Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 08:04 GMT+7

Nâng cao năng lực chỉ huy, hiệp đồng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống

Biên phòng - Những năm qua, công tác ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) luôn được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, đơn vị đều rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai sát với tình hình thực tế của địa phương. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm khắc phục khó khăn, gian khổ, tích cực giúp đỡ nhân dân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồn Biên phòng Phước Tỉnh, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dẫn, sắp xếp tàu cá vào khu neo đậu an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: Quang Anh

PCTT-TKCN là nhiệm vụ trọng tâm

Cơ quan chức năng nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, được biểu hiện ở số lượng các cơn bão mạnh, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có xu hướng tăng, xuất hiện không theo mùa, gây lũ, lụt, sạt lở đất... làm thiệt hại lớn về người, tài sản trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.

Đại tá Trần Ngọc Tăng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Khu vực biên giới biển, đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm có 25 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã và huyện Côn Đảo, với chiều dài bờ biển 305km (trong đó, đất liền 105,4km và xung quanh huyện Côn Đảo 200km) và vùng biển rộng 11.570km2. Dọc theo bờ biển có nhiều cửa sông như sông Ray, sông Cửa Lấp, sông Dinh, sông Thị Vải, sông Cái Mép. Trên địa bàn BĐBP quản lý có 61 bến cảng, 10 cảng xuất dầu ngoài khơi, 65 điểm neo, 8 cảng cá loại II, 3 cảng cá loại III và 3 khu neo đậu tránh trú bão.

Bên cạnh đó, vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong hệ thống giao thông hàng hải quốc tế và nội địa, là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa bằng đường biển lớn nhất cả nước. Hằng ngày, có lưu lượng lớn, đa dạng về tàu vận tải qua, lại và vào, ra các hệ thống cảng biển, cùng với gần 5.000 chiếc tàu đánh cá của địa phương và hàng nghìn tàu cá của các tỉnh lân cận hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần thủy, hải sản. Đây được coi là địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, thảm họa, sự cố, thiên tai gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và tài sản, tính mạng của nhân dân.

“Từ thực tế đó, yêu cầu nhiệm vụ của công tác PCTT-TKCN đòi hỏi ngày càng cao, vì vậy, BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên luyện tập nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, chuẩn bị tốt về kế hoạch, phương án, lực lượng, phương tiện, trang bị, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ PCTT-TKCN trong mọi tình huống” - Đại tá Trần Ngọc Tăng cho biết.

Chủ động, kịp thời trong mọi tình huống

Điển hình, vào chiều 14/2/2024, Đồn Biên phòng Bến Đá, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu nhận tin báo, tàu cá BV 97290 TS của ngư dân thành phố Vũng Tàu bị sóng đánh chìm trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên tàu có 11 thuyền viên. Đồn Biên phòng Bến Đá nhanh chóng phát tín hiệu liên lạc với các tàu cá đang hoạt động gần khu vực tàu gặp nạn đến hỗ trợ. Nhận được tín hiệu, chủ tàu cá tên Trần Hữu Vương (trú tại thành phố Vũng Tàu) đã tiếp cận cứu vớt được 9 người đưa vào bàn giao Đồn Biên phòng Bến Đá chăm sóc sức khỏe, 2 ngư dân còn lại mất tích.

Quân y Đồn Biên phòng Côn Đảo sơ, cấp cứu ban đầu cho ngư dân bị nạn trên tàu BV 92349 TS và chuyển nạn nhân sang tàu SAR 413 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III kịp thời đưa vào bờ an toàn. Ảnh: Quang Anh

Trước đó, chiều 29/1/2024, tại vùng biển cách huyện Côn Đảo khoảng 20 hải lý, tàu cá tỉnh Bình Thuận do ông Nguyễn Đức Thủ, 44 tuổi làm thuyền trưởng, phát hiện tàu hàng tên SAMADRA INDAH II, quốc tịch Malaysia bị chìm. Tàu cá của ông Thủ nhanh chóng tiếp cận, cứu vớt 12 thuyền viên bị nạn lên tàu, 3 thuyền viên khác mất tích. Nhận được thông tin, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thông báo, phối hợp cùng Đồn Biên phòng Côn Đảo đưa 12 thuyền viên vào cảng Bến Đầm, huyện Côn Đảo, đồng thời tổ chức tìm kiếm các thuyền viên mất tích.

Sau khi trở về đất liền an toàn, các thuyền viên gặp nạn đã gửi lời cảm ơn đến BĐBP đã kịp thời phát thông tin kêu gọi các tàu trên biển và tổ chức lực lượng ra biển kịp thời cứu nạn, đưa họ vào bờ an toàn. BĐBP còn chăm sóc chu đáo, tận tình để các thuyền viên bị nạn được quay về đoàn tụ với gia đình.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 689-NQ/QUTW ngày 10/10/2014 của Quân ủy Trung ương về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo vừa diễn ra tại BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP ghi nhận, đánh cao những kết quả mà BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt được trong những năm qua. Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương lưu ý: Cấp ủy, chỉ huy của các đơn vị cần chủ động phối hợp các cơ quan chức năng đánh giá tình hình, dự báo chính xác từ sớm, từ xa. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, xử trí ngay từ đầu khi mới xuất hiện, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Để đạt hiệu quả cao, đơn vị cần tăng cường luyện tập các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố ở các cấp để nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ; trong đó, chú trọng khả năng cơ động, thực hành ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và công tác bảo đảm an toàn. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với diễn tập các phương án, nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, năng lực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn của các lực lượng trong điều kiện khó khăn, phức tạp.

Theo số liệu thống kê của BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu, năm 2023, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn được 65 người. 4 tháng đầu năm 2024, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia cứu hộ, cứu nạn được 34 người.

Lê Khoa

Bình luận

ZALO