, chứa chấp không phải để chuyển giao, thì không phạm tội mua bán người theo pháp luật Việt Nam. Đây là sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với Nghị định thư Palermo. Nghị định thư Palermo quy định các loại hành vi gồm: Chuyển giao, tiếp nhận, vận chuyển, chứa chấp, bóc lột, tức là chỉ cần 1 trong 5 hành vi là đủ trở thành yếu tố của tội phạm buôn bán người, không cần có yếu tố bắt buộc khác.

Pháp luật Việt Nam quy định 3 phương thức, thủ đoạn mà bọn tội phạm sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội mua bán người. Đó là: (1) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; (2) Lừa gạt; (3) Dùng thủ đoạn khác. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 không liệt kê đầy đủ tên các phương thức, thủ đoạn được nêu trong Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, như: Đe dọa sử dụng, sử dụng các hình thức ép buộc, bắt cóc, lừa gạt, lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương hay bằng việc cho hoặc nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người kiểm soát đối với những người khác (nghĩa là hành vi buôn bán người xảy ra một cách trái ý muốn của nạn nhân), nhưng bản thân khái niệm “dùng thủ đoạn khác” đã bao hàm các phương thức này, thậm chí còn rộng hơn các phương thức, thủ đoạn phạm tội này.

Trong trường hợp nạn nhân là trẻ em (người dưới 16 tuổi) thì không cần tính đến các phương thức, thủ đoạn phạm tội này, nghĩa là trong trường hợp trẻ em hoàn toàn đồng tình với hành vi của kẻ phạm tội thì vẫn bị coi là mua bán trẻ em nếu có những hành vi sau: Chuyển giao, tiếp nhận trẻ em nhằm mục đích để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc; lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc; có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi chuyển giao hay tiếp nhận người nhằm mục đích nêu trên.

Như vậy, pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế có sự khác biệt về mục đích ngoài những mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động thì Bộ luật Hình sự còn quy định mục đích giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em mới chỉ quan tâm đến xử lý hành vi buôn người. Còn đối với pháp luật hình sự Việt Nam, người phạm tội còn có thể bị xử lý thêm về tội phạm khác nếu có thêm hành vi nguy hiểm khác đối với nạn nhân và cấu thành một tội danh độc lập theo quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể là: Nếu nạn nhân của các vụ án mua bán người bị xâm phạm tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm), cố ý gây thương tích, giết người, đe dọa tính mạng... hoặc các hành vi xâm phạm khác thì theo pháp luật Việt Nam, nếu người phạm tội ngoài hành vi mua bán người còn thực hiện các hành vi phạm tội khác như hiếp dâm, cưỡng dâm... thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này. Tuy nhiên, trong các tình tiết tăng nặng định khung của loại tội phạm này cũng có các dấu hiệu của tội phạm khác như cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho nạn nhân, làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Khi đã là dấu hiệu định khung thì không được coi là dấu hiệu định tội riêng biệt nữa.

Do vậy, khi điều tra, xét xử cần hết sức chú ý để phân biệt và định tội, định khung hình phạt chính xác. Tùy theo từng vụ án cụ thể để xác định là một tội hay hai hoặc nhiều tội. Ví dụ: Một người mua người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, họ biết rõ là nếu lấy cả 2 quả thận hoặc quả tim của nạn nhân thì người đó sẽ chết nhưng vẫn thực hiện. Trường hợp này người đó sẽ phạm hai tội là mua bán người (hoặc mua bán người dưới 16 tuổi) và tội giết người. Đây là hành vi cố ý trực tiếp, khác với hành vi làm chết người. Hành vi làm chết người là hành vi của người phạm tội khi thực hiện tội phạm không mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không lường trước được hậu quả xảy ra.

Mục đích của tội phạm mua bán người là vì mục đích vụ lợi/lợi nhuận. Thực tiễn xét xử cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam luôn phải điều tra, xác định yếu tố vụ lợi của loại tội phạm mua bán người, trong khi pháp luật quốc tế lại không coi đó là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đặc biệt là đối với người dưới 18 tuổi (trẻ em theo pháp luật quốc tế). Đây cũng là một vấn đề chưa tương thích giữa pháp luật hình sự Việt Nam với Nghị định thư.

Nghị định thư của Liên hợp quốc coi yếu tố cưỡng bức lao động là yếu tố cấu thành cơ bản của hành vi buôn người. Còn đối với pháp luật hình sự Việt Nam, yếu tố cưỡng bức lao động có thể là mục đích của tội phạm mua bán người hoặc cũng có thể cấu thành một tội danh độc lập khác (theo quy định tại Điều 297, Bộ luật Hình sự năm 2015).

Trong pháp luật quốc tế, tội mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động và tội cưỡng bức lao động có rất nhiều điểm tương đồng. Cụ thể, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khi thống kê số nạn nhân của nạn cưỡng bức lao động đã chỉ rõ: “Cưỡng bức lao động bao gồm nhiều hình thức, như làm thuê để trả nợ, buôn bán người và các hình thức nô lệ thời hiện đại khác”[1]. Tại Hoa Kỳ, tội phạm mua bán người và tội phạm cưỡng bức lao động có khung hình phạt là hoàn toàn tương đương.

Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định hai tội mua bán người (Điều 150, 151 của Bộ luật Hình sự) và cưỡng bức lao động (Điều 297, Bộ luật Hình sự) là hai tội riêng biệt với khung hình phạt hoàn toàn khác nhau. Trong khi tội mua bán người quy định tại Chương XIV về Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự con người thì tội cưỡng bức lao động lại nằm tại Mục 3: Các tội khác xâm phạm an toàn công cộng của Chương XXI về Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Quá trình điều tra khi xác định hành vi phạm tội của tội phạm mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động cần phải đặc biệt lưu ý các yếu tố cấu thành hai loại tội phạm này, cụ thể là việc có hay không hành vi chuyển giao, tiếp nhận người nhằm mục đích cưỡng bức lao động. Đây là yếu tố then chốt, đặc biệt là trong những vụ án mà người tuyển mộ lao động cũng chính là người cưỡng bức lao động.

Mặc dù việc bổ sung, sửa đổi các quy định về cưỡng bức lao động và mua bán người cho phù hợp với pháp luật quốc tế và các công ước mà Việt Nam đã ký kết là một bước tiến lớn của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên, pháp luật hình sự Việt Nam vẫn còn những khác biệt nhất định, khiến cho việc xử lý tội phạm mua bán người và cưỡng bức lao động cũng như đảm bảo quyền và lợi ích cho nạn nhân cưỡng bức lao động trở nên khó khăn hơn.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng (Học viện Biên phòng)

-------------------------------------

[1] http:/www.ilo.org/global/topics/forcedlabour/lang--en/index.htm.

Bình luận

ZALO