Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 10:44 GMT+7

Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện

Biên phòng - Một trong những kết quả tích cực trong công tác cai nghiện ma túy sau 2 năm thi hành Luật Phòng chống ma túy năm 2021 là số lượng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tăng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy.

Ảnh minh họa.

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, chuyển biến rõ nhất trong công tác cai nghiện là các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể cả về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Cụ thể, 2 năm qua, số lượng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tăng từ 44.486 người (năm 2022) lên 60.104 người vào năm 2023. Ngoài ra, 15.259 người nghiện được dạy nghề; 2.552 người được dạy văn hóa (xóa mù chữ); 38.056 người nghiện áp dụng quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật liên quan đến lĩnh vực cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy đã cơ bản đầy đủ và đồng bộ, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy...

Tuy nhiên, việc thực thi luật còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, hơn 50% cơ sở cai nghiện không bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người cai nghiện ma túy.

Viên chức, người lao động làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy công lập chưa được bố trí đủ theo định mức chuẩn, trong đó, số người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động chiếm gần 30%; trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo chiếm khoảng 43%. Nhiều cơ sở cai nghiện không tuyển được nhân sự làm việc lâu dài; đặc biệt đối với nhân sự là y sĩ, bác sĩ.

Đáng lưu ý là tổ chức triển khai các chính sách về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên thực tế gặp nhiều khó khăn, bất cập do cấp huyện, cấp xã rất khó khăn trong việc bố trí nguồn lực và cách thức tổ chức thực hiện; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu so với quy định. Thế nên, cả năm 2023 mới có 4.128 người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Cả nước mới có 444 đơn vị thực hiện nhiệm vụ này tại 36 tỉnh, thành phố nhưng chủ yếu mới chỉ cung cấp dịch vụ cắt cơn giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần do nghiện ma túy, còn các dịch vụ khác như: Giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi nhân cách; dạy nghề chưa đủ điều kiện thực hiện.

Bên cạnh đó, hơn 10.000 người ở cấp xã được phân công thực hiện nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, phần lớn số nhân sự này chưa được đào tạo, tập huấn, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nên công tác tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý hỗ trợ người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn nhiều hạn chế.

Các chuyên gia lưu ý, tình hình tệ nạn ma túy, người sử dụng và người nghiện ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng người nghiện và người sử dụng ma túy tổng hợp không những không giảm mà còn gia tăng. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều gây rối loạn tâm thần và nguy cơ mất an ninh trật tự.

Để thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống ma túy, Chính phủ cần tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, trong đó có lĩnh vực cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, sớm hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống cơ sở cai nghiện ma túy; nhân rộng các mô hình hỗ trợ cai nghiện hiệu quả, tạo điều kiện kết nối người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các dịch vụ cai nghiện ngay tại cộng đồng.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO