Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 08/07/2024 01:38 GMT+7

Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, biển, đảo

Biên phòng - Thực hiện Chương trình phối hợp số 5486A/CTPH-BVHTTDL-BTLBP ngày 22/12/2017 về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo giai đoạn 2017-2022” giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) với Bộ Tư lệnh BĐBP (gọi tắt là Chương trình phối hợp), 5 năm qua, các đơn vị của hai bên đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng bằng những việc làm cụ thể mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc. Chương trình đã tạo nên diện mạo mới về VHTT&DL và gia đình vùng biên giới, biển, đảo, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP An Giang phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Châu Đốc tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới thuộc các huyện An Phú, Tri Tôn và thành phố Châu Đốc. Ảnh: Đức Thắng

Nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Ngay sau khi ký kết Chương trình phối hợp, công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực VHTT&DL vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các đơn vị BĐBP chú trọng và triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Nội dung tuyên truyền tập trung về các vấn đề về hôn nhân và gia đình cho người dân thuộc các dân tộc thiểu số; tổ chức lớp tập huấn cho các tuyên truyền viên, người làm công tác dân tộc, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng thực hiện nếp sống văn minh, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn môi trường, cảnh quan, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và các nghề truyền thống để phục vụ cho phát triển du lịch bền vững; tổ chức hội nghị, hội thảo về xây dựng mô hình điểm nâng cao đời sống văn hóa nghệ thuật đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã di dân tái định cư xây dựng công trình thủy điện nhằm đánh giá thực trạng đời sống văn hóa của đồng bào trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần ổn định đời sống văn hóa của đồng bào vùng di dân tái định cư xây dựng công trình thủy điện.

Cùng với hoạt động của các đơn vị BĐBP, Bộ VHTT&DL đã triển khai cấp phát sản phẩm văn hóa cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các trường dân tộc nội trú, phòng văn hóa và thông tin cấp huyện; hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng dân tộc trọng điểm và các xã thuộc huyện nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi (theo Quyết định số 900/QĐ-TTg, ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ), giúp người dân có cơ hội được tiếp cận với những nội dung kiến thức về chính trị, pháp luật, văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật phù hợp, thiết thực để nâng cao nhận thức, hiểu biết, tích lũy kiến thức.

Cùng với đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về văn hóa, phong tục tập quán, con người của các dân tộc thiểu số Việt Nam được hệ thống thư viện các cấp tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, phục vụ đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bộ VHTT&DL đã giao Cục Văn hóa cơ sở phối hợp với Cục Chính trị BĐBP hướng dẫn Bộ Chỉ huy BĐBP, Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng cụm pa nô cổ động tuyên truyền tại các cửa khẩu và tổ chức các cuộc thi sáng tác tranh cổ động và triển lãm tranh cổ động tấm lớn tuyên truyền kỷ niệm Ngày Truyền thống BĐBP và Ngày Biên phòng toàn dân (3/3) hằng năm.

Hiệu quả phối hợp ngày càng vững chắc

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP và các ban, bộ, ngành có liên quan và các địa phương luân phiên tổ chức ngày hội, giao lưu VHTT&DL các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung và giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc. Qua đó, thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống đặc sắc, góp phần phục hồi, phát triển các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi địa phương, khơi nguồn sáng tạo trong cộng đồng các dân tộc.

Tại địa phương, ngành văn hóa các tỉnh, thành phố đã phối hợp với BĐBP xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương như: Liên hoan, Hội diễn Tổ, Đội Tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, biển đảo; giao lưu văn nghệ Xuân biên giới, Tết hải đảo; Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản; tổ chức các đợt lưu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước; ca ngợi bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, của BĐBP anh hùng, quyết tâm xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Bộ VHTT&DL đã giao Tổng cục Du lịch phối hợp chặt chẽ với Cục Cửa khẩu BĐBP triển khai nhiều hoạt động chuyên môn liên quan trực tiếp đến lĩnh vực du lịch như: Trao đổi thông tin về số liệu khách du lịch xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, cửa khẩu cảng phục vụ công tác thống kê du lịch; thông tin, tài liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch tại khu vực biên giới, hải đảo. Đồng thời, Cục Cửa khẩu BĐBP đã tích cực tham gia các cuộc khảo sát của Tổng cục Du lịch, nhất là khảo sát phát triển du lịch cộng đồng và homestay tại Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu.

Những nỗ lực của ngành du lịch và các ngành chức năng ở khu vực biên giới trong việc định hướng, đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, nhanh chóng về thủ tục của các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, trong đó có BĐBP nhằm thu hút khách du lịch các nước đến Việt Nam tham quan, du lịch để có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình, thân thiện và mến khách, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trần Đức

Bình luận

ZALO