Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 09:24 GMT+7

Mùa Hè xanh trên dãy Trường Sơn

Biên phòng - Trong những ngày Hè, những đứa trẻ gọi nhau í ới khi nghe tin các chú BĐBP tổ chức cắt tóc miễn phí tại bản làng; tiếng bước chân thình thịch trên sàn nhà khi cả đám trẻ nô nức đi tìm quả bóng để mang ra sân, bất kể là giữa trưa hay lúc trời sắp tối... đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở các xã Ga Ry, Ch’ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây nằm ở độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển, những đứa trẻ đang nô nức đón mùa Hè giữa đại ngàn Trường Sơn.

Các cậu bé ở thôn Dading, xã Ga Ry hỗ trợ người lớn phơi táo mèo. Ảnh: Văn Chương

Râm ran tiếng ve

Giữa cánh rừng già với các loại cây gõ, lim, sến, tiếng ve rừng phát ra âm thanh réo rắt như hàng chục chiếc kèn glariet trong dàn nhạc giao hưởng cùng bắt nhịp, cậu bé Hốih Đức Hữu, con nuôi của Đồn Biên phòng A Xan, BĐBP Quảng Nam trở về xã Tr’hy thăm gia đình và bắt đầu với nhịp sống lên nương của một cậu bé vùng cao. Mẹ của Hữu là chị Bling Thị Nhêr, người dân tộc Cơ Tu lại bắt đầu cho con quen với cảm giác đôi bàn tay chai sạn giống như những đứa trẻ nơi đây.

Ở núi rừng xa xôi, Hốih Đức Hữu và bạn bè không bắt nhịp như những đứa trẻ cùng trang lứa ở đồng bằng, đó là đi học bơi, học thêm kỹ năng sống, đến các sân thể thao tập võ thuật, đến các lớp vẽ và lấy cảm hứng mùa Hè bằng bài thơ "Tiếng ve" của nhà thơ Thanh Thảo: “Tiếng ve bùng lên/Cồn cào như lửa/Tiếng ve màu đỏ/Cháy trong lùm cây...”. Chị Nhêr cười và cho biết: “Ở xã Tr’hy, cứ 5 tuổi đã vác cuốc theo mẹ lên nương rẫy rồi, nên nghỉ Hè cho cháu đi làm với mẹ để sau này quen với công việc nhà”.

Ngược xã Tr’hy men theo con đường quanh co, dốc núi là tới xã Ch’ơm, nơi đây là thủ phủ trồng đẳng sâm nên từng ngày có những bước tiến dài xóa đói giảm nghèo. Tại khu vực trước sân Trường Mẫu giáo liên xã Ch’ơm và Ga Ry, cô bé A Lăng Thị Sợi, học sinh lớp 7 vừa đi vừa nhìn vào sân trường vắng. Chị A Ger Thị Pơn, mẹ của bé Sợi cho biết, nhà cách trường gần 5km, hồi trước cháu đi học và tự đi bộ về nhà, năm nay cháu sắp lên lớp 8 và sẽ đi học bằng xe đạp.

Kể về những ngày Hè ở đây, chị Pơn cho biết, cháu bé nào cũng theo mẹ lên nương rẫy, vừa phụ giúp gia đình, vừa vui chơi khắp các bờ suối. Tôi hỏi cháu Sợi về thú vui nhất của cháu thì cô bé nở nụ cười rồi trèo ngay lên lùm cây táo mèo. Cành cây rung lắc khiến tiếng ve rừng đang râm ran chợt im bặt. Ở vùng cao này, các cháu nhỏ giúp cho cha mẹ nhiều nhất là hái quả táo mèo, vừa là công việc, vừa là thú vui ngày Hè của các cháu.

Ước mơ sân cỏ

So với thời điểm cách đây 5 năm, vùng cao các xã Ga Ry, Ch’ơm đã thực sự đổi thay nhờ đường bê tông dẫn vào từng thôn bản. Internet cũng phủ sóng khắp nơi cùng với điện thoại thông minh đã mở rộng không gian tiếp cận thông tin cho người dân. Đối với những đứa trẻ, thông tin được tiếp cận nhiều nhất là bóng đá. Trên con đường bê tông vắt qua sát chân núi dẫn vào xã Ga Ry, ngay buổi sáng tinh mơ đã nghe tiếng những đứa trẻ í ới trên những sân cỏ nằm bên rìa núi.

Tangon Lý và Alăng Vũ Văn Y là 2 cậu bé người dân tộc Cơ Tu. Y có nước da đen bóng, vầng trán thấp và dày, khi cậu nở nụ cười trông có vẻ hơi giống cầu thủ Samuel Eto’o từng là vua phá lưới của Đội tuyển Cameroon. Eto’o được xem là tài năng hiếm có của bóng đá châu Phi. Anh là cầu thủ châu Phi giành nhiều danh hiệu nhất mọi thời đại. Còn Lý có khuôn mặt hao hao giống tài năng bóng đá nổi tiếng là Kylian Mbappe của Đội tuyển Pháp.

- Cháu thích nhất cầu thủ nào? - Tôi hỏi.

- Cháu hâm mộ Lima (Ronaldo Luis Nazario de Lima, cầu thủ huyền thoại người Brazil).

- Dạ..., cháu cũng thế!

Lý khoe có thành tích sút tung lưới 21 quả, còn Y thì khoe thành tích khủng với số bàn thắng gấp hơn 3 lần so với Lý. Giải thích về mái tóc lạ trông giống một số cầu thủ người Brazil đến từ những miền quê nghèo, cậu nói: “Y hớt tóc cho cháu, rồi cháu hớt tóc lại cho Y. Cháu dùng kéo cắt... cắt vòng tròn quanh đầu, tóc giống cầu thủ Brazil để sau này đá bóng giỏi”.

Những cậu bé người dân tộc Cơ Tu tập trung đến điểm cắt tóc của Đồn Biên phòng A Nông để được các chú Biên phòng phục vụ miễn phí. Ảnh: Văn Chương

Ở đây, cả nam lẫn nữ đều bị hút vào bóng đá. Cô bé Alăng Nhiết đã trở thành sinh viên thứ 2, vì vậy, nghỉ Hè em mới trở về với sân cỏ ở quê nhà. Trong ngôi nhà của Nhiết có rất nhiều giấy khen, cùng với cúp vàng của huyện vinh danh. Từ năm 6 tuổi, cô bé Nhiết đã tỏ vẻ nhanh nhẹn, luôn dẫn dắt bóng trên sân đất và hò hét với bạn bè trong xóm. Bất kể lúc nào vui là Nhiết lại chơi bóng và cái dáng nhỏ nhắn chạy loi choi như con mèo cũng thu hút được bọn trẻ trong xóm thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn, sau đó đi ra khỏi nhà và bắt đầu một trận thi đấu.

Đào măng, bắt ong

Buổi sáng sớm, khi sương mù còn bao phủ trên Tà Xiên - ngọn núi cao nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, tiếng đàn bò lốc cốc trên đường, tiếng chân người mang ủng đi thành từng đoàn thoắt ẩn thoắt hiện qua cánh rừng lồ ô, cây dầu, rồi biến mất trong cánh rừng già hun hút. Đi cùng đoàn người đó bao giờ cũng có những đứa trẻ theo cha mẹ vào rừng sâu hái măng. Măng đang trở thành loại sản vật của vùng cao Tây Giang, vì vậy, cứ tới mùa là bà con vào rừng hái măng, mang về sơ chế, phơi khô để bán cho thương lái.

Những đứa trẻ luôn là người hỗ trợ đắc lực cho việc đào, hái măng, vì dáng người nhỏ nhắn của các cậu bé đã chui lọt vào giữa bụi cây và chỉ một loáng đã lôi ra được một ít măng tre. Thỉnh thoảng các cậu bé còn phát hiện ra tổ ong trên cây cao, vậy là phóng lên ngọn cây, hơ lửa đuổi ong và hái bánh mật mang về. Tangon Lý còn nhớ được cả những cây mà ong chuyên làm tổ. Nhưng để trở thành một đứa trẻ săn ong thiện xạ, cậu từng bị ong chích tới 35 vết. Cậu bảo, “ong chích đau, nhưng cũng quen”.

Lý nặng 30kg, Y nặng 36kg, nhưng có thể vác được chiếc gùi măng nặng hàng chục kg và đi hàng chục cây số. Khi tôi mới hỏi: “Cháu có thể hái cho chú vài quả táo mèo được không?”, hai cậu nhóc lập tức phóng lên cây với tốc độ còn nhanh hơn "chú mèo trèo cây cau". Những người lính Biên phòng hiểu về vùng cao tâm sự, ở vùng đất này, bất cứ đứa trẻ nào cũng leo cây giỏi, mùa Hè rộn ràng của các cháu có lẽ để lại nhiều kỷ niệm hơn những đứa trẻ ở dưới miền xuôi.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO