Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 02:54 GMT+7

Mùa vải buồn của người dân Đắk Lắk

Biên phòng - Hiện nay, do thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến tỷ lệ ra hoa, đậu quả của nhiều vườn vải thiều trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến cho vải mất mùa, thiệt hại lớn về kinh tế cho hàng trăm hộ nông dân.

Cây vải là một trong những cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phúc An

Người trồng vải trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện đang thu hoạch vụ vải thiều 2023-2024. Năm nay, giá vải thiều ở mức cao gấp đôi so với niên vụ trước, hiện tại, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 45.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản lượng vải thiều Đắk Lắk năm nay giảm mạnh, thậm chí có nơi mất trắng, khiến người trồng vải buồn rầu, xót xa.

Huyện Ea Kar là vùng trồng vải trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện có hơn 1.000ha vải, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 700ha, tập trung ở các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Tih, Xuân Phú, Cư Huê, Ea Đar, trong đó, xã Ea Sar có diện tích lớn nhất với hơn 400ha. Giống vải người dân trồng chủ yếu mua từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh.

Gia đình chị Nông Thị Mai, ở thôn 5, xã Ea Sar có 2ha vải thiều. Năm 2023, vườn vải của gia đình chị thu khoảng chục tấn quả, nhưng năm nay, sản lượng dự kiến chỉ còn khoảng 1 tấn. Chị Mai chia sẻ, thời tiết năm nay nắng nóng, tỷ lệ ra hoa ở vườn vải nhà mình chỉ đạt khoảng 10%, quả vải bị nấm, nứt và khô, sản lượng thu hoạch thấp gấp nhiều lần những năm trước, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Tương tự, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, toàn huyện có khoảng 237ha vải, trong đó, 105ha cho thu hoạch, được trồng chủ yếu ở các xã Hòa Sơn, Hòa Thành, Dang Kang. Điều kiện đất đai, khí hậu của một số địa phương trên địa bàn huyện phù hợp cho cây vải sinh trưởng và phát triển, nên những năm gần đây, cây vải được xem là “cây giảm nghèo” mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác.

Mùa vụ năm 2023-2024, cây vải ở Đắk Lắk mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng. Ảnh: Phúc An

Tuy nhiên, năm nay, thời tiết không thuận lợi, sản lượng vải sụt giảm mạnh, nông dân buồn vì mất mùa. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông đang tích cực tuyên truyền, khuyến cáo bà con nông dân không lơ là, bỏ bê vườn cây. Đồng thời, động viên bà con tiếp tục tập trung đầu tư, chăm sóc, tưới dưỡng giúp cây vải phát triển để đảm bảo năng suất, chất lượng trong vụ mùa tới. Huyện cũng đang chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho người dân trên địa bàn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải theo hướng thâm canh để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cùng cảnh mất mùa vải ở địa phương, ông Hoàng Văn Vinh, ở thôn 1, xã Hòa Thành cho biết: Nhà tôi có gần 300 cây vải, năm trước thu hơn 2 tấn, nhưng năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên vải ra hoa, đậu quả kém, gần như mất trắng. Bây giờ, tôi dồn lực chăm sóc, cắt cành, tạo tán, phục hồi cây tiếp sức cho vụ mùa năm sau.

Ông Võ Tấn Trực, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông chia sẻ: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển diện tích trồng vải, định hướng đến năm 2030 là 500ha, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và thương hiệu vải của huyện. Đồng thời, tích cực mời gọi doanh nghiệp có năng lực vào đầu tư, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm canh tác, gắn bó lâu dài với cây vải.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 3.075ha vải thiều, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 1.687ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 17.357 tấn. Cây vải được người dân Đắk Lắk đưa vào trồng khoảng 20 năm nay ở những vùng đất khô cằn, đất sỏi pha cát và chịu được môi trường bất lợi của mùa khô Tây Nguyên. Vải là một trong những loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, trồng tập trung ở các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Năng, Krông Bông...

Vải Đắk Lắk thường chín sớm hơn so với vải ở các tỉnh trong cả nước khoảng 1 tháng nên nông dân Đắk Lắk thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ... và phần nhỏ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Đến nay, Đắk Lắk có 13 mã vùng trồng vải được thiết lập tại huyện Krông Năng và Ea Kar, với tổng diện tích gần 157ha.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, vải là cây có nhiều lợi thế, tiềm năng, giúp nông dân đa dạng hóa cây trồng trên cùng đơn vị diện tích. Hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương cũng đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, sản xuất tập trung để phát triển cây vải có quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm có chứng nhận chất lượng. Đồng thời, chú trọng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng vải để phát triển số lượng, bảo đảm chất lượng, cấp mã vùng trồng truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Phúc An

Bình luận

ZALO