Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:13 GMT+7

Mùa vui trên cánh đồng Eo Bù - Chút Mút

Biên phòng - Bản Eo Bù - Chút Mút thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, có 67 hộ gồm 274 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Vân Kiều. Tại thời điểm này, trên cánh đồng của bản, cây lúa nước đang trong kỳ trổ bông, hứa hẹn một vụ mùa bội thu để mang tới niềm vui cho người dân trên bản nhỏ vùng cao biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho giúp dân bản làm cỏ trên cánh đồng lúa nước. Ảnh: NTP

Đất hoang giờ thành ruộng lúa nước

Tháng 4, con suối Rào Reng bình lặng dòng nước trong xanh tưới mát cho cánh đồng Eo Bù - Chút Mút để cây lúa thêm nặng bông, trĩu hạt. Thêm hơn 50 ngày nữa thôi, cả cánh đồng này sẽ được nhuộm vàng màu lúa chín với sản lượng ước đạt trên 2,5 tạ cho mỗi sào (500m2). Thế nhưng, để có được cánh đồng lúa nước như ngày hôm nay, đã có rất nhiều mồ hôi, công sức của người dân và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, BĐBP Quảng Bình đổ xuống trong khoảng thời gian gần 1 năm trời.

Chúng tôi lội qua suối Rào Reng, đứng bên những thửa ruộng, cây lúa đang kỳ đơm bông, lắng nghe Trưởng bản Hồ Văn Bình kể câu chuyện khai hoang đất núi để làm ruộng nước: Nơi đây, trước kia là một vùng đất trũng, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, tuy chỉ cách bản khoảng gần 1 cây số, nhưng chẳng ai dám lội suối Rào Reng để qua bên này vì sợ rắn, rết cắn. Năm 2002, khi cán bộ Đồn Biên phòng Làng Ho đến vận động bà con dân bản khai hoang để làm ruộng nước, thì cả bản chẳng mấy ai tin. Thế rồi, các anh đã lội qua suối Rào Reng, phát quang cây cối, cỏ dại, cuốc đất, đào mương đưa nước từ suối vào rồi gieo lúa, lúc ấy, bà con mới hết sợ và bắt đầu làm theo.

Nghe kể thì có vẻ dễ nhưng thực tế, để làm được một thửa ruộng, công sức bỏ ra không hề nhỏ, có khi những người lính Biên phòng phải làm suốt từ sáng đến tối, ăn cơm trưa ngay tại ruộng. Do là vùng đất trũng, nước đọng sâu nên các anh đã phải lấy đất từ nơi cao bù xuống nơi thấp để làm mặt bằng. Khi có bà con dân bản giúp sức thì tiến độ công việc mới nhanh hơn, thế nhưng cũng mất gần 1 năm, cánh đồng lúa nước có diện tích gần 3,5ha này mới trở thành hiện thực. Từ đó đến nay, cứ mỗi năm 2 vụ, cánh đồng lúa cho năng suất từ 2,3 đến 2,7 tạ/sào Trung Bộ. Do đó, việc thiếu lương thực, đứt bữa của bà con Vân Kiều ở bản Eo Bù - Chút Mút đã thuộc về dĩ vãng.

Cùng đi thăm ruộng lúa của gia đình, anh Hồ Văn Tình, sinh năm 1975, ở bản Eo Bù - Chút Mút chia sẻ: “Nhà mình làm 3,5 sào, vụ mùa ni, nếu như từ giờ đến đầu tháng 6 tới là có thể thu hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi thì gia đình mình sẽ thu được trên 8 tạ lúa, đủ ăn cho cả nhà đến gần hết năm. Từ khi có cánh đồng lúa này, cả bản mình không nhà nào còn bị đói cơm như hồi trước”.

Tận tụy người lính mang quân hàm xanh

Câu chuyện giúp người dân trồng lúa nước của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho kể ra cũng lắm gian nan mà nếu như không có sự tận tụy, hết lòng vì dân thì sự thành công chẳng bao giờ có. Theo tập tục, người dân Vân Kiều từ bao đời nay chỉ biết trồng lúa trên nương, trên rẫy bằng cách làm truyền thống “phát, cốt, đốt, trỉa” thác mặc cho trời, sản lượng bấp bênh nên cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ bám riết trong mỗi gia đình.

Nhờ sự chung sức của cán bộ Đồn Biên phòng Làng Ho, đồng bào nơi đây đã tự chủ trong lao động sản xuất. Ảnh: NTP

Để giúp người dân thoát khỏi cảnh thiếu ăn, thay vì “trao con cá” cho họ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho đã trao cho người dân nơi miền biên viễn này “chiếc cần câu” bằng việc xây dựng nên cánh đồng lúa nước để mỗi nồi cơm dân bản không bị vơi đi vào mùa giáp hạt.

Trung tá Lưu Trọng Đạt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Ho cho biết: “Năm 2022, được sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình và với quyết tâm giúp dân phát triển kinh tế để thoát nghèo, sau khi khảo sát, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã bắt tay ngay vào việc khai hoang, cải tạo, san lấp 2 sào đất và đào con mương nhỏ để dẫn nước từ suối Rào Reng vào ruộng. Vừa làm, cán bộ, chiến sĩ vừa tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Ban đầu, ít người nghe theo lắm, nhưng đến khi nhìn cây lúa phát triển xanh tốt trên vùng đất xưa nay bị bỏ hoang, bà con dân bản mới tin tưởng và đồng lòng làm theo để cùng chúng tôi tạo dựng nên cánh đồng Eo Bù - Chút Mút như ngày hôm nay. Cái chính là từ khi có ruộng lúa này, bà con đã chủ động được lương thực cho mỗi gia đình”.

Năng suất, sản lượng lúa giữ ổn định sau mỗi mùa thu hoạch đã dần làm đổi thay nếp nghĩ của người dân như lời khẳng định của Trưởng bản Hồ Văn Bình: “Nhờ có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho chỉ cho người dân Vân Kiều khai hoang và làm nên cánh đồng lúa nước mà dân bản mình mới có gạo ăn để khỏi bị đói. Từ đó, bà con ai cũng phấn khởi và biết ơn bộ đội”.

Ngoài việc giúp người dân làm ruộng lúa nước, Đồn Biên phòng Làng Ho còn tham mưu cho các cấp chính quyền tổ chức cho người dân tự chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, vì thế, bà con khai thác thêm những sản phẩm phụ từ rừng như nấm lim, mật ong, song mây... để tăng thu nhập, nâng cao đời sống với phương châm “mình nuôi rừng, chăm rừng, bảo vệ rừng thì rừng sẽ nuôi mình và bảo vệ mình”.

Ông Hồ Văn Sánh, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho biết: “Cánh đồng lúa nước mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho xây dựng cho bản Eo Bù - Chút Mút là mô hình có giá trị lớn đối với địa phương, mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng biên giới. Nhờ trồng cây lúa nước và tham gia bảo vệ rừng mà nhiều gia đình đã vươn lên để từng bước thoát nghèo”.

Từ một vùng đất bỏ hoang cho cỏ dại mọc, rắn rết trú ẩn, giờ đây, cánh đồng Eo Bù - Chút Mút đã đem đến sự no ấm cho người dân Vân Kiều nơi non cao biên giới. Nhờ đó, cơ bản giải quyết vấn đề đảm bảo lương thực, nâng cao đời sống, đồng thời, bảo vệ được môi trường sinh thái, chấm dứt hoàn toàn tập tục “phát, cốt, đốt, trỉa” cũng như tình trạng phải chạy cơm từng bữa của người dân nơi đây.

Thiếu tá Phạm Thành Đảm, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Ho, đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ bản Eo Bù - Chút Mút giữ chức danh Phó Bí thư Chi bộ chia sẻ: “Nơi bản nhỏ này, tình quân dân bền chặt lắm, nhà ai có việc cần sự giúp đỡ thì đều gọi BĐBP; vụ việc gì liên quan đến an ninh, trật tự khu vực biên giới, người dân đều thông báo cho BĐBP biết để kịp thời xử lý”.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO