Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 04:05 GMT+7

Mùa dã quỳ bừng biên giới Gia Lai

Biên phòng - Theo thống kê của Ủy ban biên giới quốc gia, tỉnh Gia Lai có 90km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, trải dài trên địa bàn bảy các xã Ia O, Ia Chía, thuộc huyện Ia Grai; xã Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ; xã Ia Púch, Ia Mơ thuộc huyện Chư Prông. Trên mọi nẻo đường ra biên giới những ngày đông, hoa dã quỳ cứ rực rỡ và hồn nhiên như cô gái Tây Nguyên hừng hực sức sống. Và sức sống bền bỉ của loài hoa ấy đã tô điểm cho biên giới đỡ khô cằn trong những ngày khô khát, trải dài trên các triền núi, bám theo các lối mòn, để màu hoa bên cột mốc biên cương như thảm vàng níu chân người dùng dằng chẳng nỡ về xuôi.

Cột mốc số 30 góp phần hình thành được “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Tuệ Lâm

Trải triệu năm kiến tạo của địa hình, Gia Lai được ví như miền huyền thoại của Bắc Tây Nguyên với hệ thống núi rừng, sông hồ mang vẻ đẹp hoang sơ, khoáng đạt. Nhiều danh thắng ở đây như sôn Sê San - dòng sông ánh sáng, Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp, thác Chư Sê... là những cảnh sắc thiên nhiên hiếm gặp của vùng đất Nam Trường Sơn. Vùng đất này là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng các các dân tộc Jrai, Ba Na.

Từ những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ XIX, các giáo sĩ người Pháp đã thâm nhập vùng đất này để truyền đạo, đã ghi nhận, các dân tộc Gia Lai đang ở giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp. Khi thực dân Pháp chính thức đô hộ, đã áp dụng chính sách chia để trị, dựa vào nhóm này để chống nhóm khác, chia rẽ Kinh - Thượng, chia rẽ sự đoàn kết các dân tộc bản địa.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tên tỉnh được chính quyền cách mạng gọi là Gia Lai và trong kháng chiến chống Pháp, tiếp đó là chống Mỹ, cái tên này cơ bản được giữ nguyên, chỉ thay đổi sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan khác nhau trong khu vực và thay đổi địa giới hành chính. “Nơi hiểm yếu sáng tình đất nước”, Gia Lai đi vào sử sách, đi vào những bài học của lòng yêu nước với Làng kháng chiến Stơr, là ngọn nguồn của vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, hoặc những địa điểm ghi dấu trong kháng chiến chống kẻ thù xâm lược như Chiến thắng đường 7 sông Bờ, Chiến thắng Đak Pơ...

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, nguồn gốc tên gọi Gia Lai bắt nguồn từ chữ Jarai, tên gọi của dân tộc có số lượng dân cư chiếm ưu thế trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng đất này, có nghĩa là vùng đất của người Jarai, có lẽ ám chỉ vùng đất của Thủy Xá và Hỏa Xá thuộc tiểu quốc Jarai xưa. Qua đó, ta có thể hiểu được, đây là một tộc người hùng mạnh. Trong những năm kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng đất nước, những tên người như nhà giáo Nay Đer, Anh hùng Kpa Ó, Anh hùng Kpui Thu... Dân tộc có số dân lớn thứ hai là, cư trú tập trung ở phía Đông cao nguyên Pleiku thuộc địa bàn các huyện Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Păh, Kbang... Cũng như người Jarai, đồng bào Bahnar ở Gia Lai tự hào có Anh hùng Núp, Anh hùng Wừu... - những người con yêu nước, thể hiện khí phách của các dân tộc Tây Nguyên.

Trên cơ sở Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 5/10/2019, tỉnh Gia Lai có chiều dài theo địa giới hành chính trên đoạn biên giới giữa tỉnh Gia Lai (Việt Nam) với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) là 80,485km, trong đó, trên đất liền 61,867km; trên sông, suối 18,618km. Đã phân giới được 20,626km (trên đất liền 6,083km; trên sông, suối 14,543km) khoảng 25,6%; chưa phân giới 59,859km (trên đất liền 55,784km; trên sông suối 4,075km) khoảng 74,4%. Hiện nay, sau quá trình phân giới, cắm mốc trên thực địa, đã xác định được 07/16 vị trí (đạt 43,75%) và cắm được 11/20 mốc (đạt 55%), trong đó có mốc số 30, mốc loại A tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

Trong nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, BĐBP Gia Lai được phân công làm Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh, do nhiệm vụ phối hợp với chính quyền và Đội phân giới cắm mốc số 6, tỉnh Rattanakiri, Vương quốc Campuchia triển khai các hoạt động phân giới cắm mốc trên toàn tuyến theo thỏa thuận cấp cao giữa hai bên. Qua nhiều tháng đàm phán và khảo sát thực địa, tính đến trước ngày 26/12/2015, hai bên đã tiến hành xác định được 5 vị trí mốc với 10 cột mốc đã được hoàn thành, phân giới được gần 21 km, trong đó gần 16 km đường biên giới trên sông. Và đến khi cột mốc biên giới số 30 được khởi công xây dựng vào ngày 20/11/2015 tại địa bàn xã Ia Nan, huyện Đức Cơ thuộc khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai và cửa khẩu quốc tế Ozadao, tỉnh Ratanakiri và khánh thành vào sáng 26/12/2015, đã đánh dấu việc hoàn thành xây dựng tất cả các cột mốc đại có gắn quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế.

Cùng với các mốc 275, mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia và mốc 314 - mốc cuối cùng tại Hà Tiên, mốc 30 đã góp phần hình thành được “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Đây cũng là cột mốc thứ ba có sự hiện diện của Thủ tướng hai nước tham gia nghi thức cấp cao. Theo lời giới thiệu của Thượng tá Rơ Mah Tuân, Chính ủy BĐBP Gia Lai, tôi đã đến Bảo tàng tỉnh Gia Lai để tận mắt xem chiếc băng phủ cột mốc số 30 được Thủ tướng hai nước kéo hạ theo nghi lễ cấp cao của 2 nước. Nằm trong tủ kính, băng phủ cột mốc có dạng bao trùm với hai nửa được may liền vào nhau: một nửa màu đỏ và nửa còn lại may màu xanh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O phối hợp với lực lượng tại địa phương tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Tuệ Lâm

Cô thuyết minh viên mặc trang phục của thiếu nữ Jarai duyên dáng giải thích với tôi rằng, phần đầu tấm vải đỏ có gắn nơ màu vàng tượng trưng cho quốc kỳ Việt Nam, phần đầu tấm vải xanh gắn nơ trắng tượng trưng cho quốc kỳ Campuchia. Phần nơ hai bên có may hai dây dùng để rút hạ băng khi làm lễ khánh thành. Chiều dài toàn bộ băng là 290cm, phần đầu nhỏ hơn, phần đuôi xòe rộng dài 250cm. Băng này được trùm lên cột mốc, phần màu đỏ nằm bên lãnh thổ Việt Nam, phần màu xanh nằm bên lãnh thổ Campuchia. Sáng ngày 26/12/2015, nguyên thủ hai quốc gia đã đứng hai bên lãnh thổ và cùng tiến hành kéo hạ băng khánh thành cột mốc như biểu hiện cho sự đoàn kết và đồng lòng hai nước chung đường biên giới.

Già làng Siu Bình ở làng Sơn, xã Ia Nan cho biết: “Mình rất vui khi biên giới được phân định rõ ràng, cột mốc được cắm uy nghiêm nên bà con an tâm sản xuất. Nhiều người ở làng mình và làng Lâm mới thuộc xã Bó Nhầy bên kia biên giới có họ hàng nên vẫn thường xuyên qua lại thăm thân. Mình vẫn luôn nói với họ hàng bên ấy là hãy cùng chung tay bảo vệ biên giới, không nghe theo lời kẻ xấu, chăm lo lao động sản xuất để có cuộc sống tốt hơn”. Cũng từ khi đường biên được phân định năm 2015, Câu lạc bộ “Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc, dấu hiệu đường biên giới” được thành lập, đã phối hợp với Đồn Biên phòng Ia Nam mỗi năm tổ chức 20 cuộc tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống mua bán người, ma túy và các tệ nạn xã hội..., thu hút hơn 5.500 lượt cán bộ, hội viên và quần chúng tham gia.

Một cột mốc khác cũng rất đặc biệt trên biên giới Gia Lai mà tôi nhất định phải đến là mốc số 25, thuộc địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai. Cuối năm, mùa hoa điều đơm bông thơm ngào ngạt. Cách cột mốc không xa, một phân lưu của dòng sông ánh sáng Sê San, đến biên khu nơi đây đã mang cái tên mới không kém phần hào sảng. Đó là dòng Pô Cô huyền thoại cùng câu chuyện về người Anh hùng A Sanh đã dùng thuyền độc mộc đưa hàng ngàn bộ đội sang sông và vận chuyển vũ khí đạn dược cung cấp cho chiến trường đánh Mỹ cứu nước. Bước chân tuần tra của đội kiểm soát biên giới Đồn Biên phòng Ia O cứ bám theo sông mà ngược lên mốc. Dòng nước trong xanh ánh lên dưới bình minh, ôm lấy những con thuyền độc mộc xuôi dòng bình yên, mang bóng áo xanh đi nhanh trên chặng đường tuần tiễu.

Trung tá Phạm Văn Quỳnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia O cho biết: “Địa bàn đơn vị đứng chân có diện tích rộng nên lực lượng phải phân tán để thực hiện nhiều nhiệm vụ. Đoạn đường biên, mốc giới đồn được giao quản lý, bảo vệ dài gần 6km trên sông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Do đó, để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, bảo vệ vững chắc địa bàn biên giới, ngoài việc tăng cường công tác nắm tình hình nội, ngoại biên, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị chú trọng phát huy vai trò của các tổ tự quản an ninh trật tự thôn, làng, tổ tự quản trong vùng đồng bào có đạo và tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc. Những ngày cuối năm này, đơn vị vẫn có một chốt biên phòng ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng để đấu tranh với các loại tội phạm và phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép”.

Chia tay Gia Lai, thu vào tầm mắt những sườn núi rực màu cúc quỳ, ấn tượng nhất trong hành trình theo dấu hoa vàng lên biên giới của tôi chính là hình ảnh Quốc môn nằm gần cột mốc 30, cửa ngõ Tổ quốc được thiết kế với ý tưởng cách điệu “Nhà rông Tây Nguyên” - nguồn cảm hứng vô bờ bến trong sử thi, thi ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là một biểu tượng trong kiến trúc truyền thống cả về hình thức và kỹ thuật lắp dựng. Và càng thấm thía hơn lời của Thủ tướng Hun Sen đã nói trong lễ khánh thành cột mốc 30, rằng thành quả lịch sử đáng ghi nhận trong ngày hôm nay sẽ góp phần to lớn trong việc biến khu biên giới đã được xác định rõ ràng, cụ thể của hai nước trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện, phục vụ nhân dân hai nước.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO