Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 07:00 GMT+7

Mua bán chứng chỉ Thuyền trưởng, Máy trưởng trên “thị trường đen”: Ngư dân chịu thiệt

Biên phòng - Không đăng ký tham gia đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, khi cần bổ sung hồ sơ đăng ký hành nghề khai thác hải sản, một số ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã bỏ ra vài triệu đồng mua chứng chỉ Thuyền trưởng, Máy trưởng từ những người môi giới. Tình trạng này dẫn đến việc ngư dân không nắm được quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy mà vẫn lái tàu, đã làm gia tăng vụ việc tông va trên biển. Đặc biệt, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.

jg0n_7a
BĐBP Quảng Ngãi kiểm tra chứng chỉ Thuyền trưởng, Máy trưởng của ngư dân. Ảnh: Văn Tánh

Sở hữu chứng chỉ Thuyền trưởng tàu cá hạng tư, hằng ngày điều khiển con tàu đánh bắt xa bờ trị giá hàng tỉ đồng hành nghề trên biển, ra vào các cửa sông, cửa lạch, nhưng ngư dân Võ Huệ, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, chưa qua một lớp đào tạo, hay bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn nào tương ứng với chứng chỉ mà ông đang có. Chỉ đến khi làm việc với cơ quan chức năng về hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, ông Huệ mới cho biết, mình chỉ học đến lớp 3, không biết đọc, biết viết, cũng không hiểu các tín hiệu, biển báo giao thông đường thủy.

Chứng chỉ Thuyền trưởng mang tên ông là do người cháu họ gọi ông bằng chú mua trên “thị trường đen” và mỗi khi ra biển, việc sử dụng, điều khiển các thiết bị máy móc trên tàu cũng do người cháu làm thay. “Thằng cháu nó bảo tôi làm thuyền trưởng, cầm tay lái chứ tôi có biết gì đâu. Chạy đi đâu, làm ở vùng biển nào là do nó chỉ đường và quyết định. Tôi không biết đọc, biết viết, làm sao sử dụng được máy móc hiện đại trên tàu” - Ông Võ Huệ trần tình.

Trên thực tế, việc mua bán chứng chỉ Thuyền trưởng, Máy trưởng ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi diễn ra khá phổ biến, dễ dàng và chi phí cũng thấp hơn so với những người trực tiếp đi học. Ngư dân cũng không mất nhiều thời gian cho việc học hành, hơn nữa, họ được những người cung cấp chứng chỉ "tiếp thị" tận nơi. Ngư dân Võ Duy Khánh, Máy trưởng tàu cá QNg 90527TS cho biết, vì bận việc làm ăn trên biển, anh không có thời gian đi học.

Biết anh có nhu cầu sử dụng chứng chỉ Thuyền trưởng, Máy trưởng để đăng ký các chức danh cho con tàu chuẩn bị hạ thủy, một người đàn ông không rõ lai lịch đã đến gia đình chủ động đặt vấn đề nhận làm với số tiền 3 triệu đồng/một chứng chỉ. Anh không phải đến bất kỳ một cơ sở nào để học hoặc thi. Võ Duy Khánh còn cung cấp thêm thông tin: “Nghe thông tin tôi cần chứng chỉ Máy trưởng, người đó đến bảo để chú làm giúp cho. Ông ta bảo tôi chụp tấm ảnh, gửi chứng minh với số tiền 3 triệu đồng. Thời gian đó, tôi đi đóng tàu ở trong Bình Định, cỡ một tháng sau, tôi về, ông ta đã mang chứng chỉ đến cho gia đình tôi rồi”.

Làm việc với lực lượng BĐBP  Quảng Ngãi, nhiều thuyền trưởng, máy trưởng thừa nhận, khi cần hành nghề, họ đưa cho người môi giới từ 2-3 triệu đồng cùng giấy khám sức khỏe và ảnh chân dung. Khoảng 15 đến 20 ngày sau, họ nhận được một chứng chỉ có đầy đủ chữ ký, con dấu, số quyết định; cụ thể là không thiếu một thông tin gì so với những chứng chỉ của ngư dân trực tiếp tham gia các lớp học được mở trên địa bàn tỉnh.

Song, để tìm ra được đầu mối cung cấp và xác định được chứng chỉ thật, hay giả thì không hề đơn giản. Vì những người trực tiếp nhận tiền của ngư dân cũng chỉ là trung gian của các đầu mối khác, khi bị phát hiện thì họ cao chạy, xa bay. Chỉ có ngư dân là chịu thiệt, vừa mất tiền, vừa bị thu hồi chứng chỉ. Ngư dân Lê Văn Hậu, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết: “Hồi làm chứng chỉ Máy trưởng, tôi nhờ ông Nam làm giúp. Thời gian sau, ổng (ông Nam) gọi điện thoại cho tôi nói đã có bằng lái rồi đưa số điện thoại của người cầm chứng chỉ để tôi lên thành phố Quảng Ngãi lấy”. 

Mặc dù cơ quan chức năng chưa xác định chứng chỉ Thuyền trưởng, Máy trưởng của ngư dân hiện nay đang sử dụng là thật hay giả, nhưng hậu quả của nó là những vụ tai nạn, mất an toàn trên biển ngày càng tăng. Bởi khi cầm lái ra khơi, họ không biết con tàu mình đi đâu, về đâu và đi như thế nào cho đúng luật.

Văn Tánh

Bình luận

ZALO