Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 04:52 GMT+7

Mùi hương ngày mới ở Ch’ơm, Ga Ri

Biên phòng - Nếu ai vài năm mới quay trở lại xã Ch’ơm, Ga Ri, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thì sẽ cảm nhận được nơi đây bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, cảnh sắc hấp dẫn, đầy hương vị của các loài thảo dược, đến mức có thể trở thành miền đất khám phá cho người yêu thích du lịch trong tương lai.

Những con đường bê tông dẫn vào tận các bản làng xa xôi ở xã Ga Ri và Ch’ơm. Ảnh: Văn Chương

Ch’ơm và Ga Ri là điểm tận cùng trên quãng đường dài hun hút hàng trăm km ở miền cao huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Hết dốc, tới đèo, băng qua sông suối, những khúc cua tay áo, qua những trảng rừng trồng cao su đang chật vật với bài toán nguồn thu. Xe qua nhiều con dốc, cuối cùng hiện ra xanh ngát cánh rừng già nguyên sinh, những vách núi dựng đứng trước khi tới Ch’ơm và Ga Ri.

Anh A Lăng Lơ, một nông dân sản xuất giỏi của xã Ch’ơm đưa tôi lên nương rẫy nằm trên mỏm đồi yên ngựa, nơi bạt ngàn những rẫy trồng cây đảng sâm đang mơn mởn hướng ngọn tìm ánh nắng mặt trời. Theo báo cáo của địa phương, tổng diện tích của xã Ch’ơm là 200ha sâm, nhiều gia đình đã tìm được đầu ra cho loại cây dược liệu ở miền đất biên viễn này, mang lại thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Nhiều đồng bào người dân tộc Cơ Tu tại địa phương cho biết, đó là số tiền mà trước đây bà con không bao giờ dám mơ tới.

Giữa buổi sáng, nhưng trên nương rẫy của xã Ch’ơm vẫn mát rượi, tỏa hơi sương và thoang thoảng mùi của lá rừng. Trước đây, viễn cảnh này được mô tả là một sự khắc nghiệt, “làm khó” cho bà con, khiến chặng đường vượt qua đói nghèo cứ dặm dài ở phía trước. Nhưng giờ đây, khí hậu ở vùng đất nằm ở độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển đã trở thành lợi thế để trồng cây dược liệu, hứa hẹn nơi đây sẽ ngày càng phát triển trong tương lai không xa.

Anh Lơ khoát tay chỉ ra ven sườn núi và nói không thể tính được diện tích, ước chừng cũng hơn 1ha đảng sâm đã đến kỳ cho thu hoạch. Trên đường từ nhà anh Lơ ra mỏm đồi yên ngựa, hai bên đường đi là vô số cây táo mèo trĩu quả, chín vàng. Bao lâu nay, khách mua thường mặc định trong đầu về quả táo mèo xuất xứ ở tận tỉnh Hà Giang. Vì vậy, táo mèo ở vùng cao Tây Giang đưa đến các tỉnh và cũng được một số người buôn bán giới thiệu là từ Hà Giang đưa vào miền Nam.

Ông A Lăng Nhấp (thứ 2, từ trái sang) cùng BĐBP thăm hỏi bà con dân bản tại sân đặt sạp phơi măng rừng. Ảnh: Văn Chương

Từ xã Ch’ơm sang xã Ga Ri trên con đường bê tông uốn lượn quanh những cánh rừng già tuyệt đẹp. Đây là con đường độc đạo từ trên đỉnh núi Trường Sơn dẫn về miền xuôi, vì vậy, lâm tặc hầu như không thể bén mảng được tới vùng rừng núi này. Trên cánh rừng già, những khoảng đất trống nằm ở men sườn núi thấp thoáng bóng những người lên nương rẫy. Nhiều ngôi nhà đóng cửa vì đang vào vụ mùa.

Ông A Lăng Nhấp, già làng thôn Dading cho biết, bà con đang triển khai trồng thêm sâm đại hành, cây cam, năm vừa rồi, Đồn Biên phòng Ga Ri có tổ chức cho cán bộ thăm mô hình vườn cam đơn vị trồng ở sau lưng đồn và chắc sau này có thu hoạch tốt. Ông Nhấp là "cây đại thụ" ở vùng cao Ga Ri, cùng người dân nếm trải qua biết bao nỗi khó khăn gian khổ, vì vậy, ông luôn cảm nhận được sự đổi thay của Ga Ri ngày hôm nay là một bước tiến lớn. Ông kể, từ năm 1968, ông là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ga Ri, đến năm 1978 được điều động sang giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã. Để sâu sát với người dân, Bí thư Đảng ủy xã phải đi bộ vượt hết khe núi đến con suối, cùng BĐBP bám sát thôn bản, sát cánh và động viên bà con nhân dân “cố gắng, hy vọng sau này sẽ có đường, có điện, có đủ gạo ăn”.

Ga Ri giờ đây đã lột xác hoàn toàn. Trong 3 yếu tố: đường, điện, gạo thì đường trở thành yếu tố nền tảng. Từ khi có đường bê tông thì Ga Ri bắt đầu thông thương với miền xuôi nhanh hơn, tất cả các thôn, bản nằm vắt vẻo trên triền núi đã in dấu chân của thương lái về Ga Ri, tới từng thôn, bản để hỏi mua dược liệu. Buổi chiều, trời se lạnh, trên con đường được xem như quốc lộ ở Ga Ri, có vài cụ già khoác chiếc áo dày chống lạnh, chờ người đến thu mua vài mẩu sâm già mới đào trên núi; nhiều ngôi nhà thơm lựng mùi táo mèo, khắp nơi vang lên âm thanh sàn sạt khi phụ nữ gom táo mèo phơi nắng để dồn bao, chờ ngày xuống chợ huyện.

Cách đây 5 năm, tôi đặt chân đến Tây Giang vào dịp cuối năm và mệt nhoài với muôn nẻo đường nhão nhoét bùn lầy, từ người dân đến anh em BĐBP có lúc phải bỏ xe cạnh chân núi, vì đi bộ nhanh hơn đi xe. Còn giờ đây, Ga Ri đã bừng sáng, những xóm làng đẹp như tranh vẽ in trên sườn núi. Ở miền xuôi, sáng sớm, công nhân vào khu công nghiệp; còn ở Ga Ri, lúc sớm tinh sương thì người dân lặng lẽ vào cánh rừng để đi hái măng, có hộ gia đình thu nhập được 15-20 triệu đồng/mùa măng rừng.

Đường đến Ch’ơm, Ga Ri rất xa xôi, nhưng nếu bạn đến được nơi này thì hãy thưởng thức món canh ngọn cây đảng sâm, mùi canh ngọt, bùi, lắng đọng sau bữa ăn, bạn sẽ cảm thấy chuyến đi lên vùng cao thật là ý nghĩa. Để nỗi nhọc nhằn đường xa trôi đi, để cảm nhận về cuộc sống ở xứ mù sương nơi đây đầy thi vị và giàu sức sống.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO