Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 02:46 GMT+7

Một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Sĩ quan

Biên phòng - Sau hơn 20 năm Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam được ban hành, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo được yêu cầu xây dựng QĐND chính quy, tinh nhuệ, cách mạng; phát huy được sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chăm lo xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ (BĐBP Nghệ An) và dân quân địa phương tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Lê Thạch

Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển của đất nước hiện nay, một số nội dung của Luật Sĩ quan QĐND cũng đã bộc lộ khó khăn, vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế, xã hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan, tác động trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống của cán bộ, sĩ quan.

Thứ nhất, Luật sĩ quan QĐND hiện nay bất cập về tuổi phục vụ tại ngũ và chính sách tiền lương so với Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.

Tại khoản 1, Điều 13 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 3, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 2008) quy định tuổi phục vụ của sĩ quan tại ngũ đối với cấp úy là 46 tuổi; cấp Thiếu tá là 48 tuổi; cấp Trung tá là 51 tuổi; cấp Thượng tá là 54 tuổi; cấp Đại tá nam là 57 tuổi, nữ 55 tuổi; cấp Tướng nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Theo đó, nếu một sĩ quan tính thời gian công tác từ năm 20 tuổi thì khi nghỉ hưu đối với cấp úy 46 tuổi mới có 26 năm công tác; cấp Thiếu tá 48 tuổi mới có 28 năm công tác; cấp Trung tá 51 tuổi mới 31 năm công tác và cấp Thượng tá 54 tuổi mới có 34 năm công tác.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thì người lao động đủ 35 năm công tác mới được hưởng mức tối đa 75% lương khi nghỉ hưu. Như vậy, phần lớn sĩ quan quân đội sẽ được hưởng tỷ lệ lương rất thấp khi nghỉ hưu. So với Luật Quân nhân chuyên nghiệp 2015 thì quân nhân chuyên nghiệp đã được nâng tuổi phục vụ tại ngũ phù hợp hơn (cấp Thiếu tá, Trung tá 54 tuổi, cấp Thượng tá là 56 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ).

Bộ đội là một ngành nghề đặc thù; sĩ quan quân đội được xác định là đối tượng lao động hoạt động trong môi trường khắc nghiệt; thường ở những địa bàn khó khăn, gian khổ; cường độ lao động cao, đòi hỏi sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng. Bên cạnh đó, để có đội ngũ sĩ quan có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, quân đội phải thường xuyên tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng với quy mô lớn, chi phí cao. Do đó, với độ tuổi phục vụ tại ngũ và chính sách tiền lương như quy định hiện hành thì quân đội sẽ khó thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào phục vụ, đồng thời lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được tuyển dụng.

Về mặt xã hội, với mô hình tổ chức kim tự tháp, một số lượng lớn sĩ quan quân đội ở cấp phân đội, đại đội, có cấp bậc đến Thiếu tá, có độ tuổi nghỉ hưu là 48 tuổi, một độ tuổi vẫn còn sung sức và tích lũy nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, khi nghỉ hưu ở độ tuổi trên, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, trở về địa phương tiếp tục tìm việc làm, lao động để kiếm thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống gia đình. Song, tìm được việc làm phù hợp cũng rất khó khăn do đặc thù nghề nghiệp, công việc chỉ là lao động giản đơn, thu nhập không cao.

Thứ hai, về chính sách nhà ở, đất ở quy định trong Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam chưa được chi tiết, chưa quan tâm thỏa đáng.

Tại khoản 7, Điều 31 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung tại khoản 7, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 2014) quy định sĩ quan tại ngũ: “Được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được đảm bảo nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”. Song, thực tế hiện nay, việc giải quyết, hỗ trợ về nhà ở, đất ở cho sĩ quan còn nhiều bất cập, chưa có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể. Nhiều cán bộ, sĩ quan đã trên 30 năm công tác, đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được hưởng thụ chính sách nhà ở, đất ở theo quy định, phải chật vật tự xoay xở. Chính sách tiền lương về nhà ở chưa được thực thi, không phù hợp với thực trạng kinh tế-xã hội.

Để giải quyết những bất cập trên, trên cơ sở thực tiễn xã hội, kiến nghị một số giải pháp như sau:

Một là, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm nghiên cứu, ban hành chế độ chính sách về tiền lương cho lực lượng vũ trang, đảm bảo nâng cao đời sống về vật chất cho cán bộ, sĩ quan. Trước mắt, tiếp tục kiến nghị áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù cho lực lượng trực tiếp chiến đấu đối với cán bộ, sĩ quan cơ quan Cục Trinh sát.

Hai là, sớm kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi độ tuổi phục vụ tại ngũ và chính sách tiền lương sau khi nghỉ hưu cho phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang, tương thích với các văn bản pháp luật khác và đáp ứng đời sống của sĩ quan sau khi nghỉ hưu.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh, Cục Trinh sát BĐBP

Bình luận

ZALO