Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 01:24 GMT+7

Nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho người dân vùng dân tộc thiểu số

Biên phòng - Thực tế cho thấy, khu vực miền núi, biên giới là nơi tập trung nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, hằng ngày, họ phải đối diện với các thách thức khi tham gia giao thông như địa hình khó khăn, cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và cứu hộ còn nhiều hạn chế. Do đó, thời gian qua, việc tăng cường nâng cao các kiến thức về chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông cho người dân ở khu vực này luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, thực hiện quyết liệt.

Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho các em học sinh DTTS khu vực miền núi, biên giới luôn được các lực lượng chức năng triển khai thực hiện thường xuyên. Ảnh: ĐVCC

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm qua, nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào các DTTS về Luật Giao thông đường bộ nên tình hình an toàn giao thông (ATGT) ở vùng đồng bào các DTTS khu vực miền núi, biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Là huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh, Ba Chẽ tập trung hơn 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, DTTS chiếm tỷ lệ lớn với trên 80%, trong đó, dân tộc Dao chiếm đến 44%. Do đó, trình độ nhận thức và hiểu biết về pháp luật của đồng bào các DTTS còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm những lỗi cơ bản trong tham gia giao thông còn khá cao, nhất là những lỗi như: không đội mũ bảo hiểm, uống rượu điều khiển xe, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định... Chính vì thế, để hạn chế các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn, Công an huyện Ba Chẽ đã phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định về ATGT, đặc biệt đã uống rượu bia thì tham gia giao thông...

Đồng thời, đơn vị cũng chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp xã thường xuyên tuần tra theo kế hoạch của Công an huyện, thành lập một số chốt chặn tại các điểm quan trọng, tăng cường tuần tra đêm, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm trong quyền hạn được phép. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2023, Công an huyện Ba Chẽ đã phát hiện, xử lý 674 trường hợp vi phạm, tạm giữ 160 phương tiện, tước 64 giấy phép lái xe, xử phạt hành chính hơn 810 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, trong thời gian tới, Ban ATGT huyện Ba Chẽ sẽ quyết liệt tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động; huy động tối đa các lực lượng, tranh thủ sự giúp đỡ của những người uy tín, già làng, trưởng thôn, chức sắc trong cộng đồng tôn giáo để vận động, tuyên truyền, khuyên bảo bà con chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào DTTS.

Còn tại tỉnh Lào Cai, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền pháp luật ATGT đến quần chúng nhân dân, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Lào Cai đã đổi mới nội dung, biện pháp, hình thức tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm, nhận thức của đồng bào DTTS trên địa bàn.

Thượng tá Trần Long An, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Lào Cai) cho biết: "Từ sự đổi mới, vận dụng linh hoạt các loại hình thông tin truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đã giúp chúng tôi truyền tải tốt hơn chủ trương, chính sách, pháp luật về giao thông đến với người dân. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và hành động của người dân ứng xử văn minh, đúng pháp luật khi tham gia giao thông".

Bên cạnh việc xây dựng các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Lào Cai còn phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại các nhà trường, khu dân cư trên địa bàn huyện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Từ việc đa dạng và đổi mới các hình thức tuyên truyền đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân, kéo giảm tỷ lệ vi phạm giao thông tại khu vực miền núi, biên giới.

Đặc biệt, hiện tại, địa phương đang bước vào cao điểm mùa du lịch với nhiều hoạt động lễ, hội. Vào thời điểm này, nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch thường tăng cao. Bên cạnh đó, việc có nhiều lễ, hội là những nguy cơ tiềm ẩn đối với việc lạm dụng rượu, bia của người dân, từ đó sẽ gây ra những nguy cơ lớn làm gia tăng tai nạn giao thông.

Để việc giảm thiểu tai nạn giao thông, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường phối hợp tăng cường tuần tra theo kế hoạch, Công an tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường bộ; đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành thành viên trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT dưới nhiều hình thức, từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của mỗi cá nhân đối với việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATGT.

Có thể khẳng định rằng, để đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn khu vực miền núi, biên giới, ngoài sự chủ động của lực lượng chức năng, người dân cũng cần thay đổi thái độ, hành vi, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông bằng những hành động thiết thực. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là sự tự giác chấp hành luật của mỗi người, mỗi nhà, vì thế, tuyên truyền vẫn là khâu trọng tâm, từ đó, tạo được những bước chuyển mang tính đột phá, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tiếp theo.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO