Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 18/06/2024 08:18 GMT+7

Nâng cao năng lực cạnh tranh logistics

Biên phòng - Những năm qua, hạ tầng logistics Việt Nam ngày càng được cải thiện nhờ hàng loạt các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics toàn cầu, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN.

Ảnh: minh họa

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, tiềm năng logistics Việt Nam rất lớn khi có hệ thống đường bộ hơn 595.201km, mạng lưới đường sắt 3.143km, đường thủy nội địa 17.026km và 22 cảng hàng không đang được quản lý khai thác. Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện có 286 bến cảng, với khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt trên 733 triệu tấn.

Đặc biệt, Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa. 3 cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Cát Lái (Tp. Hồ Chí Minh) và Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm trong top 100 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, cả nước hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Trong đó có nhiều trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối... theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.

Thị trường logistics đang thu hút 34.476 doanh nghiệp với tổng số 563.354 lao động đang làm việc, cùng với sự tham gia của hơn 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics 3PL... Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14-16%, quy mô 40-42 tỉ USD/năm, thị trường logistics Việt Nam đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD.

Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.

Mặc dù vậy, hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác. Trong khi chi phí vận tải chỉ chiếm 30 - 40% tổng chi phí logistics. Đây là con số rất lớn và khá bất cập khi doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng, tài sản phục vụ hoạt động logistics.

Bộ Công thương thừa nhận, các doanh nghiệp logistics Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, nên cung cấp chủ yếu là các dịch vụ logistics nội địa như: vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, khai báo thủ tục hải quan, giám định hàng hóa, dịch vụ thuê chỗ trên tàu... Trong khi hoạt động mang tính đơn lẻ, chỉ phục vụ ở từng phân khúc nhất định, thiếu sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do và thu hút hiệu quả dòng vốn FDI, mở ra nhiều cơ hội sâu rộng trong phát triển chuỗi logistics tại Việt Nam. Nhưng để ngành này bước lên được “con đường màu xanh” cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” để kéo giảm chi phí logistics trên tổng GDP của quốc gia.

Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần phát triển đa dạng các trung tâm logistics, không chỉ tập trung một khu vực, một tỉnh, thành mà phải đa dạng hóa. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics buộc phải đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng “xanh hóa” và đáp ứng các tiêu chuẩn mới của quốc tế và trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số sẽ giúp doanh nghiệp dịch vụ logistics nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ, giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.

Cùng với nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics hiện đại và bền vững.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO