Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 10:55 GMT+7

Mười lăm ngày trên vùng biên giới Tây Nam (Bài 1)

Biên phòng - Với hành trang đơn giản, gọn nhẹ cùng phương châm "gặp gì, đi nấy", nhóm PV báo Biên phòng vừa thực hiện chuyến lữ hành xuyên suốt chiều dài biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Nếu tính cả đường biên giới trên bộ, trên sông, cùng các đoạn đường "dích dắc" phục vụ cho sở thích "tụt chỗ nọ, tạt chỗ kia" thì dấu chân qua mười lăm ngày rong ruổi của chúng tôi đặt lên dọc dài miền biên giới đã lên tới hơn ba nghìn cây số, để được tận mắt thấy những dấu ấn của công cuộc khai phóng biên cương đầy nhọc nhằn của ông cha, sự cố gắng chung sức, chung lòng của cán bộ, chiến sĩ BĐBP hôm nay, góp phần kiến tạo nên hình ảnh của một vùng biên giới thanh bình, hạnh phúc...

Bài 1: Oai danh một cõi biên thùy

Tôi đã được nghe nhiều về vùng đất Tây Ninh với những nét văn minh "không nơi nào có được" ẩn chứa trong các chùa chiền, thánh địa, sóc, làng, trong những thành lũy, hào sâu đã lần lượt xoáy mòn theo lớp bụi thời gian. Và tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế để đón nhận những nét văn hóa đặc thù dựa trên trầm tích phù sa của dòng Vàm Cỏ Đông huyền thoại.

Nhưng khi đặt chân đến đây, thật khó diễn tả hết cảm xúc của người con phương Bắc lần đầu đặt chân lên địa đầu phía Tây Nam Tổ quốc." Thương em, anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang" - câu ca dao tôi đã biết đến thời còn công tác ở miệt đầm phá Tam Giang - Cầu Hai vùng đất Thừa Thiên, bất giác sống dậy trong tâm trí khi đặt chân lên vùng biên ải Tây Ninh.

jr9s_8b-1.jpg
Anh Ui Thom, người Cam-pu-chia ở xã Tha Thna-thnuông sang thăm hỏi, tặng tiền bà con người Việt sống sát biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Ảnh: Thái Bình
 
Nghe kể, xưa kia, muốn đi vào hai châu Ô, Rí (thời Trần), chỉ có đường bộ và đường thủy. Đường bộ thì phải qua truông nhà Hồ (nằm về phía Bắc thị trấn Hồ Xá, tỉnh Quảng Trị ngày nay) và đường thủy thì phải vào phá Tam Giang. Nhưng cả truông nhà Hồ và phá Tam Giang vốn rậm rạp, hoang vắng đều đầy rẫy hiểm họa của thảo khấu, giặc cướp. Nghe kể, mấy trăm năm trước, cư dân nơi khác rất ngại đến Tây Ninh, bởi vùng đất này có rất nhiều huyền thoại "trộn lẫn" với thực tế xã hội ở một vùng đất rộng người thưa, rừng rậm hiểm trở và đầy rẫy cọp beo...

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, trợ lý vận động quần chúng, thuộc cơ quan Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh, quê mãi ngoài Quảng Trạch, Quảng Bình, nhưng lại hiểu "chân tơ, kẽ tóc" về vùng đất Tây Ninh với ngọn núi Bà Đen, thánh địa Cao Đài huyền thoại, cùng với các di tích lịch sử nổi tiếng khác. Anh Hiệp cho biết, theo thư tịch cổ, Tây Ninh vốn có bề dày lịch sử lâu đời. Những di tích nhuốm màu thời gian như Gò Dinh Ông, huyện Bến Cầu, tháp Chóp Mạt, huyện Tân Biên, Bến Sỏi ở huyện Châu Thành... là bằng chứng về một nền văn hóa cổ hưng thịnh đã từng tồn tại trên mảnh đất này vào những thế kỷ đầu công nguyên.

Có lẽ, dựa trên cái "nền" văn hóa cổ xưa, cùng với "bờ xôi ruộng mật" có được do công sức khai phá sơn lâm đầy gian lao, nguy hiểm của tiền nhân, mà Tây Ninh đã trở thành nơi "phát tích", sinh ra nhiều thế hệ trí thức, văn nhân, tướng tài oai danh một cõi biên thùy, vừa giỏi chống chọi với thiên nhiên, vừa tài chống giặc ngoại xâm, giữ gìn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Trên đường lên Đồn BP Phước Tân, ngồi ở vị trí "hoa tiêu" trong chiếc xe U-oát dã chiến của Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh, Thượng tá Hiệp tiếp tục cho chúng tôi biết một số kiến thức cơ bản về vùng đất "oai danh một cõi biên thùy" mà anh từng gắn bó gần bốn chục năm qua.

Theo tài liệu do anh thu thập được thì mùa xuân năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, lấy đất Giản Phố trại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai lập huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy đất Sài Gòn lập huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đặt chức Lưu thủ, cai bộ và ký lục trông nom việc quản trị.

Bấy giờ phần đất Tây Ninh thuộc về địa bàn huyện Tân Bình, phủ Gia Định, dinh Phiên Trấn. Từ cuối thế kỷ XVI, cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều vừa chấm dứt, mầm mống xung đột Trịnh-Nguyễn lại diễn ra, đẩy xã hội rơi vào cảnh rối ren, loạn lạc, nông dân rơi vào cảnh bần cùng, phải bỏ quê hương đi tìm vùng đất mới để sinh sống. Những lưu dân Việt đến khai phá vùng đất Tây Ninh vào năm 1658, khi ấy mảnh đất này còn hoang vu, chủ yếu là rừng rậm, đầm lầy và họ sinh sống chủ yếu ven sông Vàm Cỏ hay ven những con kênh, con rạch, những cánh rừng.

Tuy nhiên, nơi cư tụ trù phú nhất của người Việt ở Tây Ninh là làng Bình Tịnh, được lập vào năm 1809. Năm 1818, ông Đặng Văn Trước, vốn là người Bình Định theo cuộc Nam tiến vào ở Bến Đồn (Bình Dương), cùng một số nhân sĩ đã đến làng Bình Tịnh xin đất, chiêu dân lập nên thôn Phước Lộc, sau đó ông còn tổ chức đào kênh, xây chợ Trảng Bàng, lập thêm các thôn mới là Lộc Ninh và Phước Hội.

Năm 1844, ông Trần Văn Thiện, Trưởng làng Trung Lập, phủ Bình Long, tỉnh Gia Định, đã hưởng ứng chủ trương khẩn hoang của triều đình Huế, chiêu mộ dân chúng lên Tây Ninh xin khai khẩn đất đai ở Bến Cầu. Ông được coi là bậc tiền hiền có công lao mở mang khai triển vùng dân cư người Việt từ Gò Dầu qua Bến Kéo lên rạch Tây Ninh và còn lên tận phía Bắc, từ Trảng Châu đến Lò Gò...

Ấn tượng trước những kiến thức lịch sử do Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp cung cấp khiến chúng tôi liên tưởng đến lời tâm sự của Đại đức Danh Xương, trụ trì chùa Hiệp Phước, xã Hòa Thạnh khi đoàn công tác ghé thăm ông trước khi lên Đồn BP Phước Tân, đại ý: Di sản mà các bậc tiền nhân gây dựng xưa kia luôn chứa trong lòng nó một sức sống, mà người Tây Ninh luôn tự hào mình được sinh ra, lớn lên ở một vùng địa linh nhân kiệt đã hài hòa với khí thiêng sông núi, hun đúc nên biết bao nhiêu kẻ sĩ, người hiền, để góp phần vào công cuộc dựng xây đất nước...

Cách "tổng hành dinh" Đồn BP Phước Tân không xa, tại ấp Thành Bắc, xã Thành Long, huyện Châu Thành, bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn BP Phước Tân vừa được Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh tổ chức trùng tu, ghi danh 36 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam. Không có cơ hội trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới oanh liệt này, những gì Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp biết về nó, đặc biệt là cuộc chiến đấu ác liệt bảy ngày, bảy đêm giữ đồn trước sự tấn công điên cuồng của lính Pôn-pốt - Iêng-xa-ri, được ghép nối bởi ký ức của thế hệ đi trước mà anh đã từng được gặp.

Bảy ngày bị cô lập, những người lính Công an nhân dân vũ trang hi sinh nằm xếp gần nhau, trong đó có đồng chí Phạm Văn Hiểu, Chính trị viên đồn, vừa nhận quyết định chuyển về Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, tối đó là bữa cuối chia tay với anh em đồn. Xương máu các anh đã thấm vào cỏ cây, tỏa sắc trên những cách đồng thẳng cánh cò bay, tỏa hương trong những truyền kỳ, sử sách ở vùng đất "oai danh một cõi biên thùy" này và khắp dải biên cương đất nước.

Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp càng "thuyết trình", câu chuyện càng mở ra. Thời gian công tác tại Đồn BP Phước Tân mười bảy năm ròng trước khi được điều chuyển về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đã giúp anh có cái nhìn thấu đáo từ bên trong, từ những gì cụ thể nhất, con người nhất. Anh bảo, ở đâu cũng thấy BĐBP và nhân dân gắn bó mật thiết và tại địa bàn do Đồn BP Phước Tân, mối quan hệ đó càng khăng khít và tình nghĩa.

Cũng phải, vì quản lý ngót mười bảy ki-lô-mét đường biên giới quốc gia với ba xã vùng biên, gồm Thành Long, Hòa Thạnh và Hòa Hội, mặt bằng dân trí, đặc biệt là đồng bào Khmer sinh sống ở đây còn nhiều hạn chế, những năm qua, Đồn BP Phước Tân đã phối hợp với chính quyền địa phương bám sát địa bàn, vận động đồng bào cho con em đến trường, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận thôn, ấp và từng gia đình thông qua nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị tích cực góp sức cùng bà con mở đường, nâng cấp các tuyến giao thông liên thôn, liên ấp để việc đi lại thuận tiện hơn...

Thông tin của Thượng tá Hiệp cung cấp cho chúng tôi được ông Un Miệt, một bậc cao niên trong cộng đồng Khmer ấp Hiệp Phước, xã Hòa Thạnh xác nhận: "Đời sống vùng biên trước đây khó khăn lắm! Người dân tụi tui làm quần quật kiếm miếng ăn, thời gian đâu nghĩ chuyện cho con cái học hành. Vì thế, mươi năm trước, ở Hòa Thạnh, tụi nhỏ thường không muốn học cho ra đầu, ra đũa, chỉ biết mặt con chữ là bỏ học, theo ba mẹ làm công việc ruộng đồng. Từ khi cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Phước Tân xuống từng nhà vận động, nhận thức của bà con đã thay đổi. Vậy là bằng mọi cách động viên lớp trẻ đến trường kiếm tìm cái chữ để cái đầu được sáng ra. Giờ nhìn tụi nhỏ đọc chữ và làm toán ro ro, ruột gan lớp người già như tui cũng thấy vui lây...".

Đang ngồi tiếp chuyện chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Huy Chiến, Chính trị viên Đồn BP Phước Tân xin lỗi dừng cuộc làm việc để nghe điện thoại của ai đó. Sau dăm ba phút đàm thoại, anh thông báo tin sốt dẻo về... cuộc nhậu do Trạm KSBP Hòa Thành tổ chức trưa nay: "Các nhà báo thông cảm! Ngày nghỉ cuối tuần, anh em trên trạm làm bữa cơm cải thiện, có mời các đồng nghiệp Cam-pu-chia bên Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông (thuộc huyện Rùm-đuôl, tỉnh Svây-riêng) sang uống chén rượu. Khoảng một giờ nữa đến giờ cơm trưa, ta lại Trạm KSBP Hòa Thành chung vui luôn thể...". Nói rồi, anh lại tiếp tục mạch chuyện còn dang dở...

lgpr_8a-1.jpg
Bữa cơm "samakhi" trên đường biên giới. Ảnh: Xuân Hoàng
 
Mới nhận quyết định điều động lên công tác tại Đồn BP Phước Tân gần một năm, Thượng tá Chiến không nhớ mình đã qua lại bao nhiêu lần trên con đường từ đồn đến Trạm KSBP Hòa Thành để trao đổi thông tin, phối hợp công tác với chỉ huy Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới Thna-thnuông. Trân trọng tình cảm "cọng rau bẻ nửa, hạt muối cắn đôi" của BĐBP Việt Nam, Đại úy Ui Svăn Rứt, Đồn trưởng; Trung úy Tích Sui Oát, Đồn phó cùng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trấn ải biên giới phía bạn Cam-pu-chia thường xuyên đáp lại bằng những hành động nghĩa tình, xây dựng tình cảm tốt đẹp giữa hai bên, cùng nhau thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Một kỷ niệm khó quên với anh Chiến là chuyến "tháp tùng" xe tải chở xi măng sang Thna-thnuông tặng cho Đồn Cảnh sát bảo vệ biên giới bên bạn để xây dựng doanh trại cách đây chưa lâu. Hôm đó, trời mưa to, xe bị sa lầy, ở gần khu vực cửa khẩu, anh phải gọi điện nhờ Đồn Thna-thnuông sang "cứu hộ". Khi đến nơi, cán bộ, chiến sĩ và bà con Cam-pu-chia đã tập trung đông đủ đợi đoàn. Họ vô cùng xúc động trước món quà mà BĐBP Việt Nam dành cho lực lượng bảo vệ biên giới Cam-pu-chia. Sau bữa tối giao lưu chào mừng khách Việt Nam, "lễ vật" phía bạn đáp lại là mấy thùng "Vương miện" - loại bia có hương vị thơm, ngon được sản xuất ở Thủ đô Phnôm-pênh...

…"Từ thành phố lên đây công tác, có lúc nào anh cảm thấy buồn?" - Bất giác, tôi đặt câu hỏi khá ngô nghê với Thượng tá Nguyễn Huy Chiến khi anh đang căng các giác quan điều khiển xe trên con đường gồ ghề, trơn trượt trong cơn mưa tầm tã để đến Trạm KSBP Hòa Thành "dự tiệc".

Câu trả lời rõ mồn một, mà nghe cứ như đã thoảng xa vào đất trời biên giới: "Làm sao mà… buồn cho được? Công việc cứ cuốn đi, có rất nhiều việc phải lo! Khi trời mưa như thế này, có nỗi lo quặn ruột là đường sá đi lại khó khăn, đường tắc, đất lấp, cản bước tuần tra của anh em trong đơn vị. Mà nắng hay mưa thì lúc nào cũng canh cánh trong đầu xem hôm nay, ngày mai, hoạt động buôn lậu hàng cấm, chất ma túy và các hoạt động tuyên truyền kích động gây rối trật tự an ninh ở khu vực biên giới nhằm chia rẽ quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới liệu có xảy ra không, để có hướng xử lý phù hợp...".

Nói xong, Thượng tá Chiến cười, tiếng cười của con người chấp nhận lấy công việc "đè" lên, phủ kín mọi nỗi buồn lo.

Bài 2: Bữa cơm "sa-ma-khi" giữa đường biên giới.

Nhâm Hồng Hắc - Nguyễn Xuân Hoàng

Bình luận

ZALO