Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:22 GMT+7

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai: Xây dựng chiến lược căn cơ, lâu dài

Biên phòng - Thiên tai đã và đang gây ra những hậu quả thảm khốc cho con người. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần xây dựng chiến lược, giải pháp căn cơ lâu dài để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trận lũ quét tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai vào giữa tháng 4-2021 làm 3 người chết, 36 nhà ở của người dân bị thiệt hại. Ảnh: Ngọc Hà

Thiên tai ngày càng khốc liệt

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt trên phạm vi cả nước với những yếu tố dị thường và ghi nhận nhiều hậu quả vượt mức lịch sử.

Trong năm 2020 đã xuất hiện 16/21 loại hình thiên tai. Theo thống kê, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (trong đó có cơn bão số 9 mạnh nhất trong vòng 20 năm); 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt, lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng.

Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích; hơn 3.400 nhà bị sập, hơn 333.000 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai là gần 40.000 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2021, đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá ở phía Bắc, nắng nóng, hạn mặn ở khu vực miền Nam. Đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương ở phía Bắc đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường.

Thời gian qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hậu quả do thiên tai gây ra tại các địa phương nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân tại các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT còn tồn tại những hạn chế. Đó là nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều; việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân chưa thường xuyên, kịp thời. Còn nhiều hộ dân sống ở những nơi có nguy cơ mất an toàn chưa được bố trí di dời do thiếu quỹ đất và nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, theo thói quen, tập tục sinh sống của đồng bào các dân tộc vùng cao chủ yếu là ven sông suối, trên đất dốc - những nơi có dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Mặt khác, công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai tuy đã có những bước cải thiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là dự báo, cảnh báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và mưa cực đoan trong phạm vi hẹp. Hạ tầng PCTT thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn...

Cần có tầm nhìn xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Bàn về giải pháp PCTT, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và kết nối thông tin dự báo thiên tai. Ông Trường cho biết, hiện nay, Lào Cai lắp đặt các thiết bị quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai nhưng chưa phát huy được tối đa hiệu quả do sự kết nối thông tin hạn chế. Cụ thể là chưa chuyển tải được các số liệu quan trắc về các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn có tính chất liên vùng, liên khu vực cũng như chưa kết nối được dữ liệu với toàn quốc.

“Bà con hiện sống theo tập quán ở ven các khu vực sông suối, những chỗ rất nhạy cảm khi có bất kỳ biến động nào về thời tiết xảy ra thì chỗ đó là chỗ xung yếu nhất. Vì vậy, cần phải xem lại quy hoạch không gian sống, quy hoạch khu vực sản xuất của người dân. Cái đó mới là hướng căn cơ, lâu dài” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đề cập đến giải pháp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất, di dời, sắp xếp dân cư sau thiên tai, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ kinh nghiệm: “Phòng, chống lũ quét, sạt lở phải được chỉ đạo sớm, từ khi có dự báo cảnh báo diễn biến hình thế thời tiết nguy hiểm, mưa lớn. Việc chỉ huy, điều hành ứng phó phải kịp thời, kiên quyết, khẩn trương”. Đồng thời, chủ động các phương án khả thi và hiệu quả, lập bản đồ xác định vùng xung yếu, nguy cơ về lũ quét, sạt lở ở từng địa bàn; thực hiện di chuyển dân vùng thiên tai đến nơi an toàn, ổn định lâu dài, phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong PCTT, quan điểm là lấy phòng là chính, chống là để xử lý, đừng để mất bò mới lo làm chuồng. Đồng thời cho rằng, cần có tầm nhìn xa công tác PCTT. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, “phòng” là phải tìm ra được giải pháp căn cơ, lâu dài hơn, để con cháu chúng ta trong tương lai được sống trong môi trường an toàn hơn trước thiên tai.

Theo đó, trước mắt, chúng ta tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng, những điểm xung yếu cần tiếp tục khắc phục. Trong PCTT cần có chiến lược dài hạn dựa trên nền tảng công nghệ, như công nghệ dự báo, công nghệ cảnh báo sạt trượt từ sớm... nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ cụ thể hóa một chiến lược PCTT trong 5 năm, 10 năm. Đánh giá các nguồn lực, mức độ rủi ro, cơ sở hạ tầng, những phương tiện để ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Trong thời gian tới, phải nâng cao năng lực ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, giải quyết hậu quả thiên tai để nhanh chóng ổn định cuộc sống của người dân. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng các mô hình PCTT hay, thiết thực để áp dụng cho những năm về sau.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO