Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:11 GMT+7

Nâng cao chất lượng chính sách xã hội

Biên phòng - Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (Nghị quyết 42) được dư luận đặc biệt quan tâm vì có nhiều điểm mới, không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, mà còn chú trọng đến đời sống tinh thần của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Ảnh: minh họa

Theo Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, điểm nổi bật trong Nghị quyết 42 là xây dựng sàn an sinh xã hội quốc gia, xác định mặt bằng tối thiểu cuộc sống của nhân dân và bảo đảm mọi người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Sự điều chỉnh về cách tiếp cận Nghị quyết 42 từ bảo đảm ổn định sang ổn định và phát triển được kỳ vọng là giải pháp căn cơ để chúng ta huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng các chính sách xã hội.

Thực tế, những năm qua, mặc dù các chính sách xã hội của nước ta ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ XHCN... Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Tình trạng nghèo của Việt Nam giảm nhanh qua các thời kỳ nhưng kết quả giảm nghèo có nơi, có lúc chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hoá giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai. Cụ thể, tỷ lệ nghèo của khu vực nông thôn vẫn ở mức cao (7,04%) so với khu vực thành thị (1,14%); tái nghèo vẫn diễn ra ở các nhóm yếu thế bị tổn thương do các nguyên nhân thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...

Chính vì thế, việc đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội được nhiều chuyên gia đánh giá là giải pháp mang tính đột phá của Nghị quyết 42. Theo đó, việc huy động các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội không chỉ trông chờ vào Nhà nước, mà phải phát huy từ cộng đồng xã hội và chính người trong cuộc phải tự tìm cách tạo nguồn lực để giải quyết cuộc sống của bản thân mình; đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hoá, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội.

Mặt khác, chính sách xã hội không chỉ điều chỉnh các vấn đề xã hội của đất nước, mà còn định hướng về sự vận động của xã hội, định hướng về sự phát triển của con người và thúc đẩy quá trình phát triển xã hội của đất nước. Tinh thần của Nghị quyết 42 bao phủ toàn bộ chính sách xã hội, không chỉ là chính sách với người có công và an sinh xã hội mà còn là vấn đề việc làm, phúc lợi xã hội... Đặc biệt là đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng cao bao gồm: nhà ở, y tế, giáo dục, thông tin, truyền thông, nước sạch...

Do vậy, chính sách xã hội trong thời kỳ mới cần tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số, giải quyết việc làm và giảm thất nghiệp, đảm bảo thu nhập cho người dân; hướng đến mục tiêu tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4% vào năm 2030. Song song với đó, là các biện pháp đột phá căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động; đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40% vào năm 2030, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Thiết nghĩ, các chính sách xã hội của giai đoạn mới được nhân dân đồng tình ủng hộ và cả hệ thống chính trị vào cuộc sẽ tiếp tục mang lại những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển đất nước.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO